Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Đại biểu quốc hội Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thẳng thắn nhìn nhận: Việc sắp xếp nhà đất và việc phê duyệt phương án sử dụng đất là "nút thắt" trong quá trình cổ phần hóa; việc cổ phần hóa chậm cũng từ khâu này.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng; trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN về phê duyệt Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, đạt 30% kế hoạch. Về thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020 đạt 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng.
Đặc biệt, đại diện Bộ Tài chính cho biết, lực cản lớn nhất của quá trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2016 – 2021 chính là sắp xếp, xử lý đất đai. Các doanh nghiệp nhà nước đang được Nhà nước giao quyền sử dụng và quản lý một diện tích rất lớn đất đai, nhà và công trình trên đất trên khắp cả nước; đa phần nằm ở các vị trí đắc địa có giá trị rất lớn nhưng hiệu quả sử dụng lại không cao.
Trong khi đó, theo ông Đặng Quyết Tiến, đa số các tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa...
Ông Đặng Quyết Tiến chỉ rõ, rất nhiều doanh nghiệp sau 2-3 năm, thậm chí 4 năm vẫn chưa sắp xếp xong cơ sở nhà đất.
“Quá trình sắp xếp này có nhiều vấn đề tồn tại và bất cập, đây là vấn đề của lịch sử để lại nhưng phần lớn là nguyên nhân chủ quan của nhiều doanh nghiệp. Có nhiều cơ sở nhà đất khi sắp xếp lại sẽ phải thu gọn, trả lại những diện tích đất không dùng đến, hoặc dùng không đúng mục đích để cho các cơ quan địa phương, các quỹ đất địa phương có thể giải phóng cho các thành phần kinh tế khác. Điều đó khiến các doanh nghiệp cũng ngần ngại”, ông Đặng Quyết Tiến nói.
Dưới khía cạnh doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất trong cổ phần hóa doanh nghiệp ngành điện là vấn đề đất đai khi xác định giá trị doanh nghiệp. Bởi giá đất đai thay đổi liên tục.
Theo ông Nguyễn Xuân Nam chính điều này, đã khiến EVN cũng như các đơn vị khác, e ngại nhất là đánh giá giá trị doanh nghiệp để thoái vốn; trong đó có tính giá trị đất
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng đây chính là nguyên nhân gây thất thoát tài sản công. Đất đai trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước không chỉ bị định giá thấp, mà còn qua việc chuyển sở hữu, “tư nhân hoá ngầm” đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tay tư nhân theo “quy trình tắt”, không công khai và không qua đấu giá.
Theo ông Nguyễn Minh Phong, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa quy định cụ thể về phương pháp xác định giá đất bảo đảm minh bạch, sát giá thị trường. Do đó, việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường. Xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất nhưng chưa xin ý kiến thường trực Hội đồng nhân dân và không báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố tại kỳ họp gần nhất.
“Vì vậy, trên thực tế, sau khi nhiều sai phạm đất đai trong cổ phần hoá, thoái vốn được pháp luật xử lý, đến nay, nhiều đơn vị né việc này”, ông Nguyễn Minh Phong nói.
Chính vì sắp xếp đất đai là vướng mắc lớn nhất trong cổ phần hóa nên nhiều chuyên gia đã đưa ra kiến nghị loại đất đai ra khỏi việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến, định hướng tách giá trị đất ra khỏi phương án tính giá trị cổ phần hóa phải rà soát, tính toán kỹ để đảm bảo tính đúng, tính đủ, tránh thất thoát trong cổ phần hóa, đảm bảo đất đai được quản lý chặt chẽ, tránh bị lợi dụng.
Theo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), thời gian tới, nhằm thúc đẩy việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, cần sửa quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Cụ này đề nghị việc việc xử lý nhà, đất theo hướng sau khi được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án “giữ lại tiếp tục sử dụng” thì việc quản lý, sử dụng nhà, đất thực hiện theo pháp luật về đất đai, doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan; không thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất nhiều lần.
Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng các doanh nghiệp khi chuyển sang cổ phần hóa thì chỉ được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; không được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa. Trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước và sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.