Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc cung ứng nông sản, hàng hóa thiết yếu toàn quốc chịu áp lực rất lớn. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã và đang cùng các sàn thương mại điện tử lên phương án, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển, nhằm tăng cường nguồn cung và giảm áp lực cho các thành phố đang thực hiện các phương án giãn cách xã hội.
Cụ thể tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, sàn thương mại điện tử Tiki đã tăng lượng cung hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu và triển khai Chương trình “Tiếp sức Sài Gòn, Tiki trao tươi ngon”.
Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel Post không chỉ tích cực với phương án bán hàng online trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò, mà còn triển khai mở mới điểm bán lưu động tại Đồng Nai, Vũng Tàu… tiếp ứng nhu yếu phẩm cho người dân, cam kết giao hàng chỉ sau 1-3 ngày.
Với chương trình “Đi chợ tại nhà”, sàn Sendo chuyển sang bán hàng rau củ theo combo. Có nghĩa, khách hàng chỉ cần đặt một đơn là có đủ các mặt hàng cần thiết và các đối tác cung ứng cũng chủ động hơn về việc đóng gói, giao vận. VnPost (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) triển khai nhiều điểm bán hàng bình ổn giá tại các bưu điện. Người dân ở khu cách ly có thế đặt hàng qua điện thoại, zalo… Bưu tá sẽ chuyển hàng hóa tận nơi, theo thứ tự ưu tiên: hàng tươi sống sẽ chuyển đến trước.
Tuy nhiên, trước tình trạng số lượng đơn hàng tăng đột biến do dịch bệnh kéo dài và nhiều khu vực bị phong tỏa, cách ly trên cả nước, các sàn đang gặp nhiều khó khăn trong khâu giao hàng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có văn bản kiến nghị với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đề xuất phương án cung ứng hàng hóa, với việc tạo điều kiện cho các Sàn và đơn vị vận chuyển phân phối hàng hóa thiết yếu, ví dụ như có chính sách cụ thể cho thương mại điện tử để có thể phát huy tối đa lợi thế phương thức này. Đó có thể là một điểm tập kết hàng thương mại điện tử, để đảm bảo việc giao vận và quy tắc an toàn phòng chống dịch./.