Tại buổi tọa đàm "Giải pháp giúp nhà thầu giao thông vượt bão giá" do Báo Giao thông tổ chức mới đây, ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cienco 4, cho biết tập đoàn đang thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. "Chúng tôi vừa phải ký hợp đồng tăng giá vật liệu vì khan hiếm. Ở một số mỏ vật liệu, các nhà thầu phải tranh nhau mua trong khi lại bị ép tiến độ thi công. Các nhà cung cấp vật liệu nhân cơ hội đó cũng không giảm giá" - ông Thọ nêu thực trạng.
Theo ông Nguyễn Lê Bách, Phó Giám đốc Ban Kế hoạch - kỹ thuật Tập đoàn Đèo Cả, doanh nghiệp này đang tham gia nhiều công trình trọng điểm trên cả nước. Tình hình "bão giá" vật liệu xây dựng bắt đầu xảy ra từ khoảng quý I/2021. Thời điểm lập giá dự thầu của tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, giá thép chỉ khoảng 14.000 đồng/kg. Đến tháng 4-2022, giá thép đã lên tới 20.000 đồng/kg và hiện giảm nhẹ nhưng vẫn đến 18.000 đồng/kg.
"Không những thép mà các vật liệu khác như đất đắp, xăng dầu, xi măng... đều tăng khiến giá thành các dự án đang bị vượt khoảng 18%-30% so với hợp đồng gốc" - ông Bách lo ngại.
Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết có 2 phương pháp chính để điều chỉnh giá, gồm điều chỉnh theo công thức và bù trừ trực tiếp. Giai đoạn đầu, một số địa phương không công bố đầy đủ chỉ số giá, công bố giá không sát với biến động thực tiễn đã gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Để gỡ khó, Bộ GTVT đã đề xuất giải pháp: Công bố giá phản ánh đúng thực tiễn. Nếu được, có thể xem xét tách công thức điều chỉnh giá, không công bố giá bình quân cho cả hợp đồng gói thầu mà tách ra một số nhóm vật liệu chính bị biến động lớn. Ngoài ra, khắc phục bất cập do vật liệu đất đắp không được điều chỉnh giá vì đây là vật liệu chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong hợp đồng (khoảng hơn 20%).
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng, cho biết bộ đã rà soát, tìm kiếm vật liệu thay thế; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn đơn giá, làm giàu nguồn cung để bình ổn giá thị trường. Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề nghị Quốc hội có nghị quyết quy định mức biến động giá so với thời điểm ký hợp đồng là bao nhiêu để được xác định là bất khả kháng.
"Bộ Xây dựng cũng đang thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, bảo đảm dữ liệu về giá được công bố trên hệ thống chung cho cả 63 tỉnh, thành. Khi dữ liệu này được đưa vào, chúng ta sẽ đạt được sự minh bạch, liên tục cập nhật giá, các chủ đầu tư, nhà thầu đều được đăng nhập, tránh trường hợp công bố chậm. Dự kiến trong quý IV năm nay, Bộ Xây dựng sẽ công bố cơ sở dữ liệu này" - ông Anh Tuấn thông tin.
Đừng để chủ mỏ vật liệu thách thức nhà đầu tư
Ông Lê Đức Thọ cho biết mỏ vật liệu là nguồn tài nguyên của đất nước nhưng lại giao cho một số chủ mỏ. Nếu giai đoạn 2, tuyến cao tốc Bắc - Nam không có cách làm tốt cũng sẽ bị "vỡ trận". Về thủ tục, để được khai thác một mỏ vật liệu phải mất 1 năm, trong khi thời gian để thi công dự án cao tốc Bắc - Nam chỉ hơn 2 năm nên gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
PGS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng - đề nghị Bộ GTVT và các bộ liên quan nghiên cứu quy hoạch hệ thống mỏ phục vụ công trình đường giao thông nói chung, đặc biệt là các tuyến cao tốc. "Mỏ vật liệu là tài sản nhà nước. Đừng để chủ mỏ vật liệu thách thức nhà thầu, nhà đầu tư. Nên giao những mỏ vật liệu, vật tư ấy cho nhà đầu tư để họ chịu trách nhiệm trước xã hội..." - PGS Trần Chủng nêu quan điểm.