Hàng loạt doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền
Các báo cáo nghiên cứu được công bố gần đây đã cho thấy những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tới khu vực doanh nghiệp (DN). Cụ thể, báo cáo “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn Covid-19 lần thứ 4” của Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã dự báo số lượng DN thua lỗ, ngưng hoạt động, giải thể hoặc phá sản sẽ tăng mạnh trong quý 4/2021.
Báo cáo chỉ rõ, do các đợt giãn cách liên tục và kéo dài ở TP.HCM đã bẻ gãy liên kết kinh tế giữa TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của DN và gây tổn thất cho nông dân và các cơ sở sơ chế trung gian. Các tổn thất này đã đẩy DN vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và vay nợ đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản.
“Điều này rất có thể sẽ khiến nền kinh tế rơi vào tình cảnh nợ xấu gia tăng”, báo cáo của Trường Đại học Kinh tế - Luật nhận định.
Hay khảo sát được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) công bố mới đây cũng cho thấy, "sức khỏe" tài chính của DN có vấn đề và khó có thể tiếp tục trụ vững trong thời gian tới. Trong đó, tỷ lệ DN tạm ngừng do dịch chỉ còn dòng tiền đủ để duy trì hoạt động “ít hơn một tháng” chiếm khá cao, gần 40% số DN được hỏi và 17,7% ở các DN đang duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, tỷ lệ DN có dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến 3 tháng là tương đồng giữa nhóm DN tạm ngừng hoạt động do dịch và nhóm DN đang duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (46%).
Thực tế, để giải quyết khó khăn do dòng tiền, nhiều DN đã chọn giải pháp giảm chi phí hoạt động như: cắt giảm lao động, tiền lương, tổ chức lại sản xuất hoặc đi vay từ ngân hàng và các tổ chức khác… Ngoài ra, để giải quyết những khó khăn về dòng tiền cho DN, các DN luôn mong muốn có các gói tài chính hỗ trợ trực tiếp về thuế, phí, lệ phí và lãi vay ngân hàng.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, các DN dệt may đề nghị giảm 30% giá điện cho đến hết năm 2021, kiến nghị thành phố Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022; TPHCM hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30/6/2022…
“Vitas cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với với những DN gặp khó khăn do COVID-19, tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022”, ông Trương Văn Cẩm nói.
“Cấp cứu” dòng tiền cho doanh nghiệp
Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp và tổng lực hỗ trợ doanh nghiệp như: các chính sách về gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi suất cho vay,… nhưng sức khoẻ của các DN vẫn cho thấy sự suy giảm trầm trọng.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), việc giảm lãi vay chỉ phù hợp đối với doanh nghiệp vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất, dòng tiền chưa bị suy kiệt. Hoặc như chính sách giảm thuế thu nhập DN cũng chỉ áp dụng cho DN còn ghi nhận lãi, còn khi các DN đang rơi vào tình trạng đóng cửa thì việc giảm thuế không còn ý nghĩa.
“Điều mong mỏi nhất của DN bây giờ là tiếp tục được “cấp cứu” dòng tiền thông qua chính sách tiền tệ như: giảm lãi, khoanh nợ, hoãn nợ, cơ cấu nợ, vay vốn mới…”, đại diện VINASME cho hay.
Trước tình thế “cấp bách” hiện nay, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật cho rằng, cần tập trung vào hai hướng hỗ trợ. Đó là hỗ trợ trực tiếp cho tổng cầu (thông qua cắt giảm thuế, tăng chi đầu tư, chi hỗ trợ việc làm, chi hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng…) và hỗ trợ tài chính cho DN nhằm hạn chế đóng cửa phá sản (thông qua bảo lãnh và cho vay, cung cấp dòng vốn chi phí thấp).
Riêng đối với nhóm chính sách liên quan tới tiền tệ, theo Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật, cần thiết lập gói hỗ trợ tín dụng riêng cho cá nhân, hộ kinh doanh, DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa… do năng lực tự phục hồi kém trong khi sự suy kiệt tài chính của nhóm DN này tạo gánh nặng cho an sinh xã hội, làm chậm sự hồi phục và tăng trưởng trong giai đoạn hồi phục.
“Chính sách hỗ trợ tín dụng và bảo lãnh cho các đối tượng này cần thực hiện trên quan điểm Chính phủ chấp nhận việc dịch chuyển rủi ro của chủ nợ về phía mình và chuẩn bị nguồn lực để hấp thụ rủi ro này”, chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế - Luật lưu ý.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi, cơ cấu nợ; không phạt lãi chậm trả, lãi quá hạn đối với các khoản nợ đến hạn trả trong thời gian giãn cách trên cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại và triển vọng phục hồi của khách hàng tương ứng với ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ tư.
“Cùng với đó, bổ sung lĩnh vực sản xuất hàng thiết yếu vào đối tượng được hưởng ưu đãi trong chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước”, chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế - Luật khuyến nghị./.