Gia đình ông Nguyễn Văn Giang, ở xã An Lĩnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên trồng 1,2 ha keo đến nay được hơn 5 năm, ông quyết định thu hoạch. Sau khi trừ mọi chi phí, rừng keo này cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/ha. Với diện tích này, nếu để thêm 2 năm, thu nhập có thể tăng thêm 40 triệu đồng mà không tốn bất kỳ chi phí nào. Theo ông Giang, do điều kiện kinh tế khó khăn buộc người dân phải khai thác trước.
Người dân Phú Yên ồ ạt thu hoạch keo non để bán.
Từ trước Tết Kỷ Hợi đến nay, giá gỗ keo nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Phú Yên tăng khá cao, khoảng 1,3 triệu đồng/tấn, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Hà, ở xã An Lĩnh, Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết, tại các xã miền núi, nhiều hộ dân ồ ạt khai thác keo non đang ở độ tuổi từ 4 - 5 năm tuổi để bán.
"Do không có tiền thì phải bán sớm, nếu có tiền để 9 - 10 năm mới bán thì lợi nhuận thu được sẽ rất cao", bà Hà nói.
Ở miền núi tỉnh Phú Yên, khoảng 80% hộ dân bán keo trồng tuổi từ 4 - 5,5 năm.Theo ngành lâm nghiệp , cây keo đủ 7- 8 năm tuổi mới đảm bảo chất lượng gỗ cũng như năng suất. Việc bán keo non về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gỗ rừng trồng của Việt Nam. Tuy nhiên, để trang trải cuộc sống và các khoản đầu tư sau 5 năm trồng, khi giá gỗ nguyên liệu giấy tăng thì người dân không ngần ngại bán keo non./.