Giải pháp khẩn cấp
Phía Trung Quốc đang tập trung lực lượng, chuyển một số cán bộ kiểm dịch hải quan sang hỗ trợ công tác kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh về nước ăn Tết nên, lực lượng kiểm soát hải quan về phòng chống dịch của phía Trung Quốc hiện nay rất mỏng, do đó không đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa.
Việc này đã khiến hàng nghìn container hàng hóa từ phía Việt Nam bị ùn tắc không thể xuất sang Trung Quốc. Hàng loạt doanh nghiệp của Việt Nam bị thiệt hại nặng nề khi phải tăng chi phí như bảo quản, lưu kho bãi.
Riêng tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) tính đến 16h ngày 14/12, cửa khẩu này đang có 1.178 container mắc kẹt chưa thể thông quan. Trong đó có hơn 200 container chở hoa quả, hơn 50 container chở nông sản và gần 900 container chở thủy sản.
Để tháo gỡ khó khăn, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, UBND TP Móng Cái đã đề nghị các doanh nghiệp cho thuê kho, bãi chung tay hỗ trợ các chủ hàng, chủ xe. Các doanh nghiệp tại Móng Cái đã thống nhất giảm giá thuê lưu container, lưu xe, xuống mức thuê 100.000 đồng/container/ngày. Đây là mức thấp hơn nhiều so với thuê ở các tỉnh khác.
“Đoàn chúng tôi có 5 container chở hải sản đông lạnh từ Nha Trang ra đây đã được 3 ngày. Ngoài phí thuê bến bãi, chúng tôi còn mất nhiều chi phí phát sinh khác. Đặc biệt là mặt hàng đông lạnh nên thường xuyên phải chạy máy lạnh để bảo quản hàng hóa. Tính trung bình 5 container đậu ở đây mỗi ngày chúng tôi mất trên dưới 3 triệu đồng chi phí”, anh Đỗ Văn Hoàng, người quản lý container đang đỗ tại khu vực Lục Lầm nói.
Với lượng container đổ về cửa khẩu ngày càng nhiều, gây ách tắc cục bộ và cần có sự kiểm soát, Móng Cái đã cấp tốc thành lập Tổ điều hành, sắp xếp phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu trong và ngoài cửa khẩu để tránh tình trạng chen lấn xếp lốt.
“Việc thành lập tổ điều hành sắp xếp phương tiện là cấp thiết. Khi tổ này đi vào hoạt động đã đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch trong bố trí và sắp xếp phương tiện vận chuyển, giao nhận hàng hóa xuất khẩu”, vị đại diện Chi cục Hải quan Móng Cái nói.
Tháo gỡ “nút thắt”
Đối với cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, việc ách tắc cục bộ hàng hóa , phương tiện không phải là chuyện mới xảy ra lần đầu. Tại đây, mỗi năm có vài lần xe hàng bị ách tắc. Lần ách tắc năm nay sát Tết, lượng hàng hóa dồn về cuối năm khá lớn và tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nên lượng container mắc kẹt tại đây khá nhiều.
“Nút thắt cơ bản vẫn là từ phía nước bạn. Chúng ta cần xuất hàng nên phải phụ thuộc vào họ. Hiện tại, cửa khẩu vẫn xuất được hàng chứ không phải bị đóng cửa hoàn toàn. Chỉ là số lượng hàng hóa xuất đi không được nhiều như ngày thường. Hơn nữa, ngay cả cửa khẩu ở Lạng Sơn cũng bị tình trạng tương tự nên hàng hóa cuối năm dồn về cửa khẩu là điều không thể tránh khỏi”, đại diện Chi cục Hải quan Móng Cái cho biết.
Chiều 15/12, trao đổi nhanh với phóng viên Tiền Phong về các biện pháp giải quyết tình trạng ách tắc này, ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái khẳng định: Mọi biện pháp đều mang tính thời điểm, sáng nay có thể là thế này nhưng đến chiều sẽ khác và trưa nay lãnh đạo thành phố Móng Cái đã có cuộc hội đàm trực tuyến lãnh đạo thành phố Đông Hưng (Trung Quốc).
Phía thành phố Móng Cái đề nghị phía Đông Hưng phối hợp nâng cao năng lực thông quan, giải phóng hàng cho doanh nghiệp, nhất là với hàng hoa quả, thủy sản cấp đông để giảm thiểu chi phí, thiệt hại cho doanh nghiệp...
Phía Móng Cái cũng đề nghị Đông Hưng rút ngắn thời gian kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh người và phương tiện. Nghiên cứu xem xét thực hiện việc đổi lái xe trung chuyển giữa cầu Bắc Luân II và 2 đầu cầu phao Lối mở Km3+4 Hải Yên (Việt Nam) Cặp chợ biên mậu Đông Hưng (Trung Quốc) theo hướng lái xe không nhập cảnh, vừa rút ngắn thời gian kiểm soát thủ tục, thông quan nhanh chóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, để giảm tải lượng hàng hóa đang bị ùn ứ lãnh đạo thành phố Móng Cái cũng đề nghị phía Đông Hưng khôi phục thông quan tại cửa khẩu Ka Long (Việt Nam) bến biên mậu Đông Hưng (Trung Quốc) và phối hợp thực hiện phòng chống dịch COVID-19 gắn với thông quan hàng hóa.
Tính đến chiều 15/12, tình trạng ùn tắc, lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa còn tồn đọng tại các bãi kiểm hóa của Móng Cái đã được kiểm soát.
Thanh long vẫn "cháy" hàng
Mặc dù lượng xe nông sản bị ách tắc khá lớn ở các cửa khẩu phía Bắc nhưng một số loại trái cây của Việt Nam vẫn giữ được giá bán, thậm chí như thanh long đang có giá bán ở mức cao.
Cụ thể, thanh long loại 1 hiện được các nhà kho thu mua khoảng 32.000 đồng/kg; loại 2 là 27.000 đồng/kg và 22.000 đồng/kg đối với loại 3, loại ‘dạt’ cũng có giá từ 7.000-8.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với nhiều tháng trước. Nguyên nhân, ngoài việc thanh long có thời gian bảo quản được lâu, theo ông Hùng, phía Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ quả này rất lớn.
Ngoài thanh long, giá mít (mít Thái) tại ĐBSCL hiện vẫn duy trì được mức giá tương đương với thời điểm trước khi xảy ra ùn ứ xe ở cửa khẩu. Cụ thể, mít loại 1 có giá 14.000 đồng/kg; loại 2 ở mức 7.000 đồng/kg.
Cảnh Kỳ