3 đột phá không như kỳ vọng
Ông cho rằng chúng ta chưa đạt được mục tiêu, kỳ vọng trong 3 đột phá (về cải cách thể chế, về giáo dục toàn điện và về kết cấu hạ tầng) trong Chiến lược 10 năm của Đại hội XI đề ra, cụ thể thế nào, thưa ông?
Thứ nhất, thể chế làm nhiều, thậm chí chúng ta làm cả Hiến pháp nhưng càng làm luật pháp càng chồng chéo nhau. Ví dụ, một loạt các luật đang chồng chéo nhau như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách, Luật Quy hoạch… khiến các dự án đầu tư bị tắc. Tư duy thể chế kinh tế chúng ta mở rất tốt, nhất là từ khi có Hiến pháp 2013, nhưng triển khai thực hiện lại chồng chéo, xung đột.
PV báo Tiền Phong trò chuyện cùng TS Trần Du Lịch
Thứ hai, về cải cách giáo dục, chúng ta làm nhiều luật, thay đổi chương trình giáo khoa… nhưng chưa phân vai rõ ràng Nhà nước làm gì và xã hội làm gì. Chúng ta thiếu luật pháp về định chế công phi lợi nhuận cho cả giáo dục, y tế, văn hóa xã hội. Vai trò nhà nước và tư nhân trong việc xã hội hóa không rõ, rất méo mó và đặc biệt là đào tạo không theo cung cầu, chất lượng nguồn nhân lực chưa được nâng cao.
Thứ ba, về kết cấu hạ tầng. Phải thừa nhận chúng ta xây dựng hệ thống giao thông, bến cảng, sân bay và hạ tầng đô thị đã làm thay đổi bộ mặt ở một số nơi. Nhưng có hai vấn nạn lớn trong hệ thống giao thông. Một là thất thoát, lãng phí, tiêu cực và chất lượng kém… Hai là, phát triển không đồng bộ và đặc biệt không tuân thủ phí tổn cơ hội. Giao thông thì không rõ triết lý là giao thông công cộng hay giao thông cá nhân.
Trong chiến lược đổi mới, cải cách kinh tế và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh được đề cao. Ông đánh giá thế nào về sự phát triển khu vực kinh tế này?
Kinh tế tư nhân có phát triển nhưng chưa ngang tầm như ta mong muốn. Những doanh nghiệp (DN) đầu đàn để tạo ra sản phẩm, thương hiệu cho người Việt còn ít quá. Nếu so với tiềm năng, khát vọng và năng lực thì khu vực kinh tế tư nhân phát triển vẫn còn chập chờn, thậm chí có người nói nó không chịu lớn. Cho đến nay hơn 700 ngàn doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân chỉ đóng góp khoảng 10% GDP và hơn 30% là khu vực cá thể. Còn khu vực kinh tế tập thể, HTX chúng ta có nỗ lực để phát triển nhưng còn khá chậm. Trong khi đó khu vực đầu tư nước ngoài khá thành công nhưng lại không làm được vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển, nhất là vấn đề công nghệ, công nghiệp hỗ trợ. Chúng ta chậm ban hành các đạo luật về công nghiệp hỗ trợ, về đối tác công-tư.
Theo ông, đâu là những nguyên nhân cơ bản khiến chúng ta không đạt được mục tiêu đề ra?
Tôi cho rằng cái gốc của vấn đề là chúng ta cải cách, đổi mới đi theo kinh tế thị trường nhưng làm thiếu đồng bộ và chậm trong nhiều nhịp. Ví dụ, năm 1991 chúng ta mở cho tư nhân trong nước ở mức độ Nhà nước phải cho mới được làm, tức xin-cho. Đến năm 2000, không xin nhưng phải đăng ký và Nhà nước cho mới được làm, như vậy cũng chẳng khác gì trước. Đến 2015 mới được làm những gì luật không cấm. Nếu ngay từ đầu ta thực hiện sớm cái này thì giờ sẽ khác đi rồi chứ. Như vậy để thay đổi tư duy này phải mất gần 25 năm. Chúng ta chủ trương cải cách DN nhà nước từ năm 1992 nhưng đến nay vẫn còn rất ngổn ngang. Việc sử dụng nguồn lực đất đai không hiệu quả, những chính sách nâng cao năng suất lao động, đổi mới công nghệ, kích thích phát triển DN... còn chậm. Nói tóm lại là có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là tư duy cải cách thể chế để huy động nguồn lực của kinh tế thị trường thì chúng ta làm không hiệu quả.
Gỡ nút thắt
TS Trần Du Lịch
Chưa đạt được những mục tiêu đề ra phải chăng do chúng ta còn mắc bệnh chủ quan duy ý chí, tức là đề ra mục tiêu chỉ dựa trên mong muốn chủ quan chứ không dựa trên điều kiện thực tiễn, khách quan?
Cái duy ý chí là khi chúng ta triển khai những việc cụ thể nhưng không tính đến nguồn lực, nhất là các chương trình quốc gia. Đã có lúc người ta làm 15- 16 chương trình quốc gia chồng chéo với nhau. Hoặc khi ta bàn về chính sách nhưng ta không tính được nguồn lực để thực hiện chính sách đó.
Trong 10 năm tới, chúng ta phát triển nhanh, bền vững thì có phải duy ý chí không? Chúng ta phải nhìn tổng thể từ quan hệ toàn cầu và từ cái bên trong… thấy hoàn toàn có thể làm được chuyện đó nếu chúng ta gỡ tất cả các nút thắt như kể trên. Những nút thắt làm cho nền kinh tế không hấp thụ được vốn tốt thì phải gỡ bỏ nó đi.
Vai trò điều tiết nền kinh tế thị trường của Nhà nước phải được thể hiện thế nào để đem lại hiệu quả cao hơn, thưa ông?
Mô hình kinh tế thị trường có nhiều ưu việt, nhưng nó có 3 cái khuyết tật. Thứ nhất, thị trường là bàn tay vô hình nên luôn luôn xảy ra khủng hoảng thừa hoặc thiếu. Thứ hai, lợi ích của DN và lợi ích quốc gia nhiều khi mâu thuẫn. Vì động cơ lợi nhuận, DN sẵn sàng hi sinh lợi ích chung, chẳng hạn phá hoại môi trường, làm hàng gian hàng giả, gian lận thương mại... Thứ ba, mô hình kinh tế thị trường là làm giàu cho thiểu số, không bao giờ mọi người cùng giàu được.
Muốn giải quyết bài toán đó thì phải có vai trò điều tiết của Nhà nước và Nhà nước sử dụng tất cả các công cụ, chính sách để hạn chế thấp nhất 3 khuyết tật của thị trường.
3 tồn tại và 5 giải pháp Tôi cho rằng tồn tại lớn nhất và đầu tiên là chúng ta xây dựng thể chế kinh tế thị trường nhưng chúng ta quá chậm trong việc phân vai giữa Nhà nước với thị trường; trong khi chúng ta duy trì tư duy của nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy để điều hành thị trường. Điều này làm phát sinh ra nhiều bất ổn khác. Thứ hai, chúng ta cải cách không đồng bộ thành ra không mang lại hiểu quả, thậm chí xung đột. Thứ ba, yếu trong khâu chuyển hóa chủ trương vào thực tiễn. Muốn khắc phục những yếu kém đó, chúng ta phải cải cách đồng bộ 5 vấn đề: Một là, phải thay đổi mạnh mẽ tư duy phân vai giữa Nhà nước và thị trường rõ ràng, không quản lý nhà nước chung chung được. Hai là, phải giải quyết cho được tư duy cơ cấu kinh tế từng tỉnh. Cơ cấu kinh tế theo tỉnh như hiện nay phá vỡ mọi thứ. Ba là, phát huy vai trò của kinh tế nhà nước trong việc khắc phục những khuyết tật của nền kinh tế thị trường. Bốn là, phải cải cách nền hành chính công, chế độ công vụ; xác định công vụ nào của Trung ương, công vụ nào của địa phương để minh bạch và chịu trách nhiệm. Năm là, phải cải cách nền tài chính công, bỏ cơ chế lồng ghép ngân sách Trung ương và địa phương như hiện nay. Nếu thực hiện đồng bộ thì chúng ta mới điều chỉnh pháp luật một cách có hệ thống, giải quyết được các xung đột. Dư địa duy nhất để kinh tế Việt Nam phát triển là cải cách thể chế.