Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo Phát triển ngành hàng không Việt Nam trong giai đoạn mới, trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế thiết bị công nghệ hàng không Việt Nam 2019, tổ chức ngày 26-11 tại TP HCM.
Tính toán từ các chuyên gia cho thấy nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam đến năm 2030 ước khoảng 3 triệu tỉ đồng (chưa tính hạ tầng đường sắt cao tốc, đường thủy, đường sông...). Trong khi đó, nguồn lực cân đối từ ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2020 chỉ khoảng 150.000 tỉ đồng, tương đương 5% nhu cầu.
Ở lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến đến năm 2030, Việt Nam có tới 28 sân bay đưa vào khai thác, trong đó có 15 sân bay quốc nội và 13 sân bay quốc tế. Điều này kỳ vọng thu hút đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng ngành hàng không, nhất là với nhà đầu tư tư nhân. Nhu cầu gọi vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng hàng loạt cảng hàng không là rất lớn như sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng...
Một số mô hình máy bay giới thiệu tại triển lãm
GS-TSKH Đỗ Nguyên Khoát, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, nhận xét việc đẩy mạnh xã hội hóa, tạo nguồn lực để phát triển hạ tầng quốc gia là chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh khu vực tư nhân trong nước đầu tư một dự án rất nhanh còn khu vực nhà nước bị vướng thủ tục rườm rà.
Xã hội hóa hoạt động đầu tư các cảng hàng không là cần thiết nhưng hình thức thế nào vẫn còn nhiều tranh luận. Chẳng hạn, hiện cả nước có 22 sân bay nhưng chỉ sân bay Vân Đồn do nhà đầu tư tư nhân quản lý, còn lại do doanh nghiệp nhà nước khai thác và quản lý. Trong đó, chỉ khoảng 8 cảng hàng không đem lại lợi nhuận lớn, những sân bay khác thu không đủ chi.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) phải lấy nguồn thu từ các cảng có thu nhập cao để hỗ trợ cho các cảng hàng không kém hiệu quả. "Nếu xã hội hóa, nhà đầu tư bên ngoài sẽ tập trung đầu tư vào những sân bay có lợi nhuận cao, ảnh hưởng đến nguồn thu của ACV và việc quản lý, khai thác những sân bay đang thua lỗ. Cần tiếp tục xã hội hóa nhưng theo hình thức khác. Như Chính phủ đang kêu gọi xây dựng sân bay quốc tế Lào Cai. Nếu nhà đầu tư nào quan tâm sẽ được giao làm từ đầu để quản lý sau đó, với những hạng mục sinh lợi và không sinh lợi để bảo đảm hài hòa lợi ích" - GS Khoát nhận xét.
Tại hội thảo, một số chuyên gia cũng cho biết một số hãng hàng không đang đề xuất tham gia quản lý, khai thác các cảng hàng không nhưng Việt Nam hiện chưa có tiền lệ. Ngay cơ chế nhượng quyền khai thác nhằm sử dụng có hiệu quả hơn toàn bộ cơ sở hạ tầng sân bay cũng đặt ra cho nhà nước và ngành hàng không nhiều vấn đề phải giải quyết từ chính sách để vừa bảo đảm phát triển kinh tế vừa bảo đảm an ninh quốc phòng; chính sách kiểm soát, tạo ra cạnh tranh lành mạnh; có cơ chế định giá thương quyền khai thác cảng hàng không...
Nhiều cơ hội đầu tư vào hàng không
Bà Lương Thị Xuân, Giám đốc Công ty GK Wintron (đơn vị tổ chức triển lãm), cho biết Việt Nam được đánh giá là một thị trường kinh doanh hàng không đầy tiềm năng khi các doanh nghiệp có thể đầu tư, xây dựng và khai thác trong những lĩnh vực như cảng hàng không, quản lý bay, dịch vụ hàng không từ chuyển giao công nghệ đến tổ chức sản xuất, gia công chế tạo thiết bị, máy móc hàng không...
Dù vậy, TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, cho rằng đang có nhiều thách thức với ngành hàng không Việt Nam như nền công nghiệp phụ trợ hàng không chỉ mới manh nha, chứ chưa hình thành và phát triển, toàn ngành chưa có một cơ sở dữ liệu (Big data) đầy đủ, thống nhất, đồng bộ và chính xác.