Chiều ngày 24/6/2019, Gỗ Trường Thành (TTF) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019, địa chỉ tại hội trường Sứ Thiên Thanh – công ty của bầu Thắng vừa hoàn tất sáp nhập với TTF.
Phát biểu mở đầu Đại hội, ông Mai Hữu Tín phân trần: "Tôi hiểu có rất nhiều cổ đông không vui với những gì diễn ra hơn 2 năm qua, nhưng tôi vẫn mong rằng sau đại hội khởi đầu năm nay của TTF sẽ thay đổi", vị này khẳng định rất có nhiều niềm tin vào thời gian tới.
Lên kế hoạch hành động cho năm nay, bên cạnh việc cung cấp lắp đặt sản phẩm nội ngoại thất cho các đối tác lớn như Vingroup (VIC), Tân Hoàng Minh, SunGroup… TTF sẽ tìm kiếm các đơn vị mới như BOHO DÉCOR nhằm tạo chuỗi giá trị khép kín từ thiết kế, sản xuất đến thi công.
Song song, TTF sau khi sáp nhập Sứ Thiên Thanh cũng đặt kế hoạch mở rộng thương hiệu này, nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm gỗ kết hợp thiết bị vệ sinh.
Về xuất khẩu, TTF kỳ vọng đẩy mạnh hơn mảng xuất khẩu các sản phẩm gỗ, từ đó tăng doanh thu tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Ý… thông qua các nhà bán lẻ như Ikea, Ashley, At Home, Kosmo…
Mặt khác, TTF cho biết sẽ tiếp tục thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết nhằm bổ sung vốn lưu động cho việc sản xuất chính. Tính đến thời điểm 31/12/2018, TTF có 9 công ty con, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gỗ và trồng rừng, cùng với 3 đơn vị hoạt động trong mảng khác như khu công nghiệp, bao bì và vật liệu xây dựng.
Theo đó, TTF đặt kế hoạch 2019 với doanh thu 1.291,4 tỷ đồng, giá vốn dự kiến tăng mạnh khiến Công ty dự trù lỗ gộp 143,6 tỷ, trừ đi tất cả chi phí TTF dự trù lỗ ròng 588 tỷ đồng.
Theo tính toán của bộ phận tài chính, tổng dự kiến trích lập là 848 tỷ đồng trên BCTC riêng, nếu hợp nhất sau khi cấn trừ các ty con là 638 tỷ, trong đó nợ khó đòi khách hàng là 93 tỷ đồng, trả trước cho người bán khoảng 5 tỷ, các khoản phải thu công ty con là 35 tỷ. Hơn nữa, 2019 dự kiến xử lý tất cả các vấn đề tồn đọng, riêng hàng tồn kho dự trích là 429 tỷ đồng, tài sản cố định đã không sử dụng lâu cũng sẽ thanh lý và trích lập dự phòng ngay trong năm 2019 với khoảng 50 tỷ.
Một số vấn đề khác, như nợ thuế của các công ty con trước đây, TTF dự kiến trích lập tối đa 21 tỷ (thực tế sẽ thực hiện theo tiến độ quy định).
Tổng dự phòng 638 tỷ đồng, đại diện TTF nhấn mạnh, như vậy năm nay cổ đông sẽ thấy một bức tranh lỗ nhưng biết được lỗ ở đâu.
Năm 2019 TTF sẽ xử lý dứt điểm các tồn đọng, từ 2020 sẽ không còn trích lập, con số kinh doanh lúc này thể hiện hoạt động thực sự của TTF. Nếu trừ đi các khoản dự phòng thì năm 2019 sẽ có lãi khoảng 100 tỷ, ông Tín nhấn mạnh chưa bao giờ ông tự tin như năm nay.
Kết thúc năm 2018, TTF ghi nhận doanh thu 1.045 tỷ đồng, giảm so với năm ngoái đồng thời chỉ thực hiện gần 69% kế hoạch. Ban lãnh đạo giải thích do nhu cầu thị trường giảm, Công ty chủ động chia tay với khách hàng không hiệu quả đồng thời dành thời gian xử lý dứt điểm các tồn đọng dẫn đến doanh thu không đạt kỳ vọng.
Hơn nữa, do phải trích lập dự phòng khoản phải thu (phải thu ngắn hạn cuối năm 2018 hơn 786 tỷ đồng, chiếm hơn 28% tổng tài sản) và hàng tồn (gần 557 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng tài sản), kết quả TTF báo lỗ ròng gần 805 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 lên hơn 2.122 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu theo đó chỉ còn chưa đến 20 tỷ đồng.
Với tình trạng trên, TTF đã đi đến quyết định phát hành hơn 95,6 triệu cổ phiếu hoán đổi với Sứ Thiên Thanh, tỷ lệ hoán đổi 8,21:1. Sau phát hành, TTF tăng vốn lên 3.146 tỷ đồng, mục đích nhằm thoát nguy cơ lỗ lũy kế vượt cả vốn điều lệ.