Trì trệ dự án lớn quá lâu
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án trọng điểm được khởi công từ ngày 19/7/2014 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 31.320 tỉ đồng. Trong đó, gồm vốn vay ADB là 636 triệu USD. Dự án có tổng chiều dài 57,1km đi qua tỉnh Long An, TP.HCM và Đồng Nai với 4 làn xe lưu thông với vận tốc 120km/h và 2 làn dừng khẩn cấp. Dự kiến cao tốc sẽ hoàn thành năm 2018. Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Khi đi vào sử dụng, cao tốc này sẽ giúp liên kết, kết nối giao thông liên vùng miền Tây và Đông Nam bộ, giúp việc đi lại thuận lợi hơn. Điểm đầu cao tốc sẽ giao với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM, Long An, Tiền Giang), điểm giữa giao với đường vành đai 3, điểm cuối giai đoạn 1 giao với quốc lộ 51 và điểm cuối giai đoạn 2 giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Dự án chưa được hoàn thành do thiếu vốn
Mặc dù dự kiến sẽ đưa vào sử dụng cách đây khoảng 2 năm; nhưng đến nay, dự án mới chỉ đạt tiến độ khoảng 75% vì gặp nhiều vướng mắc về vốn, mặt bằng,…
Theo ghi nhận của phóng viên, dự án này là mong ước của nhiều người dân miền Tây và cả Đông Nam bộ, vì sẽ rút ngắn thời gian lưu thông, tạo liên kết vùng mạnh mẽ. Mặc dù được mong ngóng như vậy, nhưng dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện đang bị đình trệ thi công do thiếu vốn, do khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Trước thực tế này, nhằm giải quyết tình trạng đình trệ thi công của dự án, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ để xin tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho dự án. Trong văn bản nêu rõ xin được tháo gỡ bằng 8 phương án đó là xin áp dụng hình thức đầu tư BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao) các dự án do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC làm chủ đầu tư.
Kế đó là rà soát điều chỉnh thiết kế các hạng mục đầu tư dự án còn tồn tại về kỹ thuật. Đồng thời xin giải ngân và gia hạn các hiệp định vốn vay ADB, xin bố trí vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước đối với các dự án do VEC làm chủ đầu tư, hoặc cho VEC sử dụng nguồn thu phí hoặc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các hạng mục sử dụng vốn đối ứng của ngân sách nhà nước.
Ngoài ra cũng xin tạm dừng thi công dự án trong khi chờ được cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển vốn vay lại thành vốn ngân sách nhà nước cấp phát. Đề nghị UBND TP.HCM và Đồng Nai cần khẩn trương tập trung bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Và xin huy động vốn đầu tư dự án, điều chỉnh dự án để đảm bảo đúng qui định của pháp luật.
Song song đó VEC cũng đã có báo cáo gửi Chính phủ để báo cáo về khó khăn của VEC liên quan đến nguồn vốn. Việc này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân, phát sinh nhiều khiếu kiện từ các nhà thầu thực hiện dự án. Về nguyên nhân thiếu vốn, theo VEC, do đơn vị này chưa hoàn thành tái cơ cấu tài chính, nguồn vốn đầu tư 5 dự án.
Vì vậy, nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội đã quyết nghị “Chính phủ chưa phân bố nguồn vốn nước ngoài cho VEC” và tại nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 15/7/2019 của Chính phủ cũng quyết nghị “chưa giao kế hoạch vốn nước ngoài cho các dự án VEC làm chủ đầu tư”.
Trước thực tế trên VEC vừa nợ các nhà thầu thi công xây lắp công trình và không có tiền chi trả công tác giải phóng mặt bằng cho 57 hộ dân tại TP.HCM, Đồng Nai. Từ đó làm phát sinh nhiều khiếu kiện từ các hộ dân và một phần dự án chậm nữa do phải xử lý nền đất yếu làm cao tốc.
Ngoài ra hiện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã chấm dứt khoản vay 170 triệu USD vì thời gian kết thúc hiệp định vay vào ngày 30/10/2019. Mặt khác, do không được bố trí vốn cho các gói thầu của dự án (vốn đối ứng và các gói thầu JICA từ tháng 1/2019, các gói ADB từ tháng 7/2019), tiến độ chung toàn dự án dự kiến sẽ vượt sang tận tháng 2/2023, thay vì mốc tháng 6/2021 như báo cáo trước đây.
Và cũng theo VEC thì nguy cơ dự kiến mốc 2023 cũng sẽ tiếp tục có nguy cơ đổ bể, nếu Hiệp định vay 3391-VIE không kịp gia hạn. Và thiếu hụt khoảng 100 triệu USD từ 2 hiệp định vay này rất khó tìm nguồn bù đắp khác.
Sau những khó khăn đó thì VEC cũng đã kiến nghị lên Chính phủ xin tạm dừng thi công tất cả các gói thầu tại dự án do JICA tài trợ và các gói thầu do ADB tài trợ (trong trường hợp các thủ tục pháp lý chưa được tháo gỡ), để giảm tối đa các rủi ro về pháp lý và thiệt hại kinh tế nhà nước do nguy cơ bị các nhà thầu kiện vì chậm thanh toán.
Chính Phủ đưa ra giải pháp tháo gỡ
Trước những khó khăn xảy ra tại dự án trên thì Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo về việc thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án nêu trên.
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng với các Bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao và các cơ quan có liên quan đã tích cực nghiên cứu các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án này.
Cố gắng tháo gỡ vướng mắc để dự án sớm tiếp tục được thực hiện để sớm đưa vào sử dụng
Để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với Dự án, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ như Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thành thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp. Xác định rõ cơ quan chủ quản và cấp quyết định đầu tư dự án do VEC làm chủ đầu tư.
Các Bộ, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với nhau để nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về sử dụng ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA do VEC làm chủ đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 696/VPCP-KTTH ngày 18/3/2020 của Văn phòng Chính phủ về xử lý vướng mắc liên quan đến bố trí vốn nước ngoài đối với các dự án do VEC làm chủ đầu tư.
Bộ Tài chính có văn bản thông báo cho Ngân hàng Phát triển châu Á biết phía Việt Nam đang tiến hành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn Hiệp định vay đối với Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến ngày 1/6/2021. Và yêu cầu TP.HCM, Đồng Nai khẩn trương giải quyết các tồn tại, vướng mắc, hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công theo đúng yêu cầu về tiến độ dự án.