Sáng 17-5, Ban Pháp chế HĐND TP HCM đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM (Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP) về hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.
Đất "vàng" cho thuê giá bèo
Trước tình trạng nhiều khu đất "vàng" ở trung tâm TP được cho thuê với giá thấp, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Cao Thanh Bình chất vấn: Cao ốc số 8 Nguyễn Huệ (quận 1) được công ty ký hợp đồng với Công ty Vạn Thịnh Phát thời hạn 20 năm đến năm 2027 với giá chỉ hơn 13,5 USD/m²/tháng. Trong khi đó, Vạn Thịnh Phát cho thuê lại với giá hơn 28 USD/m²/tháng. Như vậy, có phải với hơn 9.000 m² diện tích sử dụng thì số tiền chênh lệch rất lớn?
Trả lời, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP, phân trần: "Về nguồn gốc, tòa nhà này trước đây bị sự cố hỏa hoạn sau đó TP hợp tác với nước ngoài cải tạo để cho thuê. Đến năm 2004, hết thời hạn liên doanh và năm 2007, Vạn Thịnh Phát thuê để cho thuê văn phòng". Đối với cho thuê văn phòng, sản xuất - kinh doanh, công ty tính theo giá quy định của nhà nước.
Riêng trường hợp số 8 Nguyễn Huệ thì thừa nhận đây là vị trí thuận lợi và nếu tính theo giá quy định của nhà nước thì rất thấp (hơn 800 triệu đồng/tháng) nhưng tính theo giá cho thuê hiện tại thì hơn 3 tỉ đồng/tháng và được điều chỉnh 5 năm/lần. Khi cho thuê với giá 13,5 USD/m²/tháng, họ còn phải có thời gian đầu tư nội thất, khấu hao tài sản… Giá cho thuê là cho thuê sỉ, giá cho thuê chưa tính giá trị của nhà đầu tư bỏ ra để trang trí, sửa chữa. Dù Vạn Thịnh Phát có cho thuê 100% diện tích hay không thì mỗi tháng họ vẫn thanh toán đủ cho công ty.
Không đồng tình, ông Bình nói: "Mốc thời gian cho thuê 20 năm như thế thì rất dài và giá cho thuê công ty tự quyết định, không thông qua UBND TP để thẩm định, phê duyệt thì công ty cần phải báo cáo chi tiết, cụ thể. Chúng tôi cần phải đi thực tế một số địa điểm vì còn nhiều địa điểm cần quan tâm đặc biệt".
Tự phá vỡ hợp đồng
Theo báo cáo, tính đến năm 2017, Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP quản lý 1.906 căn hộ với diện tích 124.369 m² và 368 nhà kinh doanh với diện tích 276.081 m². Lãnh đạo Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP cho biết một trong những khó khăn là nhiều đơn vị thuê nhà nhưng không thanh toán tiền đúng theo hợp đồng nên công ty phải khởi kiện ra tòa. Quá trình khởi kiện thu hồi nợ cũng gặp nhiều nhiêu khê, như đơn vị nợ cố tình không đến tòa, không hợp tác khiến quá trình tố tụng kéo dài, thi hành án dân sự còn chậm trễ.
Đáng chú ý, trong quá trình khởi kiện đòi nợ, đơn vị vẫn tiếp tục sử dụng nhà nhưng không ký tiếp hợp đồng thuê nhà, phát sinh nợ kéo dài. Đối với các trường hợp thu hồi nhà, đất mặc dù có chỉ đạo của UBND TP nhưng gặp nhiều khó khăn do đơn vị thuê nhà không hợp tác, hầu hết phải khởi kiện đòi nhà. Song sau đó việc thi hành quyết định của tòa cũng trần ai vì việc cưỡng chế, thu hồi nhà trên thực tế rất phức tạp.
Về việc này, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Trương Lâm Danh nêu quan điểm: "Công ty tự động cho các đơn vị nợ là tự phá vỡ hợp đồng, khi làm hợp đồng thuê thì phải có dự trù chứ hợp đồng không có nhưng tự động mở ra những điều khoản là không được. Ví như đơn vị nào nợ thì cần thu hồi nhà chứ đã nợ mà còn khởi kiện dân sự đòi nợ thì làm sao được. Một vụ kiện mức độ thường thường thì 4 tháng, phức tạp thì 6 tháng sau đó kháng cáo… kéo dài tới 3 năm. Tới khi có thi hành án đòi được nợ hay không thì chưa biết".
Bên cạnh đó, nhiều góc khuất trong việc quản lý, cho thuê nhà được Ban Pháp chế quan tâm và yêu cầu công ty phải giải trình cụ thể. Đặc biệt, Ban Pháp chế cho rằng khi cho thuê công ty chỉ kiểm tra trên hợp đồng nhưng chưa đi kiểm tra thực tế nên Ban Pháp chế chưa yên tâm lắm. Ví dụ như một căn nhà trên đường Thái Văn Lung (quận 1) thuê làm kho chứa vật liệu xây dựng nhưng thực tế rất nhiều quán nhậu đồ sộ ở đó.
Cao ốc số 8 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM được Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP cho Công ty Vạn Thịnh Phát thuê với giá hơn 13,5 USD/m²/tháng, trong khi công ty này cho thuê lại hơn 28 USD/m²/tháng. Ảnh: TẤN THẠNH
Tái thanh tra nhà, đất công ở quận 1
Liên quan đến nhà, đất công, đoàn giám sát của HĐND TP cũng có buổi làm việc với UBND quận 1 vào chiều cùng ngày. Theo báo cáo của quận 1, tổng số nhà, đất theo phương án xử lý, sắp xếp tổng thể của quận là 309 địa chỉ. UBND quận 1 cho biết tình hình sử dụng nhà, đất công sai mục đích trên địa bàn được hạn chế. Tuy nhiên, quận 1 cũng thừa nhận một số mặt bằng nhà, đất của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích do bố trí sai công năng từ trước, sử dụng sai mục đích.
Trước báo cáo của quận 1, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Phạm Hiếu Nghĩa chỉ ra 3 mặt bằng ở quận 1 bỏ trống, có mặt bằng lên tới 1.078 m2. "Quận đã dự kiến phương án là bán đấu giá. Vậy chủ trương bán đấu giá từ năm nào, tại sao không thực hiện mà để trống đến nay?" - ông Nghĩa đặt vấn đề.
Trong khi đó, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Nguyễn Văn Dũng hỏi: "Quận 1 có thống kê được số lượng địa chỉ nhà, đất thuộc trung ương và TP quản lý mà nằm trên địa bàn quận 1 không? Có địa chỉ nào sử dụng sai công năng, mục đích không?". Đại diện UBND quận 1 cho biết cái này không thuộc thẩm quyền quản lý nên không thống kê.
Không hài lòng, ông Dũng đề nghị sau buổi làm việc này có báo cáo đầy đủ về vấn đề này cũng như hiện tượng liên doanh, liên kết, cho thuê lại với đoàn giám sát. Còn đối với những mặt bằng trống, ông Dũng yêu cầu quận phải có phương án đề xuất để có giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả chứ như thế rất lãng phí. Ngoài ra, ông Dũng cho rằng quận 1 nên tái thanh tra việc thực hiện các kết luận thanh tra về nhà, đất công trước đây trên địa bàn quận.
Tiếp thu ý kiến đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải hứa: "Trong 1 tuần sẽ hoàn thiện báo cáo gửi đoàn; đồng thời quận sẽ tiến hành tái thanh tra việc thực hiện các kết luận thanh tra liên quan đến nhà, đất công".
Đối với nhà, đất số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) có diện tích 4.888 m², Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM cho biết công ty có tỉ lệ góp vốn 20%. Dự án tạm ngưng các thủ tục từ năm 2013 do đang bị thanh tra.