Đây là một hiện tượng xảy ra trong suốt quá trình con người hình thành và phát triển cho đến ngày nay. Trên thực tế, gần như tất cả các ngành công nghiệp lớn như khai thác rừng, dầu mỏ, hải sản,… đều đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên do khai thác quá đà.
Khái niệm về bi kịch của tài nguyên chung
Theo Investopedia, bi kịch của tài nguyên chung là một thuyết kinh tế. Cụ thể, mỗi cá nhân đều có thể sử dụng tài nguyên chung mặc dù việc sử dụng có thể gây tổn thất đến những người khác.
Trên thực tế, không có cách nào để loại trừ bất kì ai khỏi hoạt động tiêu thụ, sử dụng các tài nguyên chung này. Do đó, việc này dẫn đến tiêu thụ quá mức, đầu tư thiếu hụt và cuối cùng là cạn kiệt.
Khi nguồn cầu về tài nguyên chung áp đảo nguồn cung, mỗi cá nhân tiêu thụ thêm một phần tài nguyên chung và đồng thời khiến người khác không còn có thể sử dụng được nữa. Các tài nguyên chung rơi vào hiện tượng này thường có đặc điểm là mọi người có thể dễ dàng tiếp cận.
Thông thường, bi kịch của tài nguyên chung xảy ra khi các cá nhân theo đuổi lợi ích cá nhân mà không quan tâm đến lợi ích chung của xã hội. Điều này dẫn đến hiện tượng các tài nguyên chung càng dễ dàng tiếp cận, dễ dàng sử dụng, miễn phí thì càng bị tiêu thụ quá mức, lãng phí.
Bản chất bi kịch của tài nguyên chung trong nền kinh tế
Về mặt kinh tế, bi kịch của tài nguyên chung xảy ra khi một hàng hóa kinh tế vừa có tính cạnh tranh trong tiêu dùng và vừa có tính chất không thể loại trừ. Ngoài ra, để bi kịch của tài nguyên chung xảy ra thì hàng hóa đó cần có sự khan hiếm. Nếu hàng hóa đó có nhiều sẽ khó có tính cạnh tranh trong tiêu dùng.
Trên thực tế, mỗi người tiêu dùng đều cố gắng tiêu thụ càng nhiều càng tốt tài nguyên chung trước khi những người khác sử dụng hết. Hơn nữa, thuyết kinh tế này chỉ ra rằng, ít người có động lực tái đầu tư vào việc duy trì hoặc tái tạo vì khó có thể ngăn chặn người khác chiếm đoạt giá trị của các tài nguyên chung này.
Do đó, con người thường có xu hướng tiếp tục tiêu thụ nguồn tài nguyên chung mà không đóng góp gì để cải thiện hay duy trì. Theo đó, tài nguyên chung ngày càng trở nên khan hiếm và cuối cùng có thể bị cạn kiệt.
Trường hợp điển hình về bi kịch của tài nguyên chung
Ngư trường Grand Banks ngoài khơi Newfoundland là một ví dụ điển hình cho bị kịch của tài nguyên chung. Trong hàng trăm năm, ngư dân trong vùng tin rằng ngư trường rất phong phú với cá tuyết. Công nghệ đánh bắt cá thời đó giúp ngư dân có thể câu bao nhiêu cá tùy thích do số lượng cá bị đánh bắt được bù đắp bởi chu kì sinh sản tự nhiên.
Tuy nhiên, vào những năm 1960, nhiều tiến bộ trong công nghệ đánh bắt đã giúp cho ngư dân có thể đánh bắt được một lượng cá tuyết tương đối lớn. Do đó, hoạt động đánh bắt cá tuyết trở nên có tính cạnh tranh cao. Sau mỗi lần đánh bắt thì lượng cá tuyết còn lại càng ít, đến mức bắt đầu làm cạn kiệt nguồn giống và giảm số lượng cá có thể đánh bắt trong mùa tiếp theo.
Vào thời điểm đó, không có quy định nào về quyền sở hữu cũng như không có bất kỳ quy tắc chung về đánh bắt cá được đưa ra. Chính vì vậy, ngư dân bắt đầu cạnh tranh với nhau để đánh bắt số lượng cá tuyết ngày càng lớn. Đến năm 1990, lượng cá tuyết trong khu vực rất thấp dẫn đến việc toàn bộ ngành đánh bắt cá tại đây sụp đổ.
Trong một trường hợp khác, bị kịch về tài nguyên chung còn có thể dẫn đến việc xóa bỏ hoàn toàn nguồn cung cấp. Sự tuyệt chủng loài chim Dodo là một ví dụ cho trường hợp này. Đây là loài chim dễ săn, không biết bay, có nguồn gốc ở một số hòn đảo nhỏ ở Mauritius phía đông Madagascar, Ấn Độ Dương.
Dodo trở thành nguồn thức ăn cho các thủy thủ khi đi biển. Do bị săn bắt là thức ăn quá mức, Dodo đã bị tuyệt chủng khi chưa đầy một thế kỷ sau khi được các thủy thủ Hà Lan phát hiện ra vào năm 1598.
Giải pháp cho bi kịch của tài nguyên chung
Theo nhà kinh tế học người Mỹ, ông Garrett Hardin, giải pháp của ông đối với bi kịch của tài nguyên chung là để các chính phủ đưa ra các quy tắc và quy định nghiêm ngặt về lượng tài nguyên mà mọi người có thể sử dụng. Việc này được thực hiện nhằm ngăn chặn việc lạm dụng, tiêu thụ quá mức.
Theo Investopedia