Liệu những tác động làm suy yếu kinh tế thế giới và gián đoạn của chuỗi cung ứng của COVID-19 có thể đánh sập niềm tin của những người theo chủ nghĩa toàn cầu?
Những người theo chủ nghĩa toàn cầu - họ là ai?
Họ là những người tin vào lý thuyết lợi thế so sánh của nhà kinh tế học người Anh David Ricardo (1773-1823). Lý thuyết này cho rằng thương mại tự do giữa các quốc gia mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Ông lập luận cho lợi thế so sánh của thương mại tự do và chuyên môn hóa công nghiệp. Ngay cả khi một quốc gia có lợi thế hơn trong mọi lĩnh vực so với các đối tác thương mại, quốc gia đó vẫn chỉ nên tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh lớn nhất.
David Ricardo (1773-1823)
Nhưng mô hình thương mại đơn giản của Ricardo đòi hỏi quá nhiều giả định: Không có chi phí vận chuyển hàng hoá. Chi phí sản xuất cố định không thay đổi theo quy mô. Chỉ có hai nước sản xuất hai loại sản phẩm. Những hàng hoá trao đổi giống hệt nhau. Các nhân tố sản xuất chuyển dịch một cách hoàn hảo. Không có thuế quan và rào cản thương mại. Thông tin hoàn hảo.
Những điều này không đúng trong thế giới thực. Ngoài ra, Ricardo cũng không xem xét đến việc các quốc gia ở các giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau và mức độ tự do kinh tế và chính trị khác nhau, hoặc thao túng tỷ giá và phá giá cạnh tranh.
Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ở Anh
Nếu các đối tác thương mại có chênh lệch tiền lương lớn như Mỹ và Trung Quốc, trên thực tế, Trung Quốc có thể sản xuất hầu hết (tất nhiên chỉ là hầu hết) sản phẩm tốt hơn so với Mỹ. Kết quả là có sự thâm hụt thương mại khổng lồ, và "mãn tính", của Mỹ với Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại là bình thường, khi nhu cầu đối với hàng nội địa không đủ lớn để tạo ra đủ việc làm phân phối cho tất cả mọi người, dẫn đến thất nghiệp. Các quốc gia phải bảo vệ hàng nội địa và các công ty quê nhà bằng cách đánh thuế nhập khẩu. Đôi khi các quốc gia sử dụng chiến lược phá giá tiền tệ, làm hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn đối với người dân nhằm khuyến khích sản xuất trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.
Đó là lý do mà thương mại tự do hiếm khi xảy ra. Nhưng nó đã từng xuất hiện, thậm chí là kéo khá dài trong lịch sử.
Những thước phim lịch sử tự do hóa thương mại
Thương mại tự do từng xuất hiện với Anh - vào thế kỷ 19 - sau khi dẫn đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp, muốn bảo đảm dòng nguyên liệu thô dễ dàng đến với các nhà máy của họ và sản phẩm của họ dễ bán ra thị trường nước ngoài.
Sau Thế chiến II, người Mỹ đã sử dụng chiến lược toàn cầu hóa để xây dựng lại Tây Âu và Nhật Bản - nhằm mục tiêu chống lại Liên Xô. Trong thời điểm này, họ chấp nhận thâm hụt thương mại (một cách đi có đi có) với các quốc gia này, đặc biệt là Nhật Bản.
Với chiến lược đó, có tới 8 vòng cắt giảm thuế toàn cầu trong thời kỳ hậu Thế chiến II, từ Vòng Geneva 1947 đến Vòng đàm phán Uruguay năm 1986-1994. Nhưng chiến lược này không kéo dài mãi mãi, vòng đàm phán Doha năm 2001 đã chẳng đi đến đâu, vì lúc đó, chính quyền Washington không còn cần thương mại tự do nữa.
Thâm hụt thương mại của Mỹ là "kinh niên" và đang gia tăng, đặc biệt là khi toàn cầu hóa chuyển các chuỗi sản xuất sang Trung Quốc và các nước châu Á có chi phí thấp khác. Số lượng nhà máy ở Mỹ đã giảm từ 21,7 triệu vào năm 1979 xuống còn 11,5 triệu vào năm 2010. Kể từ Đại suy thoái đến nay, sự phục vẫn rất khiêm tốn. Hoa Kỳ cũng chỉ có 12,9 triệu nhà máy tính đến tháng 2 năm nay.
Với những lý do kể trên, tiền lương thực tế cho hầu hết người Mỹ đã không thay đổi trong nhiều thập kỷ, tất nhiên là các cử tri không hài lòng. Tổng thống Donald Trump đã thành công trong việc dành nhưng lá phiếu quý giá - bằng cách đổ lỗi cho hàng nhập khẩu và người nhập cư.
Toàn cầu hóa không chỉ khiến Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc trong việc hàng hóa sản xuất, mà còn sản sinh ra một chuỗi cung ứng rất hiệu quả, nhưng lại dễ bị tổn thương khi các mắt xích bị tấn công.
Theo OECD, hàng dệt may được sản xuất tại các nhà máy thâm dụng vốn của Trung Quốc, sẽ được dùng để sản xuất thành hàng may mặc tại Việt Nam, nơi thu nhập chỉ cao bằng 28% thu nhập Trung Quốc. Chất bán dẫn từ Hàn Quốc sẽ trở thành một phần của các linh kiện ở Đài Loan và được lắp ráp thành điện thoại thông minh ở Trung Quốc đại lục, hoặc cũng có thể là Việt Nam, để xuất khẩu sang Mỹ và các quốc gia khác.
Sự xuất hiện của COVID-19 có thay đổi hoàn toàn tự do thương mại?
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng của COVID-19, không chỉ nhấn mạnh nỗi lo toàn cầu vào việc phụ thuộc sản xuất Trung Quốc, mà còn gióng lên hồi chuông về vấn đề an toàn sức khỏe.
Trung Quốc là nhà cung cấp các thành phần dược phẩm lớn nhất thế giới và cho ngành công nghiệp dược phẩm chung của Ấn Độ. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cho biết, Ấn Độ cung cấp 40% thuốc generic của Mỹ, và họ phụ thuộc vào Trung Quốc cho hầu hết các hoạt chất.
Ngay cả sau khi nỗi sợ COVID-19 hãi giảm bớt, Washington cũng sẽ chịu rất nhiều áp lực để có nguồn cung an toàn và ổn định hơn. Để tránh việc bị phụ thuộc vào các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, các quốc gia như Hoa Kỳ sẽ càng đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc và xu hướng nội địa hóa. Kết quả là kinh tế toàn cầu đi chậm lại.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu đã vững vàng hơn rất nhiều sau những lần bị ảnh hưởng bởi thương chiến, suy thoái, thậm chí là cả thiên tai, thảm họa. Để minh chứng, từ thảm họa Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản, nhiều công ty đa quốc gia đã học được cách đối phó tốt hơn khi gặp phải các mối đe dọa khác đối với sản xuất - bằng cách đa dạng hóa các địa điểm sản xuất. Nhiều lập luận cho rằng, coronavirus thậm chí còn đẩy mạnh toàn cầu hóa.
Thật vậy, sau thảm họa ở Nhật Bản, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và các công ty khá đã chuyển một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài, coi đó như một hàng rào chống lại các thảm họa trong tương lai. Những người ủng hộ ý kiến này cho rằng, thương chiến và coronavirus đã tạo ra một động lực để mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu đến nhiều quốc gia hơn. Chủ nghĩa toàn cầu, bất chấp COVID-19, hoàn toàn có khả năng tiếp tục và phát triển mạnh hơn nữa.