Adam Smith đã đưa ra một quan sát nổi tiếng nhất trong kinh tế học: các hộ gia đình và các hãng sản xuất kinh doanh tương tác với nhau trên thị trường được dẫn dắt bởi một "bàn tay vô hình" để đưa họ đến những kết quả thị trường mong muốn. Tuy nhiên, kinh tế học cũng chỉ ra rằng, mặc dù thị trường làm nhiều việc tốt, nhưng thị trường không phải lúc nào cũng làm được tất cả mọi việc hiệu quả.
Biến đổi khí hậu và thất bại thị trường
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là ví dụ điển hình về một dạng thất bại thị trường liên quan đến ngoại ứng, đồng thời các hoạt động giảm nhẹ BĐKH và thích ứng với BĐKH có đặc điểm của hàng hóa công cộng. Lý thuyết về ngoại ứng và hàng hóa công cộng chính là điểm khởi đầu cho các phân tích kinh tế về BĐKH. Tuy nhiên, BĐKH có một số điểm khác biệt so với các dạng thất bại thị trường khác, đòi hỏi các phân tích kinh tế đối với BĐKH phải xem xét các yếu tố này.
Biến đổi khí hậu là một ngoại ứng
BĐKH nảy sinh từ phát thải các khí nhà kính do các hoạt động kinh tế của con người, như sử dụng năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, sử dụng đất và giao thông vận tải. Lượng khí nhà kính làm cho bầu khí quyển ấm dần lên và khí hậu bị biến đổi. BĐKH gây thiệt hại cho nhiều đối tượng trong xã hội, ví dụ như gia tăng bệnh tật và tử vong, mất việc làm và giảm thu nhập từ nông nghiệp và thủy sản, mất mát và hư hỏng tài sản,… do nhiệt độ tăng, nước biển dâng hoặc các hiện tượng khí hậu cực đoan (bão, lũ lụt,..).
Tuy nhiên, người sản xuất phát thải các khí nhà kính không chịu trách nhiệm bồi thường cho những người bị thiệt hại. Theo nghĩa này, kinh tế học coi BĐKH do con người gây ra là một ví dụ điển hình về ngoại ứng tiêu cực (mặc dù trong một số trường hợp, BĐKH có thể mang lại một số tác động tích cực cho một vài quốc gia nằm ở các vùng vĩ độ cao thông qua gia tăng năng suất nông nghiệp, giảm tỷ lệ tử vong và nhu cầu về sưởi vào mùa đông và tạo ra sự bùng nổ về du lịch nhờ nhiệt độ ấm hơn).
BĐKH là một ngoại ứng tiêu cực có tính toàn cầu. Các quốc gia phát thải khí nhà kính với khối lượng khác nhau, nhưng tác động của sự gia tăng thêm một đơn vị khí nhà kính lên tình trạng BĐKH không phụ thuộc vào nơi nó được thải ra. Bởi bất kể các khí nhà kính được phát thải từ đâu, chúng đều bị hấp thụ vào bầu khí quyển và lan ra khắp toàn cầu và những thay đổi của hệ thống khí hậu địa phương lại phụ thuộc vào hệ thống khí hậu toàn cầu. Do đó, BĐKH ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia và mọi đối tượng trên toàn cầu; nhưng những người gây thiệt hại không chịu trách nhiệm bồi thường cho những người bị thiệt hại.
Như vậy, BĐKH do con người gây ra từ việc phát thải khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất đã làm cho thị trường không thể phân bổ nguồn lực hiệu quả theo quan điểm xã hội. Điều này không thể được khắc phục nếu không có các chính sách của chính phủ.
Giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH là hàng hóa công cộng
Giảm nhẹ BĐKH cần được thực hiện nhằm hạn chế độ lớn, tốc độ gia tăng và những tác động tồi tệ nhất của BĐKH trong dài hạn và nếu không được thực hiện thì BĐKH sẽ ở mức vượt quá khả năng thích ứng của các hệ thống tự nhiên và hệ thống kinh tế-xã hội trong dài hạn. Thích ứng với BĐKH là rất cần thiết trong cả ngắn hạn và dài hạn để làm giảm các thiệt hại, đồng thời tận dụng các cơ hội có lợi từ BĐKH.
Giảm nhẹ BĐKH là một ví dụ về hàng hóa công cộng, bởi vì tất cả các hoạt động giảm nhẹ BĐKH đều mang đặc tính của hàng hóa công cộng là không có tính loại trừ và không có tính cạnh tranh. Không thể ngăn chặn bất kỳ cá nhân nào khỏi việc hưởng lợi ích từ giảm nhẹ BĐKH để có một khí hậu ổn định và việc hưởng thụ khí hậu ổn định của một cá nhân nào đó không làm giảm khả năng thụ thưởng của các cá nhân khác.
Thích ứng với BĐKH, khi được thực hiện bởi khu vực công, cũng có đặc điểm của hàng hóa công cộng là không có tính loại trừ và không có tính cạnh tranh. Ví dụ, khi chính phủ xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với BĐKH (ví dụ như nâng cấp hệ thống đường giao thông để thích ứng với ngập lụt hoặc xây dựng hệ thống đê biển để thích ứng với nước biển dâng), không thể ngăn chặn bất kỳ cá nhân nào khỏi việc hưởng lợi ích từ cơ sở hạ tầng thích ứng với BĐKH và sự hưởng thụ của một cá nhân nào đó không làm giảm khả năng thụ thưởng của các cá nhân khác.
Kinh tế học giải thích lý do tại sao thị trường không thể cung cấp các hàng hóa như giảm nhẹ BĐKH và thích ứng với BĐKH ở mức xã hội mong muốn. Tính không loại trừ và không cạnh tranh trong tiêu dùng của một hàng hóa công cộng là "giảm phát thải khí nhà kính" đã làm cho những người sản xuất nhận thấy rằng nếu họ cung ứng thì không thể thu được đầy đủ chi phí của việc cung ứng nên họ sẽ không cung ứng hoặc cung ứng ở mức nhỏ hơn mức xã hội mong muốn. Vấn đề "người ăn theo" trong trường hợp này đã không khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào các hoạt động ứng phó với BĐKH.
Vậy thì câu hỏi tiếp theo là khi thị trường thất bại, chính phủ có thể cung ứng hàng hóa công cộng, sau đó buộc các cá nhân trả tiền thông qua các khoản đóng góp bằng thuế hoặc phí. Rõ ràng, đối với giảm phát thải khí nhà kính, chính phủ có thể can thiệp được thông qua các chính sách công. Tuy nhiên, giảm nhẹ BĐKH và thích ứng với BĐKH lại là hàng hóa công cộng có tính toàn cầu.
Đối với giảm nhẹ BĐKH, ngay cả các quốc gia có cùng mối quan tâm về BĐKH và các quốc gia có lợi ích chung trong việc giảm nhẹ BĐKH nhưng nhiều nước vẫn không sẵn lòng giảm phát thải khí nhà kính một cách tự nguyện, bởi vì không một quốc gia nào có thể bị loại trừ khỏi việc hưởng thụ các lợi ích từ bảo vệ khí hậu thông qua các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, bất kể họ có đóng góp hay không; và việc hưởng thụ lợi ích của quốc gia này không ảnh hưởng đến việc hưởng thụ lợi ích của quốc gia khác.
Đối với thích ứng với BĐKH, một số hoạt động thích ứng mang tính chất của hàng hóa công cộng toàn cầu. Ví dụ, cải thiện hệ thống thông tin về BĐKH, nghiên cứu và phát triển những cây trồng và vật nuôi có khả năng thích ứng với các điều kiện khí hậu khác nhau và chia sẻ các kinh nghiệm tốt nhất về thích ứng với BĐKH ở cấp toàn cầu sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người ở các quốc gia, bất kể họ có đóng góp chi phí hay không và việc thụ hưởng lợi ích của người này không ảnh hưởng đến lợi ích của người khác.
Biến đổi khí hậu là một thất bại thị trường lớn nhất
BĐKH có một số điểm khác biệt so với các dạng thất bại thị trường khác, cụ thể là:
Thứ nhất, BĐKH là một thất bại thị trường có tính toàn cầu xét cả về nguyên nhân, hậu quả và cách thức ứng phó (giảm nhẹ và thích ứng). Điều này đòi hỏi các phân tích kinh tế đối với BĐKH phải xem xét trên quan điểm toàn cầu.
Thứ hai, độ rộng, độ lớn và bản chất phức tạp của các tác động của BĐKH cũng như chi phí và lợi ích của việc ứng phó với BĐKH hàm ý rằng một số quan điểm về đạo đức, như phúc lợi, bình đẳng và nhân quyền cần được xem xét trong các phân tích kinh tế về BĐKH.
Thứ ba, độ rộng, độ lớn, loại hình, thời gian của các tác động của BĐKH và chi phí và lợi ích của việc ứng phó với BĐKH là không chắc chắn, do vậy phân tích kinh tế đối với BĐKH cần xem xét đến yếu tố rủi ro và không chắc chắn với cách tiếp cận thận trọng.
Thứ tư, các tác động của BĐKH là dài hạn và gia tăng theo thời gian. Khung phân tích kinh tế đối với BĐKH cần đánh giá các lợi ích và chi phí của các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng theo thời gian sử dụng tỷ lệ chiết khấu hợp lý.
Thứ năm, BĐKH có thể gây ra các tác động lớn và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu nếu không thực hiện ngay các hành động để ngăn chặn BĐKH. Do đó, các phân tích kinh tế về BĐKH cần phải xem xét khả năng của những thay đổi lớn, không cận biên (non-marginal) đối với xã hội chứ không chỉ đơn thuần là những thay đổi nhỏ, cận biên (marginal) - những thay đổi thường xảy ra với vốn, lao động, công nghệ trong các phân tích kinh tế chuẩn mực.
Với những lý do trên, BĐKH là một thất bại thị trường lớn nhất mà thế giới phải chứng kiến. Những điểm khác biệt của BĐKH so với các dạng thất bại thị trường khác làm cho phân tích kinh tế đối với BĐKH trở nên thách thức hơn. Giống như bất kỳ một thất bại thị trường nào, BĐKH chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả bằng sự can thiệp của chính phủ thông qua các chính sách công.