Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông để đi cả tuyến chỉ mất 20 phút, nhưng phải chờ đợi hơn 13 năm.
Hoàn thành trong 1-2 tuần tới
Mới đây, tại phiên họp “về công tác phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo tình hình liên quan đến Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ bàn giao cho TP Hà Nội vận hành, khai thác.
Đáng chú ý, trong phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, vừa qua Chính phủ đã đôn đốc Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đẩy nhanh bàn giao đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho Hà Nội, phấn đấu hoàn thành trong 1 - 2 tuần tới. . Tinh thần khi vận hành ban đầu sẽ khai thác khoảng 30% công suất toàn tuyến trong điều kiện dịch bệnh.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Hội đồng Kiểm tra Nhà nước liên quan đến Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đây có thể coi là văn bản giải trình chi tiết và đầy đủ nhất của Bộ GTVT về công tác nghiệm thu công trình xây dựng với Dự án.
Theo đó, Bộ GTVT thừa nhận Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn một số tồn tại song không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng của công trình. Công trình cũng đảm bảo đủ điều kiện khai thác an toàn.
Điều này được thể hiện qua việc Tư vấn ACT đã đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Dù đưa ra 16 khuyến cáo nhưng Tư vấn ACT vẫn khẳng định dự án đủ điều kiện an toàn đưa vào vận hành khai thác.
Đối với một số vấn đề còn tồn tại về chất lượng của dự án, Bộ GTVT khẳng định không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng của công trình. Dự án cũng đảm bảo đủ điều kiện khai thác an toàn theo xác nhận của Ban Quản lý dự án đường sắt và kèm theo các giải pháp khắc phục thời gian bảo hành công trình.
Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị hội đồng xem xét, chấp thuận kết quả nghiệm thu của Chủ đầu tư đối với dự án làm cơ sở tiến hành bàn giao công trình đưa vào vận hành khai thác.
Do những trục trặc “nối đuôi nhau” từ chuyện đội vốn, trễ tiến độ đến phía tư vấn “khuyến cáo độ an toàn” khiến dự án Cát Linh - Hà Đông chưa thể vận hành thương mại.
Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu lại lỗi hẹn?
Mỗi lần nhắc đến tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông , người dân sẽ hình dung ngay được một “con mãng xà” khổng lồ treo lơ lửng trên đầu người dân thủ đô với nhiều lần tăng vốn và chậm tiến độ.
Một dự án thất hứa tới gần 10 lần cùng những giải thích nhập nhèm, thiếu minh bạch đã gây bức xúc, giảm lòng tin trong dư luận, giảm lòng tin với xã hội. Đơn giản nhất là việc chúng ta chỉ cần gõ cụm từ “dự án Cát Linh – Hà Đông”, chỉ trong vòng 0,69 giây mà cho ra khoảng 11.000.000 kết quả. Điều này phần nào cho thấy “dự án hàng trăm triệu USD” kia đã và đang để lại những sự quan tâm, ái ngại, bức xúc trong dư luận đến nhường nào.
Tiếp đến là vấn đề đội vốn. Dự án có tổng vốn đầu tư 550 triệu USD, sau đó vọt lên 891,9 triệu USD (đội giá thêm 339,1 triệu USD) số tiền đội vốn lên tới hàng nghìn tỉ đồng nhưng nguyên nhân đội vốn vẫn được giải thích loanh quanh kiểu đương nhiên phải như thế.
Liên quan đế dự án này, còn nhớ, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) từng đề nghị Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm, xác định làm rõ trách nhiệm với tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót trong tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án một số hạng mục xây lắp, vật tư, thiết bị còn nhiều sai sót; ký phụ lục hợp đồng số 11, thương thảo bổ sung 21,07 triệu USD chi phí xây dựng tăng thêm thiếu cơ sở pháp lý...
Đặc biệt, Bộ GTVT phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng (vượt 10.000 tỉ đồng), tại Quyết định 513/QĐ-BGTVT ngày 23.2.2016, khi chưa báo cáo Thủ tướng để xem xét và xin chủ trương của Quốc hội về điều chỉnh dự án đầu tư.
Rất nhiều nguyên nhân mà KTNT chỉ ra đều cho thấy nguyên nhân đội vốn của dự án không hoàn toàn là vô ý, là bất khả kháng. Thật hiếm có dự án nào mà mọi yếu kém, sai phạm lại thể hiện rõ ràng, ngang nhiên, bất hợp lý như vậy.
Nói về chuyện trách nhiệm, Bộ GTVT khẳng định rằng dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư trách nhiệm chính thuộc phía Công ty HH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (tổng thầu); Ban Quản lý dự án Đường sắt là đại diện Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trực tiếp trong công tác quản lý, điều hành, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT chịu trách nhiệm là cơ quan chủ quản, phê duyệt dự án; UBND thành phố Hà Nội (chủ đầu tư hợp phần giải phóng mặt bằng) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, kiểu nhận trách nhiệm theo dạng liệt kê đầu mối thực hiện công việc là một hình thức quy trách nhiệm kiểu “lỗi tập thể” thường thấy trong các dự án mắc sai phạm.
Có lẽ nên xác nhận kỷ lục về sai phạm, yếu kém cho dự án này. Từ kỷ lục “delay” cho tới vấn đề đội vốn và cả những giải thích rất lạ lùng của hai bên khiến dư luận ngỡ ngàng. Nhưng kỳ lạ thay, dự án vắt qua tới 4 “đời” Bộ trưởng GTVT này đã sai sót ở khâu nào, ai phải chịu trách nhiệm cụ thể từng giai đoạn, lại chưa được Bộ GTVT làm rõ.
Điều này cũng có nghĩa, nếu không giải được bài toán trách nhiệm triệt để trong dự án này thì cụm từ “Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu dự án lại lỗi hẹn?” sẽ lại thành điệp khúc.
Có thể nói, bất cứ một người dân nào cũng mong muốn cơ sở hạ tầng của Việt Nam được thay da đổi thịt, đặc biệt là có nhiều dự án đường bộ, đường sắt chất lượng. Với Cát Linh-Hà Đông , hơn ai hết, người dân trông đợi hằng ngày dự án đường sắt trên cao này sẽ sớm đi vào hoạt động để góp phần thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, giảm ùn tắc và hướng đến một thành phố văn minh, hiện đại.