Thị trường chứng khoán "khóa sổ" năm 2021 bằng một phiên giao dịch rực rỡ khi sắc xanh chiếm lĩnh bảng điện. Xu hướng tích cực này còn có thể duy trì trong tuần đầu của mở đầu năm 2022?
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect: Có hai yếu tố sẽ tác động đến thị trường trong thời gian tới. Thứ nhất là số liệu quý 4/2021 cho thấy bức tranh vĩ mô đang nhiều màu sắc tươi sáng, và đây cũng sẽ là tiền đề vững chắc để kinh tế phục hồi mạnh hơn trong quý đầu tiên của năm 2022. Thêm vào đó, thị trường sẽ chú ý đến các thông tin liên quan đến Kỳ họp bất thường lần thứ nhất – Quốc hội khóa XV từ ngày 4/1/2022 đến ngày 11/1/2022. Nhiều quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sẽ được thảo luận trong kỳ họp này.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect
Thứ hai là kết quả kinh doanh quý 4/2021 sẽ dần được hé lộ trong 2 tuần tới, mà thông thường thì tin tốt sẽ xuất hiện sớm. Vì vậy tôi cho rằng xu hướng tích cực của thị trường sẽ vẫn duy trì trong ít nhất là trong 2 tuần đầu tiên của năm mới. Mặt khác, rủi ro đối với thị trường trong thời gian này vẫn là những thông tin bất lợi về biến chủng Omicron mới xuất hiện ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: "Hiệu ứng tháng Giêng" đã được thể hiện khá rõ nét trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong hơn chục năm gần đây (tháng đầu năm thường tăng điểm tích cực), đặc biệt trong tuần đầu tiên của năm dương lịch. Thống kê quá khứ cho thấy, VN–Index thường xuyên tăng điểm trong tuần đầu tiên của năm mới với mức tăng trung bình đạt gần 2%. Tôi kỳ vọng điều này sẽ lặp lại trong các phiên sắp tới, khả năng thị trường sẽ vượt qua mốc cản tâm lý 1.500 điểm do dòng tiền đầu tư vẫn đang tham gia mạnh mẽ và các câu chuyện kỳ vọng của thị trường vẫn đang ở phía trước.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc trung tâm kinh doanh 3, Chứng khoán Yuanta Việt Nam: Thị trường chứng khoán những phiên giao dịch cuối năm khá khá khởi sắc do hiện tượng chốt NAV cuối năm của các quỹ, tổ chức,… Bên cạnh đó, thị trường quốc tế đang diễn biến khá tích cực, nhiều chỉ số tiệm cận hoặc vượt đỉnh cũ. Do đó, tôi dự báo chứng khoán Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu thế chung khi dòng tiền dổ vào thị trường vẫn rất dồi dào. Theo tôi, tuần đầu năm mới thị trường có thể bứt phá vượt mốc 1500 điểm và duy trì trên vùng này.
Theo quan sát, trong khi nhiều cổ phiếu tăng nóng đang có xu hướng bị chốt lời mạnh, ngược lại Bluechips lại bứt phá mạnh mẽ. Thời của Bluechips liệu đã đến?
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect: Theo quan sát của tôi, đà tăng chung của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thường không kéo dài, đà tăng sẽ có sự phân hóa mạnh và chỉ tập trung vào 1 số doanh nghiệp có tình hình kinh doanh thực sự khởi sắc hoặc có câu chuyện thay đổi thật sự hấp dẫn. Đa phần các doanh nghiệp lớn sẽ có nhiều lợi thế hơn, bao gồm: lợi thế về quy mô, giá bán, chính sách, lãi suất và cả sức khỏe tài chính. Vì vậy doanh nghiệp lớn sẽ có khả năng phục hồi mạnh hơn sau giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế.
Theo tôi quan sát, có nhiều doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính mạnh đã tận dụng thời điểm này để giành thị phần, hoặc mua bán & sáp nhập (M&A) các đối thủ với chi phí thấp. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu Bluechips đã trở nên rất hấp dẫn về mặt định giá. Chẳng hạn như chỉ số P/E của VN30 hiện ở mức 16.2 lần, thấp hơn so với P/E của thị trường là 17.6 lần. Điều này mở ra nhiều cơ hội tích lũy các cổ phiếu lớn với với rủi ro giảm giá (downside risk) thấp. Vì vậy, tôi cho rằng dòng tiền dần sẽ quay lại với cổ phiếu Bluechips nhằm đón đầu xu hướng phục hồi trong năm 2022.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Trong tháng 1, tôi nhìn nhận xu hướng dịch chuyển sang nhóm Bluechips sẽ ngày một mạnh mẽ hơn khi thị trường sẽ rà soát lại tổng thể các cơ hội và bắt đầu "chơi ván mới" cho năm 2022. Trong năm qua nhiều cổ phiếu bluechips đã bị bỏ quên trong khi trung bình nhóm Midcap tăng gấp rưỡi và nhóm Penny tăng gấp đôi (theo FiinGroup). Các phiên cuối tháng 12 dòng tiền đã cho thấy xu hướng dịch chuyển khá rõ ràng từ nhóm cổ phiếu tăng nóng sang các Bluechips. Đây là trạng thái vận động khá tự nhiên của dòng tiền do nhóm Bluechips là tập hợp của những cổ phiếu đầu ngành, có thị phần và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận rõ ràng trên thị trường. Với việc mùa công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2021 đang cận kề, tôi kỳ vọng nhóm cổ phiếu trụ cột sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền và là động lực để đưa VN–Index lập các đỉnh cao mới.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc trung tâm kinh doanh 3, Chứng khoán Yuanta Việt Nam: Các cổ phiếu tăng nóng giai đoạn vừa rồi hầu hết đều không có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, nói cách khác là nội tại doanh nghiệp rất yếu. Việc tăng nhanh và mạnh không đi kèm với yếu tố nội tại thì không thể duy trì bền vững và sẽ sớm chấm dứt. Theo đó, dòng tiền thông minh sẽ lựa chọn các doanh nghiệp có nội tại, tăng trưởng tốt có thời gian tích lũy giá dài để dịch chuyển và cơ hội cho nhóm cổ phiếu Bluechip cũng lớn hơn. Nếu nói thời Bluechips đã tới thì tôi cho rằng hơi sớm, nhưng đã có nhiều dấu hiệu nhen nhóm của dòng tiền để chúng ta chú ý hơn và cân nhắc tham gia giải ngân dần vào nhóm này.
Sự trở lại của nhóm ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chinh phục những đỉnh cao mới. Chuyên gia nhận định như thế nào về triển vọng nhóm này trong thời gian tới?
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect: Bước sang năm 2022, ngân hàng là một trong những ngành đươc hưởng lợi lớn từ việc thúc đẩy đầu tư công và phục hồi cầu tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ phải cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát chất lượng tài sản trong bối cảnh tỷ lệ lãi cận biên thấp hơn và rủi ro nợ xấu đang gia tăng. Do đó, theo dự báo của tôi tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng năm nay sẽ thấp hơn năm 2021.
Tôi cho rằng đợt điều chỉnh giá của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng từ giữa năm chủ yếu phản ánh rủi ro áp lực trích lập dự phòng trong bối cảnh nợ xấu gia tăng. Sau thời gian điều chỉnh, định giá của nhóm ngân hàng đã giảm 12 -15% so với mức đỉnh, giúp nhóm này trở nên hấp dẫn hơn trong thời điểm hiện tại. Do đó, tôi kỳ vọng vào sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong nửa đầu năm 2022, song cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả. Bởi trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu, ngân hàng có khả năng đẩy mạnh cho vay, hoặc có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ có lợi thế. Bên cạnh đó, nợ xấu nhiều khả năng sẽ tăng cao trong một vài quý tới, vì vậy những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và dự phòng tài chính dồi dào sẽ là sự lựa chọn hợp lý.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Nhóm ngân hàng trước mùa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021 đã bật tăng trong các phiên gần đây. Tôi kỳ vọng nhóm ngành này sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong thời gian tới sau khoảng thời gian đi ngang tích lũy khá dài (tuy nhiên sẽ có sự phân hóa) nhờ các yếu tố:
Đầu tiên, tăng trưởng tín dụng quý 4/2021 đã hồi phục mạnh mẽ trở lại so với quý 3 (hết ngày 22/12, con số này đã đạt 12,68% so với đầu năm và dự kiến xấp xỉ 14% cả năm). Kỳ vọng 2022, tín dụng sẽ tăng trưởng tích cực do nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại cùng các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ được dự kiến triển khai thời gian tới.
Thứ hai, nợ xấu của các ngân hàng có thể gia tăng nhưng khả năng vẫn sẽ trong tầm kiểm soát do thị trường bất động sản (tài sản đảm bảo chính của các ngân hàng) duy trì mặt bằng giá và thanh khoản tích cực sẽ là những điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xử lý nợ trong trường hợp xấu.
Thứ ba, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư.
Thứ tư, quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.
Cuối cùng, định giá ngành Ngân hàng Việt Nam hiện tại theo P/B (2,2x) dù cao hơn so với trung bình các nước trong khu vực (1,4x) nhưng vẫn thấp hơn so với VN-Index và có ROE (21,3%) cao vượt trội so với các nước trong khu vực (12,8%).
Tuy nhiên, dòng tiền có thể có sự phân hóa. Các ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng cao, chất lượng tài sản tốt hoặc có các game tăng vốn, bán vốn, deal ký kết bảo hiểm độc quyền có thể sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc trung tâm kinh doanh 3, Chứng khoán Yuanta Việt Nam: Tôi dự báo kết quả kinh doanh năm nay của nhóm ngân hàng vẫn khá ổn. Đặc biệt, sau một thời gian tích lũy khá dài dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại nhóm này. Do đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở kỳ vọng "cổ phiếu vua" sẽ có sóng tốt đầu năm 2022. Tuy nhiên, cần lưu ý sự phân hóa trong nhóm này cũng sẽ khá mạnh nên nhà đầu tư cần cân nhắc lựa chọn cổ phiếu có dòng tiền tăng tốt cũng như kết quả kinh doanh nổi bật để tối ưu hóa lợi nhuận.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc trung tâm kinh doanh 3, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Một điểm sáng trong tuần giao dịch vừa qua là sự trở lại của khối ngoại mua ròng sau thời gian bán miệt mài. Liệu đây có được xem tín hiệu tích cực cho thấy dòng vốn ngoại đang dần quay trở lại thị trường Việt Nam?
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect: Với diễn biến hiện nay, tôi cho rằng chúng ta đừng nên quá kỳ vọng vào dòng tiền từ khối ngoại trong ngắn hạn. Khả năng khối ngoại quay lại mạnh mẽ và dẫn dắt thị trường như trước đây là rất khó xảy ra trong bối cảnh NHTW Mỹ có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và dòng tiền tiếp tục rời bỏ các thị trường mới nổi để quay lại thị trường phát triển. Có chăng là khối lượng bán ròng sẽ dần được thu hẹp. Về dài hạn, chúng ta cần chờ đợi tín hiệu tích cực hơn từ việc TTCK Việt Nam được nâng hạng lên nhóm Thị trường mới nổi của MSCI, và việc IPO của 1 số DN tên tuổi có khả năng thu hút dòng vốn quốc tế. Những thông tin này sẽ kích thích nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Tính từ đầu tuần tới nay khối ngoại đã mua ròng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE, tôi cho rằng chủ yếu do hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên khi nhìn dài hơn, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 58 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tôi đánh giá hiện tượng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ duy trì trong nửa đầu năm 2022 do (1) xu hướng chốt lời có thể sẽ diễn ra khi nhiều cổ phiếu trên thị trường đã có giá chạy trước mặt bằng lợi nhuận và (2) mặt bằng lãi suất trên thế giới có thể sẽ tăng lên vào năm 2022 khi nhiều nền kinh tế lớn đang chịu áp lực từ lạm phát cục bộ.
Tuy nhiên, tôi kỳ vọng khối ngoại sẽ trở lại mua ròng trong nửa sau của năm 2022 do thị trường Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để được nâng hạng lên Emerging market (thị trường mới nổi). Ngoài ra, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đang được kiểm soát khá tốt, điều này sẽ tạo động lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng và thu hút dòng vốn ngoại quay lại thị trường.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc trung tâm kinh doanh 3, Chứng khoán Yuanta Việt Nam: Việc khối ngoại duy trì mua ròng liên tục 6 phiên là một dấu hiệu tốt song chưa thể nói lên điều gì. Bởi thông thường, sau mỗi nhịp bán mạnh và dài thường cũng vài nhịp ngắn khối ngoại quay trở lại mua ròng.
"Sóng ngành" là một cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong năm 2021. Theo chuyên gia, ba nhóm ngành nào sẽ "dẫn sóng" trong năm 2022?
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect: Thứ nhất, cầu nội địa phục hồi sẽ thúc đẩy các ngành bán lẻ, thực phẩm& đồ uống (F&B) và du lịch (bao gồm hàng không) tăng trưởng mạnh hơn các ngành khác. Đây là cơ hội tích lũy những cổ phiếu của các doanh nghiệp F&B cũng như một số cổ phiếu ngành hàng không có báo cáo tài chính lành mạnh, cổ tức đều đặn với định giá hấp dẫn.
Thứ hai, là câu chuyện đẩy mạnh đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên trong năm 2022, tôi cho rằng nhóm ngành phát triển hạ tầng năng lượng sẽ chiếm ưu thế chính. Bên cạnh đó, nhóm năng lượng sạch cũng sẽ là lựa chọn thích hợp trong dài hạn. Với xu hướng ngày càng nhiều các quỹ đầu tư ESG (Environmental, Social, and Governance) nổi lên trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam cũng sẽ là 1 điểm đến của dòng vốn "xanh" này. Lúc đó, định giá của nhóm cổ phiếu năng lượng sạch, sẽ không còn rẻ như hiện nay nữa.
Thứ ba là nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ sự thăng hoa của kinh tế số. Nhóm này bao gồm 1 số doanh nghiệp ở mảng bán lẻ, tiêu dùng, hoặc công nghệ, đã đầu tư và sẵn sàng đáp ứng cho sự thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng sau đại dịch.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Tôi cho rằng câu chuyện "sóng ngành" chứng khoán sẽ còn duy trì trong năm 2022 do môi trường lãi suất thấp sẽ tiếp tục giúp các kênh đầu tư như chứng khoán thu hút dòng tiền tham gia mạnh mẽ, từ đó phát sinh nhu cầu tìm kiếm các chủ đề đầu tư trên thị trường và hình thành các cơn sóng cổ phiếu tại nhiều nhóm ngành. Bước vào năm 2022, tôi cho rằng sẽ có một số nhóm ngành cũng như chủ đề đầu tư lớn cần lưu ý như:
Chủ đề đầu tiên là sự mở cửa của nền kinh tế sau đại dịch: Đây là chủ đề theo tôi là có nhiều triển vọng nhờ tỷ lệ tiêm Vaccine trong nước đã đạt mức tương đối cao, điều này sẽ giúp đẩy nhanh việc triển khai bình thường mới. Trong chủ đề này, tôi đánh giá cao tiềm năng của các nhóm ngành như: khu công nghiệp (tăng trưởng của dòng vốn FDI), dệt may và thuỷ sản (sự hồi phục của hoạt động xuất khẩu và hưởng lợi khi giá cước vận tải hạ nhiệt), cảng biển (triển vọng dài hạn tích cực từ gia tăng cước khai thác dịch vụ).
Chủ đề thứ hai là đầu tư công: Đây là chủ đề có tính cấp thiết cao trong năm tới khi tỷ lệ giải ngân trong năm 2021 đạt mức thấp so với kế hoạch đề ra. Ngoài ra, hoạt động đầu tư công có tính lan toả cao tới nhiều ngành nghề và là nhân tố chủ chốt trong việc khôi phục nền kinh tế sau đại dịch. Trong nhóm chủ đề này, tôi quan tâm tới 2 ngành chính là bất động sản (hưởng lợi từ mặt bằng giá bất động sản tăng cao) và xây dựng (đặc biệt là nhóm xây dựng hạ tầng).
Nhóm ngành ngân hàng: Tôi kỳ vọng các cổ phiếu ngân hàng tại Việt Nam sẽ còn nhiều tiềm năng tăng giá trong năm tới dựa trên những câu chuyện như: mặt bằng giá bất động sản tăng cao giúp hạ nhiệt rủi ro tài sản đảm bảo của ngân hàng, các chính sách hỗ trợ cấp tăng trưởng tín dụng, nới room ngoại cũng như các câu chuyện khác liên quan đến việc phát hành tăng vốn, trả cổ tức.
Nhóm bảo hiểm, y tế cũng sẽ là những ngành được kỳ vọng do đây là nhóm có nhiều động lực tăng trưởng trong dài hạn, đặc biệt sau khi đại dịch Covid–19 đã khiến giới chuyên môn phải nhìn nhận kỹ càng hơn về việc đầu tư cho hoạt động chăm sóc sức khoẻ. Bên cạnh đó các câu chuyện về thoái vốn Nhà nước, các chính sách mới trong ngành, … cũng tạo sức hút tốt tới dòng tiền thị trường.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc trung tâm kinh doanh 3, Chứng khoán Yuanta Việt Nam:
Thứ nhất, dòng chứng khoán: Hiện tại số lượng tài khoản mở mới vẫn liên tục gia tăng, thanh khoản giao dịch của thị trường vẫn ở mức cao, thị trường nhiều cơ hội đầu tư giúp kết quả tự doanh của các công ty chứng khoán hầu hết ở mức tốt từ nhiều yếu tố tổng hợp thì dòng chứng khoán là dòng rất đáng để đầu tư khi thị trường bứt 1.500 điểm với thanh khoản tốt.
Thứ hai, dòng ngân hàng: Đây là dòng đã có quá trình điều chỉnh cũng như tích lũy khá dài trong thời gian vừa rồi, kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng khá tốt giai đoạn vừa rồi cũng như khi dòng tiền rút khỏi dòng đầu cơ nóng thì nhóm ngân hàng có lẽ là lựa chọn ưu tiên (điều này đã thể hiện khi dòng tiền gia tăng nhóm này tuần vừa rồi).
Thứ ba, dòng vật liệu xây dựng: Trong các năm tới hoạt động đầu tư công (xây dựng các công trình) sẽ là ưu tiên hàng đầu sẽ giúp doanh thu và lợi nhuận của dòng này tăng trưởng tốt.