Vì sao tư nhân "chậm lớn"?
Bà Phạm Chi Lan nhận xét: "Không phải FDI vào Việt Nam là tất cả nguồn tiền đều là của họ, họ cũng nợ nần rất nhiều. Chúng ta chưa biết được nợ đó vay ở nước ngoài hay vay ở trong nước, và bao nhiêu phần trăm là huy động từ trong nước, bao nhiêu phần trăm là từ bên ngoài".
Như thế thì doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng khó khăn hơn trong tiếp cận tín dụng vì phần tín dụng ngân hàng đáng nhẽ sẽ dành cho doanh nghiệp trong nước, thì lại bị các nhà đầu tư nước ngoài có vị thế tốt hơn huy động mất. Và điều đó là một trong những lí do đẩy chi phí tín dụng cao lên cho các doanh nghiệp trong nước.
Chúng ta vẫn thường cho rằng khu vực tư nhân ở Việt Nam chỉ đóng góp được khoảng 8-9% vào GDP và cả chục năm nay không thay đổi, tức là luôn ở dưới mức 10% GDP. Đóng góp và GDP thì như vậy, nhưng đóng góp vào thuế của khu vực này lại rất cao so với hai khu vực còn lại. Mặc dù hoạt động hiệu quả hơn khu vực tư nhân, với lợi nhuận trước thuế cao hơn đến 180%, khu vực FDI lại có tỷ lệ đóng thuế thấp nhất. Khu vực FDI nộp ngân sách chỉ bằng 51% khu vực tư nhân.
Không kể đến các doanh nghiệp đã quá lớn, các doanh nghiệp tư nhân nói chung vẫn còn rất nhỏ bé, và phần họ tiếp cận được nguồn lực là rất thấp. Nếu so sánh như vậy thì đóng góp của khu vực tư nhân là cao so với nguồn lực của đất nước mà họ được sử dụng. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước được sử dụng nhiều nguồn lực từ phần tài sản chung của đất nước nhất, nhưng đóng góp thuế lại thấp hơn. Điều đó cũng cần phải xem xét thêm.
PGS. TS Phạm Thế Anh nói: "Nhà nước cần có sự rà soát chính sách ưu đãi thái quá với khu vực FDI, công bằng hơn với khu vực kinh tế trong nước. Việt Nam cũng cần khắt khe hơn với vấn đề môi trường của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài".
"Lao động cũng hoạt động nhiều nhất trong khu vực tư nhân. Từ đây, cần phải xem xét lại vị trí của khu vực tư, các khía cạnh khác nhau của việc đóng góp vào nền kinh tế, từ đó đưa ra các kiến nghị điều chỉnh hệ thống chính sách đối xử cho hợp lý hơn đối với khu vực tư nhân. Rõ ràng, khu vực tư nhân vẫn còn bị chèn ép rất nhiều so với khu vực công." – bà Phạm Chi Lan đánh giá.
Tận dụng thời cơ ra sao để tư nhân tăng trưởng?
TS. Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng so sánh: "Nói một cách hình ảnh, kinh tế tư nhân là một cầu thủ hiện thực hóa ý tưởng của huấn luyện viên, của cả một liên đoàn bóng đá bằng đôi chân của họ. Nếu như ta coi thường đôi chân của các cầu thủ, mà chỉ nhắm vào các chủ trương chính sách lớn trong việc phát triển nền bóng đá thì chưa hẳn đội tuyển đó đã có kết quả tốt đẹp. Chúng ta cần khơi dậy lại đôi chân cầu thủ mà trong đó kinh tế tư nhân là một trong những động lực căn bản".
Việc khu vực đầu tư nước ngoài lấn át khu vực tư nhân không phải vấn đề mới. GS.TS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội chia sẻ: "Trong lý thuyết kinh tế có một khái niệm là "too big to fail", tức là khi một doanh nghiệp nào đó quá lớn thì chính phủ ứng xử với doanh nghiệp ấy cũng gặp khó khăn, vì người ta có một quyền lực nhất định để có thể mặc cả với Chính phủ. Chính phủ không thế nào thẳng tay với họ như với những doanh nghiệp khác – một số doanh nghiệp FDI là trường hợp như vậy".
Ví dụ như Samsung, ông Trần Thọ Đạt cho rằng rõ ràng Samsung có lợi thế nhất định trong đàm phán chính sách để được ưu đãi. Nhưng cái quan trọng là ta phải làm sao để tận dụng, duy trì họ ở đây để hỗ trợ việc phát triển các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng thời kỳ ngoại tệ tương đối dồi dào để nhập khẩu công nghệ, thiết bị, nguyên vật liệu để tăng cường tỷ suất nội địa. Nếu chúng ta sản xuất phụ thuộc với mục tiêu chậm rãi và chỉ nhập khẩu hàng tiêu dùng, không tranh thủ nhập công nghệ mới thì hiển nhiên ta sẽ bị thiệt.