Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có tuần điều chỉnh mạnh với việc chỉ số VN-Index đóng cửa phiên thứ Sáu dưới ngưỡng 1.000 điểm. Thanh khoản cung sụt giảm về khoảng 11.000 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp đà bán ròng hơn 500 tỷ đồng.
Nút thắt thanh khoản vẫn sẽ chưa thể được cởi bỏ
Theo đánh giá của ông Lê Tự Quốc Hưng, Chuyên viên chiến lược thị trường Chứng khoán Rồng Việt về thị trường chứng khoán tuần qua, nút thắt thanh khoản sẽ chưa được cởi bỏ bởi những xáo động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Mùa công bố KQKD quý 3 cũng đang dần đi đến hồi kết, thị trường sẽ tiếp tục rơi vào trạng thái “trống thông tin”. Do vậy, rất khó để khẳng định rằng giai đoạn hiện tại đã là đoạn cuối của quy trình tạo đáy hay chưa. Với đà giảm trong hai phiên cuối tuần vừa qua, ông Hưng kỳ vọng thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh trong phiên đầu tuần và hồi phục dần ở những phiên cuối tuần, về mốc 980-1.000 điểm và nhà đầu tư nên quan sát kỹ tiến trình và giải pháp hỗ trợ từ nhà điều hành trong thời gian tới.
Trong khi đó, động thái của FED tăng mạnh lãi suất vừa qua được vị chuyên gia này đánh giá là tín hiệu không tích cực. Việc Fed chưa có dấu hiệu giảm tốc trong việc tăng lãi suất sẽ tạo ra áp lực lên tỷ giá và lãi suất trong nước. Với diễn biến này, rất khó để kỳ vọng sẽ có thêm dòng vốn ròng dồi dào từ nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK, ít nhất trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi tăng, trong bối cảnh vĩ mô còn hàm chứa nhiều điều không chắc chắn, cũng sẽ làm giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán với nhà đầu tư trong nước.
Rủi ro thị trường vẫn còn lớn. Do đó, ông Hưng khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế việc sử dụng đòn bẩy và tăng tỷ trọng tiền mặt trong giai đoạn này. Về trung và dài hạn, nhiều mã chứng khoán đang có mức cổ tức so với thị giá rất hấp dẫn, trong khi vẫn còn triển vọng tăng trưởng dài hạn. Nhà đầu tư có thể cân nhắc nắm giữ những mã chứng khoán có mức cổ tức tương đương với lãi suất ngân hàng trong một năm tới trong lúc chờ đợi thị trường hồi phục. Từ đây đến cuối năm 2022, chuyên gia VDSC chưa nhận thấy nhiều động lực để thị trường có thể cải thiện về mặt điểm số. Trong khi thị trường đang phải đối mặt với các khó khăn về thanh khoản vốn, lãi suất và nợ xấu áp lực tăng trong cuối 2022-2023 và rủi ro suy giảm tăng trưởng lợi nhuận tại các nhóm ngành. Trên kịch bản cơ sở, ông Hưng kỳ vọng VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 920-1.060 trong thời gian còn lại năm 2022.
Đây có thể là giai đoạn cuối của quá trình tạo đáy
Đưa ra quan điểm về tuần giao dịch vừa qua, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC cho rằng diễn biến đang thể hiện việc thị trường yếu hơn kỳ vọng, VN-Index chưa sẵn sàng tiến về vùng cản 1.060-1.075 như kỳ vọng. Thay vì vậy, các nhịp điều chỉnh về kiểm chứng mốc 980-1.000 điểm để tìm động lực mới là cần thiết. Cây nến phiên cuối tuần tuy chưa phải là điểm đảo chiều mạnh mẽ cho tuần tới, nhưng một lần nữa khẳng định lại lực cầu ổn định ở vùng chỉ số 980 điểm.
Nếu xét trong ngắn hạn, ông Đạt đánh giá đây có thể là giai đoạn cuối của quá trình tạo đáy. Tuy nhiên nhà đầu tư cần căn cứ vào mức đáy ngày 25/10 của các cổ phiếu để đặt mức quản trị rủi ro, tránh việc quá tin tưởng vào khả năng tạo đáy của thị trường mà để tài khoản bị thiệt hại nặng trong trường hợp xảy ra rủi ro hệ thống.
Nhìn xa hơn, vị chuyên gia đến từ DSC cho rằng di ễn biến trong hai tháng cuối năm sẽ phụ thuộc nhiều vào phản ứng của chỉ số ở vùng hỗ trợ 960 - 980 điểm. Song, kể cả nếu giữ được hỗ trợ thì xác suất để chỉ số bứt phá lên khỏi ngưỡng kháng cự 1.100 - 1.150 điểm cũng không cao, do cản trở của sự hạn chế từ sự thiếu hụt dòng tiền và xu hướng tiêu cực trung-dài hạn tạo ra các ngưỡng kháng cự mạnh. Nhìn chung, ông Đạt khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào hoạt động quản trị rủi ro và dựa vào các mốc hỗ trợ để đưa ra chiến lược giao dịch, hơn là dự báo mức chỉ số mục tiêu cho VN-Index trong năm 2022.
Trái với quan điểm của nhiều nhà đầu tư, cá nhân ông Đạt đánh giá thị trường hiện tại không còn phù hợp để đầu tư và nắm giữ trung hạn với nhóm cổ phiếu phòng thủ. Khi kiểm chứng hiệu suất đầu tư trong lịch sử, nhóm phòng thủ chỉ vượt trội với thị trường khi chu kỳ thị trường chứng khoán mới bắt đầu điều chỉnh từ vùng đỉnh và khi nền kinh tế vẫn đang hướng về nửa cuối của chu kỳ tăng trưởng. Điều này được xác nhận trên thị trường khi cổ phiếu phòng thủ có hiệu suất vượt trội từ tháng 4/2022 đến tháng 6/2022.
Còn hiện tại, khi VN-Index đã điều chỉnh sâu (hơn 30% từ vùng đỉnh chỉ số) và chu kỳ kinh tế Việt Nam được tôi đánh giá là cuối pha tăng trưởng, cơ hội sẽ dành cho nhà đầu tư bình tĩnh chờ đợi nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ cao ngành Tài chính và Ngân hàng về mức giá hấp dẫn để tham gia nắm giữ trung hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ càng trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang gặp rủi ro mang tính hệ thống từ thị trường Bất động sản.
Ngưỡng 950 điểm là vùng đáy trong đợt giảm lần này
Theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco , tuần qua chỉ số VN-Index đã có biến động giằng co trong suốt 4 phiên đầu tuần trước khi đóng cửa điều chỉnh mạnh, ghi nhận tuần đầu tiên đóng cửa dưới ngưỡng 1.000 điểm sau hơn 2 năm. Nguyên nhân một phần tới từ tuyên bố FED vẫn sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất trong các kỳ điều hành tới, tạo ra lo ngại về sự mạnh lên của đồng USD so với các đồng tiền khác và kéo theo áp lực rút vốn của khối ngoại. Bên cạnh đó, KQKD quý 3 các doanh nghiệp đã lần lượt được công bố và dòng tiền đã có sự phân hóa vào những nhóm ngành có kết quả tốt trước khi giảm trên diện rộng vào cuối tuần. Hiện tại, vị chuyên gia tới từ Agriseco chưa thấy các thông tin hỗ trợ đủ mạnh giúp thị trường tăng điểm vào tuần tới, kết hợp với biến động từ các chỉ báo động lượng ngắn hạn bắt đầu xuất hiện tín hiệu tiêu cực. Do đó, VN-Index có thể điều chỉnh trở lại trong các phiên đầu tuần tới với vùng điểm số sẽ dao động từ 950 - 1.020 điểm.
Xét về thanh khoản, cơ bản thì xu hướng rút tiền đang và sẽ tiếp tục diễn ra, có thể sẽ phải chờ lâu để thị trường có thể chứng kiến các phiên giao dịch “tỷ USD” như giai đoạn trước. Bởi lẽ tâm lý thị trường nhìn chung đang rất thận trọng sau nhịp điều chỉnh lớn (khoảng 25%) chỉ trong thời gian ngắn (hơn 2 tháng), kết hợp với các sự kiện kém tích cực đã xuất hiện trong thời gian gần đây. Dòng tiền thời gian gần đây cũng bắt đầu xuất hiện sự luân chuyển sang kênh đầu tư có tính an toàn cao hơn khi mặt bằng lãi suất tiền gửi đang liên tục tăng.
Áp lực bán của thị trường vẫn còn khá lớn trong bối cảnh diễn biến tỷ giá, lãi suất còn nhiều biến động cộng thêm rủi ro bán giải chấp đang thường trực khi dư nợ đòn bẩy tại các CTCK cuối quý 3 vẫn tăng 15.000 tỷ đồng trong khi nhiều cổ phiếu đã sụt giảm mạnh từ đỉnh. Vì vậy, thị trường thời gian tới vẫn có khả năng điều chỉnh, tuy nhiên mức giảm sẽ không quá lớn vì đang về vùng định giá hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, diễn biến vĩ mô tới cuối năm được dự báo vẫn tương đối tích cực với mục tiêu tăng trưởng GDP dự kiến trên 8% trong năm nay và kiềm chế lạm phát ở mức 3%. Theo ông Khoa, ngưỡng 950 điểm là vùng đáy trong đợt giảm lần này.
Ở bối cạnh hiện tại, ông Khoa cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng theo dõi diễn biến thị trường trong giai đoạn này và đánh giá lại trạng thái toàn bộ danh mục để có chiến lược đầu tư phù hợp, tập trung bảo toàn nguồn vốn và tuyệt đối không sử dụng margin trong giai đoạn hiện tại. Những nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên cơ cấu danh mục và chỉ nắm giữ các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản vững chắc. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao có thể tích lũy từng phần với các cổ phiếu blue-chip đang có mức định giá hấp dẫn, ưu tiên các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh các tháng cuối năm khả quan với tỷ lệ ROE trên 15%.