Sau cú rung lắc mạnh đầu tuần, thị trường dường như lấy lại được phong độ và tiếp tục bứt phá. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại sẽ có "cú sập" của thị trường trong tuần cuối năm. Chuyên gia dự báo như thế nào về xu hướng thị trường trong tuần tới?
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết: Hai tuần gần đây chỉ số VN-Index chịu áp lực suy giảm lớn, đặc biệt là ở nhóm Penny Midcap. Ngược lại, nhóm cổ phiếu Bluechips lại có sự phân hoá rất mạnh giữa các nhóm ngành. Song nhìn chung nhóm cổ phiếu này chưa tăng mạnh trong thời gian qua, do vậy áp lực điều chỉnh trong tuần sau là không cao. Lực đỡ của Bluechips có thể giúp thị trường cân bằng dù nhóm Penny – Midcap điều chỉnh trong tuần sau. Theo dự đoán của tôi, áp lực bán mạnh sẽ diễn ra vào đầu tuần khiến thị trường giảm điểm, song càng về cuối tuần lực bán có thể càng suy yếu.
Vùng hỗ trợ dài hạn của VN-Index là 1.420- 1.430 điểm bởi rất nhiều lần chỉ số giảm về vùng đó và bật tăng trở lại. Về thanh khoản, tôi cho rằng càng cận Tết thanh khoản càng có xu hướng giảm, song đà giảm này chỉ tác động bởi kỳ nghỉ dài chứ không xuất phát từ vấn đề nội tại của thị trường.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Theo quan điểm của tôi, cuối tuần qua chỉ số Vn-Index đã có một nhịp phục hồi tích cực sau khi toàn thị trường rơi vào trạng thái quá bán. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lưu ý khi thanh khoản những phiên tăng điểm này đang ở mức khá thấp, trung bình mỗi phiên chỉ đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng- thấp hơn khoảng 36% so với trung bình các phiên trong tuần trước. Điều này đến từ tâm lý dè dặt của dòng tiền sau khi trải qua một sự sụt giảm mạnh, và thường chỉ tìm đến các doanh nghiệp tốt với thông tin hỗ trợ đi kèm.
Vì vậy, lo ngại về "cú sập" trong tuần tới là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu thanh khoản trong những phiên tiếp theo không được cải thiện. Về phân tích kỹ thuật, trong tuần tới, nếu VN-Index không có cây nến đóng cửa trên vùng cản 1470-1480, thì tín hiệu về sự phục hồi sẽ yếu bớt, khả năng cao chỉ số sẽ quay về test lại đáy một lần nữa trước khi quay trở lại đà tăng của mình.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng phân tích CTCK Vietcombank (VCBS): Thực tế là xu hướng giảm của chỉ số VN-Index - vốn đã bắt đầu kể từ tuần 10-14/01/2022 - vẫn tiếp tục diễn ra trong tuần giao dịch từ 17-21/01/2022. VN- Index vẫn đang có xu hướng rời xa khỏi ngưỡng 1.500 điểm mặc dù lực bán đã có phần suy yếu trong những phiên cuối tuần và mức độ biến động của thị trường nhìn chung cũng giảm bớt phần nào. Mặc dù vậy thì VN-Index vẫn kết thúc tuần giảm 23,13 điểm và rơi xuống mức 1,472.89, tương đương với mức giảm 1,55%.
Có thể thấy, tâm lý chung trên thị trường vẫn đang trong trạng thái tương đối dè dặt đối với nhóm cổ phiếu "trụ", nhất là trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ và châu Á đều diễn biến tiêu cực trong tuần. Mặt khác, thị trường vẫn đang trong giai đoạn giằng co và không có xu hướng rõ ràng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Do đó, tôi cho rằng chỉ số VN Index sẽ có xu hướng lình xình trong vùng 1.450 - 1.470 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước kì nghỉ Tết Âm lịch.
Cổ phiếu đầu cơ, cụ thể là nhóm bất động sản đã bừng tỉnh sau thời gian "nếm mật nằm gai". Lực cầu bắt đáy đã khiến hàng loạt mã đã chuyển từ trạng thái trắng bên mua sang trắng bên bán. Đây là dấu hiệu cho sự trở lại của nhóm đầu cơ hay chỉ là "mồi nhử"?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Điều quan trọng nhất là chờ xem những phiên đầu tuần lượng cầu có đủ để cân bằng và không thủng đáy tuần trước hay không. Cá nhân tôi cho rằng, tuần tới có nhiều khả năng áp lực bán sẽ tăng cao và sự phục hồi của nhóm này có thể là "cú nảy con mèo chết". Bởi một nhóm cổ phiếu đã rơi vào tình trạng thoái trào, gãy trend thì những nhịp hồi khó có thể bền.
Chúng ta không nên nhìn % giảm của nhóm cổ phiếu đầu cơ để "bắt đáy" mà cần so sánh mức giá sau khi giảm với giá trị thực của doanh nghiệp. Hiện tại, tôi nhận thấy mức giá của nhiều cổ phiếu vẫn còn khá cao so với cơ bản của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý 4 công bố sẽ giúp nhà đầu tư phần nào nhìn nhận được nội tại của doanh nghiệp là có thực hay chỉ là bánh vẽ. Nếu lực bán được kích hoạt trong đầu tuần, nhiều cổ phiếu vừa bật tăng trần cuối tuần trước lại trở lại "nằm sàn" là điều bình thường.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Ông Nguyễn Anh Khoa: Quan sát lịch sử nhóm đầu cơ giai đoạn trước đó, thực tế luôn xuất hiện "sóng" hồi miễn là giá cổ phiếu giảm đủ sâu để kích hoạt dòng tiền bắt đáy. Bên cạnh đó, với tâm lý "gỡ lại những gì đã mất" của các nhà đầu tư, thì sự hồi phục của nhóm cổ phiếu này trong những phiên vừa qua là điều hoàn toàn dễ hiểu. Do vậy, chúng ta không thể khẳng định đây là dấu hiệu cho sự trở lại của nhóm đầu cơ, vì dòng tiền bắt đáy với xu thế lướt ngắn hạn là chủ yếu.
Ông Trần Minh Hoàng: Đúng là đã có khá nhiều cổ phiếu bật tăng trần trong phiên thứ năm và thứ sáu vừa rồi (20 & 21/1) sau một giai đoạn giảm mạnh trong nhiều phiên liên tục liền trước đó. Mặc dù vậy, nhìn vào thanh khoản thị trường thì có vẻ như dòng tiền vẫn chưa thật sự hào hứng trở lại, nhất là trong bối cảnh kì nghỉ Tết Âm lịch đang đến gần. Do đó, tôi cho rằng những nhịp tăng ở các cổ phiếu này có thể chỉ là những nhịp hồi phục ngắn hạn và quá trình "tạo đáy" có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Mặt khác, bên cạnh các cổ phiếu giảm mạnh do dòng tiền rút ra sau một giai đoạn đầu cơ quá mức thì vẫn có những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt nhưng lại bị tác động tiêu cực liên đới trước đà giảm chung của thị trường. Theo đó, các cổ phiếu này có khả năng sẽ duy trì được xu hướng tăng lâu hơn khi mà hiện cũng đã khá gần đến thời điểm báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này được công bố.
Trong bối cảnh thị trường diễn biến khó lường như hiện tại, chuyên gia đưa ra khuyến nghị gì cho chiến lược giao dịch của nhà đầu tư trong tuần cuối năm?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Về nhóm cổ phiếu đầu cơ, tôi nhận thấy nhà đầu tư chứng khoán rất hay quên khi mới phiên trước còn bán tháo dồn dập khi cổ phiếu nằm sàn, nay cổ phiếu bật tăng trần lại đua nhau mua đuổi. Tuy nhiên, tôi cần nhấn mạnh việc mua đuổi trong xu hướng down trend của nhóm đầu cơ là rất rủi ro. Thêm vào đó, hàng loạt thông tin xấu vẫn bủa vây nhóm này trong khi yếu tố cơ bản doanh nghiệp chưa có gì cải thiện. Do đó, thay vì mạo hiểm bắt đáy ở nhóm cổ phiếu nóng, nhà đầu tư có thể chọn lọc những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong quý 4, giá tích luỹ chặt chẽ và kỳ vọng vào năm sau khả quan.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Theo quan điểm của tôi, chiến lược "bắt đáy" cổ phiếu nóng trong thời điểm này là hoàn toàn không phù hợp vì nó có thể khiến nhà đầu tư rơi vào tình huống "đu đỉnh" bất cứ lúc nào. Tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (fomo) luôn tồn tại trong mỗi nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư F0 mới tham gia vào thị trường. Vì vậy, nhà đầu tư nên học cách kiểm soát tâm lý, tránh tình trạng mua đuổi khi cổ phiếu đã "tăng nóng" nếu không muốn tài khoản rơi vào nguy cơ thua lỗ.
Những phiên sắp tới cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi thị trường vẫn chưa xuất hiện xu hướng rõ ràng. Thêm vào đó, tuần sau là tuần cận Tết, thị trường chuẩn bị bước vào một kỳ nghỉ dài, thì việc giải ngân T+ là một điều khá mạo hiểm. Do vậy, để giảm thiểu nguy cơ, tôi khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên thực hiện giải ngân với những mã cổ phiếu Bluechips hoặc những mã cổ phiếu tiềm năng có thông tin hỗ trợ đi kèm.
Ông Trần Minh Hoàng: Tôi cho rằng diễn biến vừa qua trên thị trường mang tính chất của một nhịp điều chỉnh ngắn hạn sau giai đoạn tăng nóng. Việc tham gia vào những nhịp hồi phục tuy có rủi ro cao nhưng bù lại thì lợi nhuận kỳ vọng cũng khả quan trong thời gian ngắn. Do đó, tôi cho rằng nhà đầu tư lựa chọn hướng đầu tư này cần theo sát diễn biến thị trường trong từng phiên cũng như có ý thức quản trị rủi ro, kiểm soát và đảm bảo tuân thủ kỷ luật cũng như lợi nhuận kỳ vọng ở mức phù hợp.
Đối với những nhà đầu tư không có nhiều điều kiện để theo dõi sát sao diễn biến của thị trường, tôi cho rằng chưa nên vội vàng "bắt đáy" trong những phiên tới, nhưng đồng thời cũng chưa cần thiết phải bán tháo cổ phiếu để tăng tỷ trọng tiền mặt. Điều nên làm hiện tại là rà soát lại danh mục và tái cơ cấu lại các khoản đầu tư theo hướng nắm giữ các cơ hội đầu tư dài hạn dựa trên triển vọng kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2022, chứ không nên xây dựng kỳ vọng về cổ phiếu chỉ trên cơ sở những thông tin chưa được kiểm chứng.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng phân tích CTCK Vietcombank (VCBS)
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông dự báo dòng tiền sẽ chảy về nhóm ngành nào trong tuần tới?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Tôi cho rằng nhóm ngành ngân hàng sẽ có khả năng "dẫn sóng" thị trường trong tuần tới. Bởi theo quan sát, thanh khoản nhóm ngân hàng duy trì ở mức cao, dẫn đầu toàn thị trường trong tuần qua. Do đó, rất có thể dòng tiền đang rút ra ở một số nhóm ngành và quay trở về nhóm ngân hàng.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Trong tuần tới sẽ có hàng loạt doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2021. Tôi dự báo dòng tiền sẽ tập trung vào những cổ phiếu ra tin lợi nhuận tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ. Trong các nhóm cổ phiếu, tôi tiếp tục kỳ vọng vào nhóm ngân hàng nhờ sự dẫn dắt của dòng tiền lớn cũng như số liệu kinh doanh ủng hộ. Nhóm Bluechip, VN30 sẽ tiếp tục ở trạng thái tích cực. Ngoài ra một số ngành khác theo tôi cũng khá triển vọng tuần tới như dầu khí, khu công nghiệp.
Ông Trần Minh Hoàng: Lựa chọn của tôi sẽ là nhóm cổ phiếu ngân hàng, tuy nhiên có lẽ tôi sẽ nghiêng nhiều hơn về phía các cổ phiếu ngân hàng vừa và nhỏ. Nói cách khác, tôi cho rằng chỉ số chung sẽ không biến động nhiều do thiếu sự đồng thuận của các cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn nhưng sẽ vẫn có sóng tăng cục bộ ở một số cổ phiếu ngân hàng vừa và nhỏ, và theo đó tạo ra sức hút nhất định đối với dòng tiền trên thị trường.