Báo cáo của OECD được đưa ra nhằm hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và kế hoạch 5 năm 2021 – 2025.
Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới đã có những bước tiến dài trên con đường phát triển với nhiều thành tựu quan trọng. Các đánh giá từ quốc tế gần đây cho thấy nền kinh tế 94 triệu dân có triển vọng tăng trưởng tốt với tốc độ bình quân nhanh nhất trong khu vực, khoảng 6%.
Liên Hợp Quốc cũng đánh giá Việt Nam là 1 trong 6 nước trên thế giới hoàn thành trước hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đang tích cực triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Tuy nhiên, quốc gia này vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Điều này buộc Việt Nam phải có những đánh giá khách quan, sâu và đa chiều, từ đó, đưa ra được các giải pháp đồng bộ.
Quá trình đánh giá quốc gia đa chiều là sự học hỏi lẫn nhau, theo ông Mario Pezzini, Giám đốc Trung tâm Phát triển của OECD. Bởi ông cho biết không có một mô hình hay cách làm duy nhất để đạt được mục tiêu phát triển. Do vậy, Việt Nam cần xem xét các kinh nghiệm của những nước đã, đang phát triển để tìm nguồn cảm hứng.
"Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là mang lại phúc lợi, hạnh phúc cho người dân", ông nhấn mạnh.
Phân tích về hạn chế chủ yếu đối với con đường tăng trưởng bền vững của Việt Nam, đại diện OECD lưu ý đến việc Việt Nam cần lưu ý vấn đề cải thiện năng suất lao động để đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế quốc gia.
Về vốn, OECD cho rằng việc dựa chủ yếu vào nguồn vốn ngân hàng do thị trường vốn phát triển chưa đầy đủ khiến cho nguồn lực đi vào kinh tế tư nhân trong nước chưa hiệu quả. Do đó, đây cũng là vấn đề cần lưu tâm trong tương lai.
Báo cáo của OECD cũng đánh giá một số vấn đề liên quan đến thể chế là điểm nghẽn, gây khó khăn cho khát vọng phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam như năng lực thực thi pháp luật và thừa hành công vụ thiếu minh bạch, quản trị DNNN còn hạn chế, chi phí không chính thức vẫn phổ biến.
Ngoài ra, theo tổ chức này, Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề như sử dụng không hiệu quả tài nguyên; ô nhiễm môi trường và xả rác thải lớn; hạn chế trong tiếp cận giáo dục; hệ thống hưu trí và chăm sóc sức khỏe không bền vững về tài chính…
Do vậy, để khắc phục, Việt Nam được khuyến nghị phát triển một nền kinh tế mang tính hội nhập và hiệu quả hơn, phải tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có năng suất cao nhất và sử dụng công nghệ sản xuất sạch.
Việt Nam cần mở rộng kết nối doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI, đảm bảo môi trường thể chế minh bạch hơn và tin cậy, đặc biệt chú ý xây dựng nguồn vốn con người với tư cách là chìa khóa của phát triển trong bối cảnh làn sóng công nghệ đang phát triển nhanh chóng.
Nền kinh tế cũng được lưu ý về cải thiện năng lực tài chính cho sự phát triển trước hiện tượng già hoá dân số khiến nhu cầu đầu tư và chi tiêu tăng hơn.
Mặt khác, OECD cho rằng Việt Nam cần nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, điều hành phục vụ sự phát triển bền vững. Đây là tập hợp các vấn đề như cách thức quản lý, điều hành của Chính phủ, chế độ tiền lương, sự phối hợp giữa các cơ quan và các cấp chính quyền, tổ chức cung cấp các dịch vụ công, chế độ hưu trí và các chính sách an sinh xã hội, quản lý phát triển đô thị và môi trường.