Trao đổi với Trí Thức Trẻ nhân chuyện một doanh nghiệp vừa đăng ký thành lập với vốn 144.000 tỷ đồng, lớn hơn cả vốn điều lệ của Viettel, ngang ngửa tổng 4 ngân hàng lớn nhất, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng vẫn có những điểm tích cực từ câu chuyện này.
Thứ nhất là việc các cá nhân, tổ chức, khi muốn kinh doanh, đã dễ dàng gia nhập thị trường hơn. Điều này có được nhờ sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 1999, có hiệu lực năm 2000. Như trong trường hợp này là Luật đã bỏ đi điều kiện về vốn pháp định.
Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập một doanh nghiệp. Vốn pháp định do cơ quan có thẩm quyền ấn định, nó được xem là có thể thực hiện được dự án khi thành lập doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, vốn pháp định hiện nay chỉ áp dụng với một số ngành nghề nhất định, ví dụ như kinh doanh ngân hàng, bảo hiểm… tuy nhiên, với phần lớn các ngành nghề khác, yếu tố này đã được bỏ đi, theo Luật Doanh nghiệp năm 1999.
"Luật Doanh nghiệp đã đưa ra tư duy mới về thúc đẩy kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân cũng như cách quản lý nhà nước. Nó giảm tối đa các hàng rào cản trở việc gia nhập thị trường. Tư duy này đã tác động dây chuyền đến các hệ thống pháp luật khác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thành lập dễ dàng hơn", ông Tuấn nói.
Nhớ lại, ông cho biết thời gian đầu khi Luật đi vào thực tiễn, đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc nếu doanh nghiệp được thành lập dễ dàng như vậy thì quản lý sẽ như thế nào? Nó có kích thích việc xuất hiện những công ty ma, lừa đảo hay không.
"Tại sao cho một ông nông dân không có trình độ gì mở doanh nghiệp – những câu hỏi đó vẫn thường được đặt ra. Đấy là sự xung đột, khác với tư duy về thành lập doanh nghiệp truyền thống", ông Tuấn nói.
Nhưng, một luồng tư duy khác lại là nếu người ta có tiền, người ta muốn kinh doanh, tại sao lại cấm đoán?
Việc mở cửa, thông thoáng trong việc gia nhập thị trường đã tạo ra những thay đổi tích cực của Việt Nam, hình thành cả một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đông đảo, tạo ra động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa rồi – theo ông Tuấn.
Trở lại với câu chuyện doanh nghiệp đăng ký vốn kinh doanh 144.000 tỷ đang gây tranh cãi vừa qua, ông Tuấn cho biết đây là điều bình thường.
"Tự do kinh doanh là một quyền quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp. Cá nhân tổ chức đăng ký kinh doanh là thực thi quyền đấy. Nhà nước có nghĩa vụ ghi nhận. Giấy đăng ký kinh doanh không phải là giấy phép, nó chỉ là sự ghi nhận từ phía Nhà nước là có doanh nghiệp muốn ra kinh doanh với số vốn dự kiến như vậy. Điều này cũng giống giấy khai sinh mà thôi!", ông phân tích.
"Phải để ý là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứ không phải là giấy phép kinh doanh".
Nếu như doanh nghiệp, cá nhân nào khai khống vốn kinh doanh lên để lừa đảo bên thứ ba, lừa dối Nhà nước để trúng thầu… thì lại là câu chuyện khác. Đây là căn cứ để Nhà nước xử phạt theo các quy định khác, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điểm tích cực thứ hai, từ câu chuyện này theo Trưởng ban Pháp chế VCCI là về hệ thống đăng ký kinh doanh.
"Việc các cơ quan truyền thông có thể phát hiện ra con số bất thường từ doanh nghiệp này là nhờ việc đăng ký kinh doanh được tổ chức tập trung tốt. Cục Đăng ký kinh doanh cũng đã nhìn thấy được vấn đề khi doanh nghiệp đăng ký. Về bản chất, họ có nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng đồng thời, họ cũng sẽ có những động thái giám sát, thanh tra thường xuyên về tiến độ vốn góp", ông Tuấn nói.
Theo luật, doanh nghiệp có 90 ngày để nộp đủ số tiền đã đăng ký. Sau 90 ngày này nếu chưa thực hiện được, doanh nghiệp vẫn có thêm 60 ngày tiếp theo để bắt buộc điều chỉnh vốn giảm. Nếu anh không thực hiện sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.
"Với cách làm như vậy, ai muốn kinh doanh cũng được, cũng dễ nhưng những trường hợp có dấu hiệu bất thường sẽ được chú ý hơn. Nhà nước sẽ tập trung quản lý ở khâu này. Cách làm như vậy là khôn ngoan, không tạo ra rào cản", ông Tuấn chia sẻ.
Trong giả định doanh nghiệp này nếu các thành viên không nộp đủ vốn, bị xử phạt vi phạm hành chính thì những cá nhân này về sau khi tham gia thành lập doanh nghiệp, kinh doanh sẽ được liệt vào nhóm rủi ro cao, sẽ bị các cơ quan nhà nước quản lý chặt hơn.
Ông Tuấn cũng lưu ý rằng với bên giao dịch thứ 3, cần ý thức được rằng vốn đăng ký kinh doanh trong giai đoạn đầu không phải là yếu tố tạo ra và đảm bảo uy tín của doanh nghiệp. "Khi muốn ký kết làm ăn phải tìm hiểu nhiều yếu tố khác, đừng tin ngay vào con số đó". Vốn khai nhiều không có nghĩa là lớn và vốn khai ít không có nghĩa là bé. Trên thế giới vẫn có những công ty 1 đô la nhưng có thể làm ăn rất bài bản. Ngay ở Việt Nam có nhiều công ty thực tế quy mô, phạm vi kinh doanh rất lớn nhưng vốn điều lệ lại rất khiêm tốn.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh: Các cơ quan nhà nước không nên sử dụng vốn đăng ký doanh nghiệp như một con số thành tích. Các con số này trong chừng mực nào đó có thể được sử dụng để đánh giá xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp theo ngành hàng, theo địa bàn. Bản chất vốn đăng ký kinh doanh giai đoạn đầu có thể chỉ là dự định kinh doanh "Phải nói thẳng rằng thông tin về số vốn đăng ký kinh doanh đang bị một số cơ quan đang dùng như thành tích. Nó không có nhiều ý nghĩa".
Theo thông tin từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KHĐT), trong tháng 1/2020, đã có một doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn đăng ký là 144.000 tỷ đồng. Con số này tương đương với tổng vốn điều lệ 4 ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank cộng lại. Và số vốn này cũng lớn hơn vốn điều lệ của Viettel – đang ở xấp xỉ 141.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này được xác định là CTCP Tư vấn Đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco) với ngành nghề kinh doanh chính là về bất động sản. Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Gia Phong. Ông Phong có tỷ lệ vốn góp là 30%, tương ứng 43.200 tỷ đồng. Hai cổ đông còn lại là bà Kim Thị Phương (30%) và ông Nguyễn Hoàn Sơn (40%, tương ứng 57.600 tỷ đồng).
Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu ở Việt Nam hiện nay đều có vốn điều lệ nhỏ hơn USC Interco khá nhiều. Ví dụ Vingroup chỉ ở mức 34.300 tỷ đồng, VinHomes là 33.500 tỷ đồng, Novaland Group là 9.700 tỷ đồng...