Diễn biến ngược chiều TTCK châu Á, TTCK Việt đã không giữ được điểm số từ cuối phiên sáng. Các chỉ số trên thị trường đều giảm trước áp lực bán ở nhóm VN30 và HNX30. VN-Index giảm xuống thấp hơn ngưỡng kháng cự cũ 1.200, đóng cửa 1.198,12 điểm (6,21 điểm, -0,52%); VN30-Index giảm mạnh hơn (9,62 điểm, -0,82%) đóng cửa tại 1.168,06 điểm.
Trên sàn HSX thì VIC, ROS, MSN, VPB chịu áp lực bán giá đỏ đã tác động trực tiếp lên sự sụt giảm của các chỉ số trong khi chiều ngược lại có nhiều mã tăng tốt nhưng không đủ bù đắp như BID, SAB, VCB, HDB, BVH, PNJ. Chỉ có 9 cổ phiếu trong nhóm VN30 tăng điểm, trong khi nhóm ngân hàng phân hóa tăng và nhóm chứng khoán hầu hết giảm.
Tương tự thị trường cơ sở, các HĐTL xanh nhẹ trong phiên sáng nhưng giảm điểm trong phần lớn thời gian giao dịch còn lại với mức giảm nhẹ hơn chỉ từ 1,6 – 5,1 điểm. Nếu như phiên 9/4, TT phái sinh tăng mạnh hơn TT cơ sở thì phiên ngày 10/4 TTPS giảm nhẹ hơn TTCS.
Biến động trong phiên của các HĐTL cũng khá hẹp. TT phái sinh đang cho thấy tâm lý vẫn khá tích cực cùng với niềm tin vào xu thế đi lên của thị trường. Trong bối cảnh các HĐTL biến động trong biên độ giá hẹp, thanh khoản vẫn ở mức thấp chỉ đạt 15.680 HĐ, tương đương 1.844 tỷ đồng.
Chỉ số VN30 tăng điểm đầu phiên vượt nhẹ ngưỡng 1.185 điểm nhưng lực bán tăng rất mạnh khiến chỉ số lùi xuống và đóng cửa dưới mức hỗ trợ ngày 1.170 điểm.
Cây nến ngày tạo nến đỏ đặc Bearish Engulfing, đồng thời khối lượng giảm nhẹ 2,87% so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao vượt khối lượng trung bình 20 phiên. Nhiều khả năng chỉ số sẽ hồi lên sau phiên giảm mạnh, tuy vậy áp lực bán sẽ vẫn khá lớn và xác suất VN30 tiếp tục điều chỉnh là cao.
HĐTL F1804 ngày 10/4 đóng cửa lại giảm thấp hơn khá nhiều so với mức giảm mạnh của VN30, đồng thời giá đang cao hơn giá lý thuyết 5,72 điểm, do vậy lợi thế giá nghiêng về các vị thế bán ngắn hạn hơn là mua trong phiên kế tiếp.