Các chỉ số thị trường đóng cửa phiên cuối tuần trong sắc đỏ, khép lại một tuần điều chỉnh tương đối mạnh so với vùng đỉnh thiết lập trước đó. Chỉ số VNIndex giảm 15,88 điểm về mức 1.157,14, VN30 Index cũng có diễn biến tương tự khi điều chỉnh 0,81% về mức 1.134,21 điểm.
Sắc xanh của VIC, HDB hay VJC đều không thể cứu vãn được thị trường. Nhóm ngân hàng (VCB, VPB, BID, CTG) cùng một số mã vốn hóa lớn khác như GAS, PLX hay SAB điều chỉnh khá sâu là nguyên nhân chính khiến VN-Index chốt phiên cuối tuần trong sắc đỏ. Một số nhóm ngành cũng có diễn biến tiêu cực có thể kể đến là Chứng khoán, Dầu khí, Thép, Xây dựng. Nhóm Bất động sản có sự phân hóa mạnh về biến động của các cổ phiếu thành phần.
Thị trường phái sinh đồng loạt giảm khá sâu so với chỉ số cơ sở. Trong khi VN30 chỉ giảm 9,29 điểm, các HĐTL đều giảm ít nhất là 12,9 điểm, HĐ F1809 giảm sâu 29 điểm thu hẹp đáng kể khoảng cách với VN30, F1804 giảm -16 điểm rơi xuống thấp hơn VN30 9,2 điểm.
Đường cong giá dốc xuống trong ngắn hạn phản ánh tâm lý khá bi quan trong thời điểm hiện tại. Thanh khoản cao với 27.283 HĐ (3.106 tỷ đồng) nhưng tập trung trên nền giá thấp cho thấy nhà đầu tư bắt đầu mất kiên nhẫn với triển vọng thị trường.
Chỉ số VN30 tăng trong cả phiên giao dịch sáng và đảo chiều giảm vào phiên giao dịch chiều với đóng cửa nằm nhẹ trên hỗ trợ ngày 1.134 điểm. Cây nến ngày có dạng Bearish Engulfing lần thứ 2 diễn ra với khối lượng giao dịch tăng nhẹ 1,83% so với phiên trước.
Xu hướng trung hạn của VN30 vẫn ở trạng thái tích cực mặc dù ngắn hạn tiếp tục ở xu hướng tiêu cực (GIẢM). Nhiều khả năng chỉ số VN30 sẽ kiểm định lại mức thấp nhất của phiên giao dịch ngày 12/4 ở 1.122 điểm và cũng là hỗ trợ ngắn hạn cho chỉ số này.
HĐTL F1804 13/04 đóng cửa giảm mạnh khá nhiều so với mức giảm của VN30, đồng thời giá đang thấp hơn giá lý thuyết 9,3 điểm, do vậy lợi thế giá nghiêng về các vị thế Mua ngắn hạn trong phiên.