VN-Index mở đầu phiên không mấy thuận lợi do những rủi ro địa chính trị gây lo ngại cho TTCK toàn thế giới nói chung. VN-Index ngay phiên sáng có lúc giảm mạnh gần 11 điểm, tiến sát mức hỗ trợ 1.145 điểm và bật tăng trở lại. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn khá lớn khiến chỉ số đóng cửa giảm 8,65 điểm (-0,75%) còn 1.148,49 điểm. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, VCB, BID, ROS giảm mạnh trong khi phía tăng điểm kìm hãm đà giảm của chỉ số chủ yếu chỉ có VIC, MSN và VPB tăng nhẹ.
Nhìn chung, thị trường tiếp tục phân hóa và thiếu dòng cổ phiếu dẫn dắt. Các nhóm ngành chính như ngân hàng, BĐS, chứng khoán, VLXD đã tăng mạnh từ khoảng cuối 2017 đến nay và tiếp tục chịu áp lực chốt lời từ NĐT.
Các HĐTL có diễn biến không mấy tích cực, phần lớn giảm điểm theo chỉ số cơ sở. 3 HĐ dài có mức giảm từ 3,9 – 7,1 điểm. Riêng HĐ F1804 giữ giá tham chiếu tới cuối phiên do đang giao dịch dưới chỉ số cơ sở khá sâu và HĐ sẽ đáo hạn ngay trong tuần này. Kết thúc phiên, F1804 vẫn thấp hơn VN30 3 điểm, các HĐ còn lại có giá cao hơn chỉ số cơ sở nhưng chênh lệch không đáng kể.
Thanh khoản giảm khá mạnh so với phiên trước, chỉ đạt 21.828 HĐ, tương đương 2.462 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối lượng mở tăng đạt hơn 11 nghìn HĐ, chủ yếu tăng ở HĐ F1805, là mức cao nhất kể từ đầu tháng 3.
Chỉ số VN30 tiệm cận mốc hỗ trợ ngày 1.122 điểm và hồi nhẹ trở lại, nhưng vẫn giảm 6,18 điểm xuống mốc 1.128,03 điểm. Cây nến ngày giảm nhẹ, khối lượng giao dịch ở mức thấp hơn khối lượng trung bình 20 phiên và giảm 24,41% so với phiên trước. Tuy vậy, chỉ báo dòng tiền MFI và MACD vẫn tiếp tục giảm. SSI Retail Research cho rằng khả năng chỉ số VN30 sẽ tiếp tục kiểm định lại một lần nữa mốc hỗ trợ ngắn hạn 1.122 điểm trong phiên kế tiếp.
Các HĐTL tháng 5, 6 và tháng 9 đều giảm điểm, riêng HĐTL F1804 ngày 16/4 đóng cửa giữ tham chiếu bù lại khoảng cách giá khá xa so với giá lý thuyết, tuy vậy vẫn đang thấp hơn giá lý thuyết 3,1 điểm.