Liên quan đến kết luận của đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị Grab bồi thường cho Vinasun khoản tiền là 41,2 tỷ đồng đang gây tranh cãi, Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Thạch, luật sư, Giám đốc công ty Luật Hà Dương.
Trước khi đi sâu vào phân tích vụ việc, ông Thạch nhấn mạnh hai yếu tố:
- Quan điểm của ông dựa vào những tường thuật tại toà đã được các báo đăng tải.
- Vụ việc nên được nhìn dưới góc độ pháp lý. Quyết định của VKS dựa vào yếu tố này, là câu chuyện tư pháp. Còn việc tạo hành pháp luật thuận lợi cho các nhà đầu tư nói chung, công nghệ nói riêng, là vấn đề của những cơ quan lập pháp.
Vụ kiện, theo ông Thạch, Vinasun đã chỉ ra nhiều hành vi vi phạm cụ thể của Grab và được VKS đồng tình.
Thứ nhất, Grab được cho là đã vi phạm Đề án 24. Theo quy định của Đề án này, Grab chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ, phần mềm đặt xe. Còn người kinh doanh vận tải là các đơn vị khác. Grab không được quyền cung cấp trực tiếp cho khách hàng và lái xe dịch vụ.
Cũng vì là đơn vị cung cấp công nghệ, Grab cũng không được quyền quyết định giá cước, điều chỉnh tăng giảm giá dịch vụ. Nghĩa là đối với giá cước, đơn vị kinh doanh vận tải sẽ là người đưa ra đề xuất, căn cứ tính giá để Grab thay mặt họ tính giá.
Điều này cũng tương tự trong việc xử phạt lái xe, giải quyết khiếu nại... Tóm lại, Grab chỉ là người giúp đỡ doanh nghiệp kinh doanh vận tải, theo quy định. Ngoài ra VKS còn cho rằng Grab là đơn vị trực tiếp quyết định các chương trình khuyến mại.
Các công việc nêu trên là công việc của đơn vị kinh doanh vận tải, không phải công việc đơn vị cung cấp ứng dụng công nghệ, theo ông Thạch. Như vậy, VKS căn cứ vào điều này cho rằng Grab đang toàn quyền quyết định và gần như vai trò của các đơn vị kinh doanh vận tải là không có.
Điều này kết hợp với việc đăng ký kinh doanh của Grab cũng đăng ký ngành nghề "kinh doanh dịch vụ vận tải" là căn cứ để VKS cáo buộc Grab chính là đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, vi phạm đề án 24. Việc dựng ra các đơn vị kinh doanh vận tải trung gian chỉ là hợp thức hóa quy trình.
"Đối mặt với các cáo buộc trên, tại phiên tòa theo tôi thấy Grab không đưa ra được lập luận và chứng cứ phản bác đủ thuyết phục. Ví dụ, trong trường hợp định giá, nếu thực sự các đơn vị kinh doanh vận tải là bên đề xuất căn cứ tính giá thì giữa hai bên phải có bằng chứng chứng minh. Dù vậy, theo báo chí thuật lại tôi thấy Grab không đưa ra được bằng chứng", luật sư Thạch nói.
Thứ hai là việc Grab khuyến mại nhiều và sâu. Theo quy định tại Nghị định 37/2006/NĐ-CP trong 1 năm các đơn vị khuyến mại không được quá 90 ngày và giá trị khuyến mại không được vượt quá 50% giá dịch vụ trước đó. Tuy nhiên, Grab được cho là đã vi phạm cả 2 tiêu chí này, thậm chí, Grab còn có cả những chuyến xe giá 0 đồng.
Để chứng minh giá rẻ là một trong những nguyên nhân lôi kéo khách hàng chuyển từ taxi truyền thống sang Grab thì phải khảo sát thị trường. Theo công ty Nghiên cứu thị trường Quốc Việt, có đến 74% khách hàng của Vinasun đã chuyển sang sử dụng Grab do giá cước rẻ và được hưởng các chương trình khuyến mại.
"Như vậy, có mỗi quan hệ hậu quả từ hành vi vi phạm của Grab với thiệt hại của Vinasun", ông Thạch nhận định. Thiệt hại được VKS căn cứ vào báo cáo tài chính, doanh thu được giám định bởi đơn vị độc lập, chỉ định bởi toà án.
Kết quả giám định này không được Grab đồng ý và yêu cầu thực hiện lại. Nhưng theo quy định của giám định lại thì cần phải chỉ ra được giám định ban đầu là sai, vi phạm pháp luật hoặc được Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSND tối cao đồng ý. "Hiện tại theo tôi biết yêu cầu này của Grab đã không được toà chấp nhận", ông nói.
Nói thêm, luật sư Thạch cho rằng ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho rằng toà không có thẩm quyền xác định bản chất ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, thay vào đó là Bộ GTVT là chưa chính xác.
Vì khi vụ việc đã đưa ra tòa án thì hội đồng xét xử sẽ có quyền quyết định, ý kiến của các cơ quan quản lý chỉ là tài liệu tham khảo. Thậm chí hội đồng xét xử còn có quyền hủy bỏ các quyết định hành chính của các bộ.
Theo luật sư Thạch để đánh giá xem kiến nghị của VKS và yêu cầu của Viansun có căn cứ hay không cần trả lời các câu hỏi: Grab có vi phạm đề án 24 hay không? Có vi phạm chính sách khuyến mại về giá hay không? Có mối quan hệ giữa hành vi vi phạm và thiệt hại của Vinasun không và thiệt hại là thiệt hại ở mức nào?
"Nếu Grab cứ tuân thủ Đề án 24, không vi phạm pháp luật về khuyến mại thì Vinasun lấy căn cứ gì mà khởi kiện?", ông đặt vấn đề.
"Chúng ta không lên lái câu chuyên sang hướng môi trường đầu tư, hành lang pháp lý cho công nghệ, đó là câu chuyện và trách nhiệm của những nhà làm chính sách, nhà làm luật. Còn một vụ kiện chúng ta nên xem họ có vi phạm pháp luật hay không? Khi đã đưa ra toà án, vụ việc sẽ được giải quyết trên cơ sở pháp luật", ông nhận định.
Như vậy, Luật không hợp lý thì phải đề xuất cơ quan chức năng sửa luật, còn đại diện VKS, hội đồng xét xử không có chức năng này. Do Luật đã quy định nên khi xét xử sẽ không có quyền đánh giá luật có hợp lý hay không, trừ trường hợp Luật đó vi phạm, trái với các văn bản cao hơn. Còn nếu không, người thực thi sẽ vẫn áp dụng ngay cả khi bất hợp lý.