Hụt nguồn thu thuế do hội nhập, Chính phủ tăng thu phí
Từ năm 2011 - 2017, cấu trúc thu ngân sách của Việt Nam cho thấy nguồn thu cơ bản là từ thuế và phí. Tuy nhiên, cơ cấu của thuế và phí đã thay đổi và đảo chiều cho nhau: thu thuế giảm từ 86% trong năm 2011 xuống 72% năm 2017, nhưng thu về phí tăng lên từ mức 5% năm 2011 lên đến 17,4% năm 2017.
Sự chuyển dịch cơ cấu giữa thuế và phí một phần do Việt Nam hội nhập hối hả khiến thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình.
Năm 2018, theo Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) sẽ có 588 dòng thuế được cắt giảm từ mức 5% năm 2017 về 0%, chủ yếu là các mặt hàng chính như: sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử, nguyên liệu dệt, vải may mặc, quần áo, cà phê, chè nguyên liệu, chế biến thực phẩm.
Một nguyên nhân gây hụt thu của ngân sách Nhà nước là nguồn thu thuế từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI - được hưởng nhiều ưu đãi) thấp hơn nhiều so với khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước dù mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp FDI lại cao hơn.
Cụ thể, doanh nghiệp FDI có mức tăng trưởng về lợi nhuận bình quân giai đoạn 2011 - 2016 cao nhất là 25,5%, so với 2 khu vực kinh tế trong nước là doanh nghiệp Nhà nước là 21% và khu vực ngoài Nhà nước là 17,4%.
Trong khi đó, tăng trưởng bình quân về tổng thuế của khu vực FDI chỉ là 8,6%, thấp hơn nhiều so với mức 21% của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; đặc biệt tăng trưởng bình quân về thuế thu nhập doanh nghiệp FDI còn thấp hơn nữa, chỉ là 7,5% so với 21% của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước.
Để bù lại các khoản hụt thu từ thuế, Bộ Tài chính tăng thu phí như: phí cầu đường. Khoản thu phí này về bản chất cũng giống như thuế gián thu nhưng ngân sách lại dễ dàng thu trực tiếp của người dân
Trong các nguồn thu cho ngân sách, thu từ vốn cũng tăng khá mạnh từ 7,5% năm 2011 lên 10% năm 2017. Phải chăng Chính phủ Việt Nam đang bán tài sản Nhà nước để bù đắp nguồn thu?
Theo bảng trên cho thấy, chỉ năm 2012 và năm 2014 tốc độ tăng trưởng về thuế và phí thấp hơn tăng trưởng GDP theo giá hiện hành, các năm còn lại tốc độ tăng trưởng về thuế và phí cao hơn tăng trưởng GDP khá nhiều.
Đặc biệt, trong 3 năm liên tiếp từ năm 2015 - 2017 mức tăng trưởng về thuế và phí so với tăng trưởng GDP tương đối lớn, điều này cho thấy việc thu thuế và phí vượt quá nguồn lực của nền kinh tế, tình hình này kéo dài có thể làm nguồn lực thật sự của nền kinh tế thông qua chỉ tiêu tiết kiệm nhỏ lại ở những chu kỳ tiếp theo.
Chi trả lãi rất cao, nền kinh tế dễ tổn thương
Cấu trúc chi ngân sách , (ĐVT: %).
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài chính ở bảng trên cho thấy, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi luôn ở mức cao, tới 66% tổng chi ngân sách.
Tỷ lệ chi trả lãi tăng từ 4,2% năm 2011 lên 7,2% năm 2017. Điều này cho thấy nợ công ngày một gia tăng hoặc nợ với lãi suất cao hơn. Tỷ lệ chi đầu tư có xu hướng giảm đi.
Tăng trưởng về chi ngân sách và GDP theo giá thực tế.
Theo bảng trên, trong hầu hết các năm (trừ năm 2014 và 2016) tốc độ tăng trưởng của chi ngân sách và chi thường xuyên cao hơn mức tăng trưởng GDP (tính theo giá hiện hành).
Tốc độ tăng về chi trả lãi cao hơn mức tăng trưởng GDP khá nhiều. Cụ thể, chi trả lãi các năm 2012 là 33,9% (GDP là 16,75%); năm 2013 là 18,2% (GDP là 10,44%); năm 2014 là 48,3% (GDP là 9,87%); năm 2015 là 22,9% (GDP là 6,48%): năm 2017 là 14% (GDP là 11,3%).
Điều này cho thấy nếu tiếp tục chi thường xuyên cao và đầu tư không hiệu quả sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam lao sâu hơn vào nợ nần. Tình hình này cho thấy nền kinh tế Việt Nam rất dễ tổn thương. Cần có những chính sách linh hoạt và phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.