Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để chính sách này được triển khai trong thực tế , hỗ trợ kịp thời người đang gặp khó khăn, rất cần những hướng dẫn cụ thể, giảm điều kiện để tránh lặp lại những hạn chế như gói hỗ trợ lần 1 (gói 62.000 tỷ đồng nhưng giải ngân chưa được 1/4), nhiều người mong mỏi nhưng cuối cùng không tiếp cận được.
Mừng nhưng "hụt"...
Anh Đinh Văn Vũ (50 tuổi, quê Nam Định) làm nghề ép dẻo dạo ở Hà Nội cho biết, vợ chồng anh rời quê lên đây làm nghề này cũng ngót 10 năm nay, thuê trọ ở quận Hoàng Mai. Thu nhập tuy bấp bênh nhưng đủ nuôi cả gia đình và con cái ăn học ở quê. Năm 2020, dịch COVID-19 ập tới, anh và vợ cùng nhiều "đồng nghiệp" phải dừng việc. Thu nhập không có, tiền thuê nhà, chi phí khác vẫn phải bỏ ra; tiền tích cóp của gần 2 tháng đi làm sau Tết chưa kịp gửi về để ông bà ở quê nuôi cháu ăn học cũng đã cạn. Tưởng dịch bệnh qua nhanh, không ngờ kéo dài, vợ chồng anh bập bõm làm rồi nghỉ theo dịch.
Thống kê của Kho bạc Nhà nước cũng cho thấy, đến cuối tháng 1/2021, trong số hơn 13 triệu người được hỗ trợ gần 13.000 tỷ đồng từ gói 62.000 tỷ đồng ban hành năm 2020, chỉ có hơn 1.162 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho lao động thất nghiệp, tiểu thương (còn lại chi hỗ trợ những người thuộc nhóm gia đình chính sách, hộ nghèo, bảo trợ xã hội). Trong đó, hơn 78 tỷ đồng hỗ trợ hơn 58 nghìn lao động hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; hỗ trợ 903 tỷ đồng cho hơn 947 nghìn lao động tự do mất việc…
"Năm ngoái, khi nghe tin Nhà nước hỗ trợ tiền cho LĐ tự do, cả xóm trọ xôn xao, mừng và hy vọng. Nếu được hỗ trợ, 2 vợ chồng tôi cũng được 2 triệu đồng/tháng, sống tạm đợi được làm lại, lúc khó 1 đồng cũng quý. Cả xóm trọ bàn nhau cử người gọi điện hỏi cán bộ phường, họ chỉ xác nhận hỗ trợ cho những ai đã đăng ký tạm trú trên địa bàn, còn lại phải về nơi đăng ký hộ khẩu xin hỗ trợ. Vợ chồng tôi nhiều năm không đăng ký tạm trú ở Hà Nội, gọi về quê hỏi thì cán bộ xã nói chúng tôi nên ra phường nơi thuê trọ, vì không biết chúng tôi đi làm gì, ở đâu. Chưa kể, chúng tôi còn phải chứng minh không có thu nhập hoặc thu nhập dưới chuẩn cận nghèo. Tính ra, hoàn thành thủ tục để nhận hỗ trợ không dễ, mức hỗ trợ cũng không nhiều, nên đành thôi", anh Vũ nói.
"Cũng cần giải pháp về miễn trừ một phần trách nhiệm cho chính quyền địa phương, chấp nhận việc họ có thể chi nhầm cho một số ít người, nhưng đảm bảo tất cả người cần đều được hỗ trợ"
TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội |
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ giữa năm 2020 tới nay, đã có một số gói hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách Nhà nước dành cho LĐ mất việc làm, đặc biệt với LĐ tự do. Ngoài gói an sinh trị giá 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, Hà Nội và TPHCM có thêm những gói hỗ trợ riêng cho người LĐ trên địa bàn khi áp dụng giãn cách xã hội... Các gói hỗ trợ LĐ và doanh nghiệp cho thấy Nhà nước rất quan tâm tới vấn đề an sinh của nhân dân, chia sẻ lúc họ gặp khó khăn. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại chưa đạt như kỳ vọng và không dễ tiếp cận. Khi triển khai gói 62.000 tỷ đồng năm 2020, chỉ 14.000 tỷ đồng được giải ngân, chưa đạt 25% kế hoạch. Đa số khoản tiền giải ngân được là chi cho người thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, bảo trợ xã hội (đã có danh sách quản lý tại địa phương); các nhóm hỗ trợ còn lại, đặc biệt là số lao động tự do cuối cùng không tiếp cận được nhiều (chỉ hơn 947 nghìn lao động tự do được hỗ trợ hơn 900 tỷ đồng).
Để không còn "hỗ trợ trên giấy"
Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 . Các chính sách này áp dụng với người chịu tác động bởi dịch bệnh tính từ ngày 1/5/2021 (riêng người phải cách ly tính từ ngày 27/4/2021). Nghị quyết đưa ra 12 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm hỗ trợ bằng tiền mặt, miễn và hoãn nộp bảo hiểm xã hội, cho vay trả lương cho lao động.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, rất mừng khi Nhà nước có các gói hỗ trợ LĐ và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thực tế, nhóm lao động chịu ảnh hưởng nặng nhất là lao động khu vực phi chính thức (lao động tự do) và tiểu thương. Tuy nhiên, việc xác nhận để chi ngân sách hỗ trợ cho đúng, trúng lại không dễ, khi hầu hết lao động tự do lại có hộ khẩu thường trú ở vùng nông thôn nhưng họ tới các thành phố lớn kiếm việc làm, không có dữ liệu để xác nhận và chi trợ cấp.
"Chính quyền địa phương nơi lao động tự do đăng ký hộ khẩu hay nơi họ tới làm việc sẽ xác nhận để chi trợ cấp đều khó. Họ cũng lúng túng, sợ trách nhiệm vì không nắm được người lao động ở đâu, làm gì, có khó thật không. Đây là yếu kém trong quản lý thị trường lao động, khi không có dữ liệu về lao động khu vực phi chính thức, dù số này chiếm đa số trên thị trường", ông Huân nói.
Cũng theo ông Huân, gói hỗ trợ an sinh lần 2 này (theo Nghị quyết 68 ) chủ yếu hướng tới lao động khu vực chính thức và doanh nghiệp. Thực tế, hiện tại khu vực chính thức mong nhất là kiểm soát sớm dịch bệnh, người lao động được tiêm vắc-xin, ưu đãi thuế phí và tín dụng để ổn định hoạt động. Doanh nghiệp sản xuất vẫn có đơn hàng, nhưng bị gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu lao động vì giãn cách, phong toả, hạn chế đi lại phòng dịch. Còn chính sách cho vay ưu đãi để trả lương cho người lao động cũng không dễ, khi đã không có việc làm thì khả năng trả nợ cũng khó.
TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng cho rằng, các gói hỗ trợ an sinh của nước ta so với nhiều quốc gia phát triển cũng không thua kém gì về độ bao phủ. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt lao động tự do rất khó tiếp cận. Để chi được tiền trợ cấp cần có dữ liệu về lao động và việc làm, nhưng tới nay vẫn chưa có. "Chính quyền lo thất thoát, chi sai đối tượng, nên để người lao động tự do có được xác nhận thất nghiệp và nhận trợ cấp là không dễ", bà Hương nói. Theo bà Hương, qua dịp này, ngành lao động nên triển khai hệ thống dữ liệu về lao động phi chính thức, để người lao động dù làm ở bất kể đâu cũng dễ dàng được theo dõi, hỗ trợ khi cần.
"Cũng cần giải pháp về miễn trừ một phần trách nhiệm cho chính quyền địa phương, chấp nhận việc họ có thể chi nhầm cho một số ít người, nhưng đảm bảo tất cả người cần đều được hỗ trợ", bà Hương nói thêm. Vị chuyên gia này dẫn chứng trường hợp của Mỹ, thay vì mất thời gian rà soát đối tượng khó khăn, dẫn tới chính sách bị trễ, họ chi tiền cho tất cả người dân, còn ai cảm thấy mình không cần có thể từ chối nhận. Tương tự việc phát gạo tự động (ATM gạo) nhiều nơi đã làm vừa qua, trong số người tới nhận có người không hẳn gặp khó, nhưng chắc chắn những người khó thật sẽ tới lấy.