Nhà giàu kêu khổ
Ra Tết chưa được bao lâu nhưng tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư lại bùng phát, đáng chú ý đều là những dự án chung cư cao cấp. Khi mà người mua nhà bỏ ra hàng tỷ đồng để sở hữu căn hộ thì nay, họ lại phải sống trong cảnh khổ sở đi kiện cáo chủ đầu tư vì cho rằng không nhận được những gì đúng như quảng cáo.
Mấy ngày nay, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân tại dự án ở phố Nguyễn Tuân quận Thanh Xuân, Hà Nội đã tạm lắng xuống sau đối thoại giữa hai bên. Tranh chấp bùng phát sau khi một số hộ dân bị cắt nước do không đóng phí dịch vụ. Để phản đối chủ đầu tư, cư dân tại đây mang nước xuống sảnh tòa nhà gội đầu với xô chậu, máy sấy,... Tiếp sau đó, băng rôn, khẩu hiệu được treo khắp chung cư để gây sức ép cho chủ đầu tư.
Gội đầu ở sảnh chung cư để phản đối chủ đầu tư |
Theo phản ánh của cư dân, họ bức xúc vì chất lượng quản lý tòa nhà không đạt yêu cầu, trong khi đó mức phí phải đóng quá cao. Bên cạnh đó, các vấn đề khác như diện tích căn hộ, tiện ích cũng được khách hàng nhắc tới.
Trước đó, tại chung cư này cũng gây chú ý bởi hình ảnh cư dân đi xe máy vào thang máy lên căn hộ của mình vì cho rằng phí gửi xe quá cao. Theo đại diện hộ dân ở đây, mức phí như trên là không đúng quy định của UBND TP Hà Nội. Đồng thời, khung giờ quy định mức phí tối - qua đêm cũng không đúng theo quy định.
Tại dự án ở Mỹ Đình, tranh chấp của chủ đầu tư và cư dân cũng đang khá nóng. Hàng trăm băng rôn treo rải khắp các phòng của các tòa thuộc dự án ở Mai Dịch. Nguyên nhân của sự việc này không đơn thuần do phản đối với mức phí trông giữ xe ô tô theo tháng, mà còn do phía nhà đầu tư vi phạm hợp đồng, cung cấp dịch vụ không đạt chuẩn.
Điểm qua các dự án chung cư cao cấp tại Hà Nội, những dự án không có tranh chấp đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả các dự án của chủ đầu tư nước ngoài vẫn xảy ra tình trạng trên. Dự án Keangnam là một ví dụ. Khi mới đi vào hoạt động, dự án này trở thành tâm điểm của chú ý khi bùng nổ đấu tranh của cư dân trong thời gian dài vì mức phí dịch vụ quá cao. Dân Keangnam mang bếp than xuống sảnh để biểu tình.
Mang bếp than đi biểu tình chủ đầu tư |
Cư dân chung cư Hồ Gươm Plaza cũng dai dẳng hàng tháng liền ‘tố’ sai phạm của chủ đầu tư. Trong nhiều ngày liền, họ đã xuống đường căng băng rôn, biểu tình “tố” hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện những cam kết liên quan đến các vấn đề như kinh phí bảo trì, xây dựng sai phép, mức phí gửi xe,...
Ai đúng ai sai?
Một thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho thấy, toàn thành phố có 935 tòa chung cư thì xảy ra 105 vụ tranh chấp. Nguyên nhân đưa đến việc tranh chấp tại các khu chung cư ngày càng gia tăng có thể do sự thiếu chuyên nghiệp, chưa xử lý kịp thời, triệt để các tranh chấp phát sinh dẫn đến xung đột về mặt lợi ích giữa cư dân với chủ đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho hay, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp tại các chung cư rất đa dạng. Ngoài các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành, quản lý chung cư còn có những lỗi chủ quan đến từ chủ đầu tư như chậm bàn giao nhà, chưa làm sổ đỏ cho cư dân qua nhiều năm, thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng nhưng khi bán không giải chấp, chưa đủ điều kiện vẫn bàn giao cho dân vào ở,...
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa có chế tài kịp thời và hiệu quả, đơn cử như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS có những quy định cấm nhưng không có biện pháp chế tài xử lý. Do vậy các bên tham gia vào quá trình vận hành nhà chung cư có lý do để trễ nải, thậm chí “lách luật”.
Bùng phát mâu thuẫn chung cư |
Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, rất nhiều người khi mua căn hộ, nhất là ở những dự án cao cấp, rất háo hức với viễn cảnh sống trong một môi trường văn minh, an ninh tuyệt đối và được sử dụng những tiện ích chung một cách thoải mái. Thế nhưng khi nhận nhà, họ thường thấy bối rối khi bị yêu cầu phải tuân theo những quy định chung của tòa nhà.
Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng tổng hợp những nội dung khiếu nại của dân cư tại các dự án nhà ở đối với chủ đầu tư. Đây là cơ sở để rà soát lại quy định của pháp luật có liên quan để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp và hướng dẫn các cơ quan liên quan giải quyết các vụ khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án.
Xét về các vụ tranh chấp tại các dự án chung cư, chủ đầu tư và cư dân đều có những ý kiến riêng để bảo vệ quyền lợi của mình. Để vụ việc kéo dài không chỉ chủ đầu tư mà cư dân cũng sẽ mệt mỏi, người mua nhà bất an. Giá căn hộ vì thế cũng sẽ giảm khi dự án trở nên tai tiếng. Để giải quyết vấn đề này, chỉ còn cách hai bên cần phải ngồi lại đối thoại.
Đại diện chủ đầu tư cũng cho rằng họ luôn mong muốn cùng khách hàng xây dựng một cộng đồng cư dân gắn kết. Chính vì vậy, họ sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp, sẵn sàng ngồi lại cùng những người đại diện do cộng đồng cư dân bầu lên, bình tĩnh bàn bạc đưa ra tiếng nói chung và đi đến giải pháp đúng đắn nhất.
Duy Anh