98% doanh nghiệp được hưởng lợi
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất , có hiệu lực từ ngày 8/4.
Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi này là các doanh nghiệp (DN), tổ chức, hộ gia đình hoạt động trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp thủy sản; sản xuất chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế); sản xuất điện tử, máy vi tính, ô tô...
Đồng thời, các DN, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải, du lịch, lưu trú, ăn uống, giáo dục, y tế, giải trí, chiếu phim, kinh doanh bất động sản cũng được chậm nộp tiền thuế và tiền thuê đất.
Những ngân hàng giảm lãi vay, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng được hưởng chính sách chậm nộp tiền thuế và tiền thuê đất này.
Nghị định nêu rõ Chính phủ gia hạn 5 tháng tiền thuế giá trị gia tăng phát sinh trong tháng 3, 4, 5 và 6/2020.
Với thuế thu nhập DN, DN được chậm nộp 5 tháng số tiền thuế còn phải nộp của kỳ tính thuế năm 2019 và số thuế tạm nộp quí 1 và 2/2020.
Trường hợp DN, tổ chức đã nộp số thuế còn phải nộp theo quyết toán năm 2019 sẽ được bù trừ cho tiền thuế của các khoản thuế khác.
Bên cạnh các nội dung trên, Chính phủ cũng gia hạn tiền thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng năm 2020 cho hộ gia đình và cá nhân kinh doanh. Theo đó, hạn cuối hộ gia đình và cá nhân kinh doanh phải nộp hai sắc thuế này là ngày 31/12 năm nay.
Ngoài việc gia hạn 3 sắc thuế, DN, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh còn được gia hạn tiền thuê đất hàng năm. Thời hạn chậm nộp là 5 tháng kể từ ngày 31/5 năm nay.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn lên tới 180.000 tỉ đồng. Có tới 98% DN cả nước, tương đương hơn 700.000 đơn vị, được hưởng chính sách ưu đãi này.
Doanh nghiệp mong chờ hỗ trợ khác thực tế hơn
Liên quan đến gói gia hạn thuế trên, theo các chuyên gia kinh tế, con số 98% chưa thực sự đầy đủ, bởi 2% còn lại của 800.000 DN trên cả nước tương đương với 16.000 DN vẫn chưa được xem xét hỗ trợ gia hạn thuế.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam, không những người lao động mà nguồn thu của nhà nước cũng bị tác động do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Hàng năm, hiệp hội này nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 60.000 tỷ đồng.
“Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét để cho những ngành đồ uống vào diện gia hạn thuế, tiền thuê đất. Đặc biệt là nước giải khát không có lỗi gì cả, việc không được bổ sung vào hỗ trợ thuế quả là một thiệt thòi lớn cho chúng tôi”, ông Việt bày tỏ.
Bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vinatex cho rằng, tiêu chí "bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cần được làm rõ", bởi với DN dệt may, mức độ giãn, giảm thuế ảnh hưởng không lớn vì dệt may làm xuất khẩu không có thuế VAT.
“Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 đã tạm nộp hàng quý, số còn lại chưa nộp chỉ là 1 quý; trong khi quý I/2020 không có lợi nhuận nên thực chất chiếu theo chính sách này, DN dệt may cũng không được giảm. Tiền thuê đất tỷ trọng trong chi phí thấp, nên cũng không tác động được đáng kể khi được gia hạn nộp”, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vinatex cho biết.
Theo bà Hạnh, với DN dệt may, quan trọng nhất là hoãn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp vì chi phí này lên tới 34% của quỹ lương (mà quỹ lương chiếm 60% chi phí DN may). Vì vậy, tỷ trọng chi đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp lên tới 20% tổng chi phí toàn DN.
Do vậy, với các thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất mà doanh nghiệp dệt may nào đã nộp cho năm 2019, bà Hạnh kiến nghị nên được trừ vào các phí cần đóng như Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn… của năm 2020.
Để cầm cự vươt qua đại dịch COVID-19, lãnh đạo Vinatex kiến nghị nhiều vấn đề cần gỡ khó. Thứ nhất, với chính sách hỗ trợ 1,8 triệu đồng cho người thiếu việc làm phải nghỉ cần có hướng dẫn ngay cách làm như thế nào để được nhận. Do đó, nếu trước khi chính thức xét ai được hưởng, cần cho tất cả chậm nộp thuế, phí trong 6 tháng trong lúc chờ đánh giá.
Thứ hai, Vinatex đề nghị có cơ chế cho vay không lãi để doanh nghiệp bù thêm cho người lao động (thiếu việc phải nghỉ) đủ số lương tối thiểu vùng. Như vậy, ngoài phần 1,8 triệu đồng đã được hỗ trợ thì vay như thế nào, thủ tục ra sao và làm với ai?
Ngoài ra, Vinatex cũng kiến nghị Chính phủ cho hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với các đơn hàng xuất khẩu khẩu trang vải (không phải khẩu trang y tế)…