Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã được Chính phủ ban hành từ tháng 5/2022. Đây là chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ phục hồi nhanh nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất này hiện đang rất chậm. Nhiều chuyên gia đặt ra vấn đề thay đổi tiêu chí tiếp cận hoặc chuyển hướng hỗ trợ để giải tỏa vấn đề nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Qua khảo sát và báo cáo của các ngân hàng thương mại, vướng mắc lớn nhất khiến kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất còn thấp là các doanh nghiệp e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ giảm lãi suất, phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán về sau. Ngân hàng cần phải cân nhắc giữa lợi ích của việc được hỗ trợ 2% so với chi phí bỏ ra khi phải theo dõi hồ sơ, sổ sách và các quy định liên quan để phục vụ cho công tác kiểm tra, hậu kiểm sau này.
Trong trường hợp bị thu hồi khoản hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ rất khó xử lý, bởi việc hạch toán và chia cổ tức một khi đã thực hiện thì sẽ khó thu lại. Bên cạnh đó, theo quy định, để được hưởng hỗ trợ, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi. Nếu tại thời điểm thanh kiểm toán, doanh nghiệp được đánh giá không có khả năng phục hồi thì có thể bị thu hồi lại phần tiền đã được hỗ trợ hoặc bị quy trục lợi chính sách.
Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều khá e ngại về những vướng mắc pháp lý khi tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Bản thân doanh nghiệp hiện nay nhận thấy họ cần nhiều nhu cầu về vốn hơn là yếu tố lãi suất, bản thân doanh nghiệp cũng mong muốn những chính sách hỗ trợ trực tiếp hơn hỗ trợ lãi suất, ví dụ như miễn giảm thuế sẽ phù hợp hơn trong điều kiện hiện nay. Chúng tôi cũng nhận thấy có 2 khó khăn vướng mắc trong việc hỗ trợ lãi suất là tâm lý e ngại của bản thân khách hàng, khó khăn thứ 2 thì theo quy định tại nghị quyết của Quốc hội cũng như nghị định của Chính phủ thì khách hàng phải có khả năng trả nợ và khả năng phục hồi, khách hàng không thể khẳng định không thể có khả năng phục hồi".
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng Vietcombank cho rằng, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều khá e ngại về những vướng mắc pháp lý khi tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Theo ông Cường: "Trải qua đợt hỗ trợ lãi suất năm 2009, các doanh nghiệp e ngại hồ sơ thủ tục phải hoàn thiện để phục vụ thanh, kiểm tra sau này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, một số vướng mắc trong hạch toán lợi nhuận, chia cổ tức, khi thanh tra kiểm toán yêu cầu phải thu hồi, thì doanh nghiệp khó cân đối để trả lại số tiền đã hỗ trợ".
Qua khảo sát thực tế từ khách hàng, bản thân khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi”. Vì hiện nay các tiêu chí để đánh giá khả năng phục hồi thường là những kết quả định lượng như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận kinh doanh phải tăng; hoặc các tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng, triển vọng kinh doanh của khách hàng…
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các tiêu chí này là rất khó đánh giá, đặc biệt điều kiện kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các loại nguyên liệu đầu vào, áp lực lạm phát…
Ông Ngô Bảo Thiên, Phó Giám đốc Công ty Vận tải Du lịch và Dịch vụ Long Hiền cho biết, doanh nghiệp đã từng kỳ vọng gói cho vay lãi suất ưu đãi 2% của Chính phủ. Thế nhưng, từ tháng 5/2022 đến nay, nguồn thông tin về gói hỗ trợ lãi suất này cứ xa dần. Doanh nghiệp mang hồ sơ đi hỏi thì phía Ngân hàng trả lời rất khó khăn vì có nhiều chính sách thắt chặt, không thể tiếp cận.
Doanh nghiệp đã từng kỳ vọng gói cho vay lãi suất ưu đãi 2% của Chính phủ. Thế nhưng, từ tháng 5/2022 đến nay, nguồn thông tin về gói hỗ trợ lãi suất này cứ xa dần.
Ông Thiên cho biết: "Bản thân doanh nghiệp của tôi cũng biết về gói hỗ trợ này rất lâu rồi nhưng khi tôi hỏi các Ngân hàng hiện tại đang có dư nợ thì cảm thấy họ truyền đạt và xử lý tình huống này khá bị động. Và khi nhận được câu trả lời của ngân hàng thì bây giờ tôi xác định tinh thần là thôi, đừng quan tâm đến gói này vì chắc chắn rất khó tiếp cận".
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Tờ trình số 151 về việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN. Tờ trình nêu rõ, từ khi ban hành chính sách, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương.
Tuy nhiên kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng là do một số vướng mắc đã được nhận diện trong quá trình NHNN và các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng khảo sát thực tế tại địa phương. Số liệu tập hợp từ các ngân hàng thương mại (NHTM) cho thấy, trong số khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất, có khoảng 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu. Thậm chí, một số khách hàng đã nhận hỗ trợ lãi suất, song chủ động hoàn trả NHTM toàn bộ số tiền lãi được hỗ trợ.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, việc gỡ vướng để giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% là rất cần thiết, NHNN sẽ xem xét để mở rộng thêm những đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2023.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: "Một số đối tượng đã và đang thuộc danh sách những doanh nghiệp hợp tác xã, hộ gia đình thuộc đối tượng được hưởng 2% lãi suất này. Tuy nhiên, việc tiếp cận cũng như việc mở rộng đang có những hạn chế. Chính vì thế, việc mở rộng đối tượng, những lĩnh vực mà có thể hỗ trợ được cũng là điều cần thiết, và cũng là vấn đề mà qua khảo sát đánh giá, chúng tôi cũng sẽ phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền để có thể xem xét thêm về việc mở rộng đối tượng này".
Căn cứ các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp trong thời gian qua, NHNN cũng trình Chính phủ chấp thuận mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất, cụ thể nhằm vào một số đối tượng như: Người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá phù hợp, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại thu mua, tạm trữ lương thực, nông, lâm, thuỷ sản, kinh doanh xăng dầu…
Một phương án khác là trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết của chương trình này sang các nhiệm vụ chi/các hình thức hỗ trợ khác. Ví dụ các chương trình cho vay hỗ trợ khôi phục kinh tế thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó có chương trình cho vay giải quyết việc làm hiện đang giải ngân rất tốt và nguồn vốn này sẽ được thu hồi khi các khoản vay đến hạn trả./.