Tổng kinh phí đã giải ngân hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp theo Nghị quyết 68 và Quyết định 21/2021 của Thủ tướng đạt gần 21,89 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trên 24,2 triệu lượt đối tượng. Như vậy, tới nay, gói hỗ trợ này đã gần hoàn thành, khi số tiền dự kiến hỗ trợ theo các chính sách này khoảng 26 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, tại 23 tỉnh thành miền Nam, đã chi hơn 17,75 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 16,8 triệu đối tượng (chiếm 80% toàn quốc về kinh phí, và chiếm 69,5% về đối tượng hưởng).
Riêng TPHCM đã chi 10,13 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 9,41 triệu lượt đối tượng, tiếp đến là Bình Dương đã chi hỗ trợ hơn 1,96 nghìn tỷ đồng, Hà Nội hơn 1,64 nghìn tỷ đồng, Đồng Nai hơn 1,14 nghìn tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 986 tỷ đồng...
Với gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 và Quyết định 28/2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã chuyển trên 1,25 nghìn tỷ đồng hỗ trợ tới 428.894 lao động đang làm việc và 111.212 người đã nghỉ việc đang bảo lưu đóng Bảo hiểm thất nghiệp.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng cơ bản hoàn thành việc giảm đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho 363.300 đơn vị sử dụng lao động với số tiền giảm trên 7,59 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo Bộ LĐ, TB&XH, liên quan đến việc hỗ trợ, Thủ tướng cũng đã có Quyết định xuất cấp tổng cộng 137.090 tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,41 triệu hộ với gần 9,14 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố bị thiếu đói do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo báo cáo của các địa phương, cả nước có 2.184 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó có 2.084 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ; 41 trẻ mồ côi cả cha và mẹ (riêng TPHCM có 1.426 trẻ em mồ côi do dịch COVID-19).
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 27 tỉnh, thành phố trên 7,83 tỷ đồng cho 1.541 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do COVID-19 (mức 5 triệu đồng/trẻ em) và 124 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 (mức 1 triệu đồng/trẻ em).