Chiều 27/5, tại cuộc tọa đàm “Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, việc giải ngân gói hỗ trợ nhà ở cho người lao động hiện còn chậm.
Theo ông, do các địa phương mới hoàn thành phê duyệt kế hoạch, đến thời điểm hiện nay, mới giải ngân được khoảng 40 tỷ đồng cho hơn 10.000 lao động.
“Con số này còn nhỏ so với yêu cầu là 6.600 tỷ đồng cho gần 4 triệu lao động, vì đây là thời gian đầu. Thêm vào đó, do nhiều nơi muốn dồn ba tháng (4, 5, 6) lại nhận tiền 1 lần, nên làm còn chậm”, ông Thanh giải thích.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, ông Thanh cho biết, Bộ LĐTB&XH vừa đi đôn đốc một số tỉnh miền Trung, Nam, Bắc để làm sao trong tháng 6 cơ bản lập được hết danh sách. Đặc biệt, người lao động phải chủ động hơn trong việc hoàn thành các thủ tục để nhận hỗ trợ.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch COVID-19. Ví dụ như Nghị quyết 42 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó có cả người nghèo, người lao động, người có công.
Đặc biệt là Nghị quyết 68, với 12 nhóm chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, người lao động bị ngừng việc, người lao động bị thất nghiệp, trong đó có người lao động tự do, hỗ trợ doanh nghiệp. Tổng tất cả những chính sách này, hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân đã được nhận hỗ trợ với tổng mức 81 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến nêu ra rằng muốn nhận hỗ trợ "lên tivi mà nhận”? Trước câu hỏi này, ông Lê Văn Thanh chia sẻ, qua khảo sát thực tế, về cơ bản các đối tượng đều đã thụ hưởng chính sách. Trong 12 chính sách thì chính sách cuối cùng dành cho đối tượng lao động tự do được giao cho địa phương căn cứ vào khả năng cân đối và đặc thù của từng địa phương để ban hành.
Tuy nhiên, thực tế là một số địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc nguồn kinh phí hạn chế do dùng vào phòng chống dịch, hoặc nguồn kinh phí dự trữ hết nên không ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do… nên một số lao động không nhận được.
Bộ LĐTB&XH đã làm việc với địa phương, yêu cầu khẩn trương chi trả theo danh sách đã được phê duyệt. Nếu kinh phí thiếu, cần lập dự toán để đề nghị Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ có thể bổ sung nguồn kinh phí cho địa phương, làm sao tất cả đối tượng đều có thể nhận được hỗ trợ.