Theo đó, đồng tiền được luân chuyển đúng nơi, đúng chỗ, tạo những những giá trị mới cho những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo.
Chia sẻ nguồn lực cộng đồng
Nếu theo đúng kế hoạch, tháng 3 tới, New Era Energy sẽ giới thiệu quá trình token của Công ty ra công chúng, hay còn được gọi là ICO. Một khái niệm rất nóng trong thời gian gần đây, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ. Cuối năm ngoái, Kyber Network (Singapore) với sự sáng lập của người Việt đã huy động được 52 triệu USD cho kế hoạch xây dựng “Mạng giao dịch phi tập trung” của mình. Về cơ bản, đây là mô hình giúp khách hàng có thể trao đổi các đồng tiền mã hóa hoặc các token với nhau ngay lập tức mà không phải giao dịch qua sàn như hiện nay. Tất nhiên, trong tương lai, chưa rõ sản phẩm này sẽ có giá trị như thế nào, nhưng ít nhất trong hiện tại, thương vụ này được xếp vào top 10 các startup huy động vốn bằng tiền ảo về mặt giá trị (tất nhiên chưa rõ ràng về mặt sản phẩm).
Với ICO, nhiều người giật mình vì tiền thiên hạ còn nhiều quá. Hoạt động gọi vốn cộng đồng ngày nay dường như quá dễ dàng, mà chúng ta lại quên bẵng đi những mô hình gọi vốn cộng đồng đã từng làm mưa làm gió thị trường trước đây. FundYourselfNow tự nhận mình là một nền tảng gọi vốn cộng đồng phiên bản 2.0 của một cái tên nổi tiếng Kickstarter. Theo lời tự bạch, nền tảng này hỗ trợ người dùng tự sáng tạo và có nhiều tùy chọn gọi vốn cho cả ICO lẫn không ICO. “Chúng tôi cung cấp sự giúp đỡ cho những người muốn huy động vốn cho các dự án mà họ đam mê và tạo ra những ý tưởng tuyệt vời”. Ý tưởng này hoàn toàn giống với Kickstarter, nhưng thực hiện hoàn toàn khác so với giai đoạn trước đây.
Thực tế, huy động vốn cộng đồng trong nhiều năm gần đây dựa vào nền tảng internet đã phát triển cực thịnh, trong đó có những cái tên như Kickstarter, Indiegogo, GoFundMe hay CircleUp. Những nền tảng này có thể được xem như là một chợ giao dịch, nơi người có nhu cầu đem dự án của mình lên để “rao”, đặt một con số huy động và kỳ vọng mọi người ở khắp nơi chuyển tiền về.
Gọi vốn cộng đồng ở Việt Nam bắt đầu ghi dấu ấn vào năm 2014. Thời điểm đó, Long Thần Tướng được đánh giá là dự án gây quỹ cộng đồng cho việc xuất bản truyện tranh đầu tiên và thành công về mặt huy động vốn (mốc 300 triệu đồng). Bên cạnh đó, giới công nghệ cũng chú ý đến việc “niêm yết” sản phẩm Misfit Shine (thiết bị đeo tay theo dõi sức khỏe lên nền tảng gọi vốn cộng đồng Indiegogo, là bước đi đầu tiên giúp Misfit ghi dấu ấn thương hiệu và gọi vốn thêm từ các quỹ đầu tư sau này.
Thống kê của Kickstarter cho biết, năm 2016, tổng lượng huy động vốn là hơn 658 triệu USD cho các ý tưởng mới trải rộng trong tất cả mọi lĩnh vực. Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Massolution, ngành công nghiệp gây quỹ cộng đồng trên toàn cầu đã thu về được khoảng 34,4 tỉ USD vào cuối năm 2015. Hiện trên thế giới có đến hơn 2.000 quỹ cộng đồng đang hoạt động.
Chế độ tưởng thưởng
Trong một sự kiện về Blockchain mới đây, Alex Phạm, đồng sáng lập dự án New Era Energy, đã chia sẻ về mô hình “tưởng thưởng” cho nhà đầu tư “thương” Trái đất. Cụ thể, họ sẽ được thưởng những token cho việc sử dụng ly giấy thay cho ly nhựa (vì khó phân hủy). Token này được chứng nhận là “giảm phát thải” cho Trái đất theo quy định và tiêu chuẩn của Liên hiệp Quốc. Sau đó, người dùng tích lũy đủ sẽ kiếm thêm tiền từ việc tăng giá đồng tiền của New Era và giao dịch trên sàn mua bán.
Tiền bạc cá nhân là thứ khó chia sẻ, nhưng người ta sẵn sàng cho đi đồng tiền để tạo niềm vui hoặc tìm kiếm một thứ gì đó để đáp trả lại. Hoạt động gọi vốn cộng đồng xuất phát từ ý tưởng kết nối như thế.
Ban đầu, gọi vốn cộng đồng xuất phát từ việc gọi vốn phát hành cho đĩa CD mới của một ban nhạc, người góp vốn sẽ được trả bằng chính những sản phẩm mới đó, hoặc được mua rẻ, hoặc sở hữu những phiên bản đặc biệt, giới hạn. Nhưng ngày nay, con người thích nhiều hơn thế, có người thích trả bằng sản phẩm, nhưng cũng có những người thích trả bằng tiền mặt.
Cũng có những người góp tiền lại đòi đổi lấy cổ phần, là chính cổ đông của công ty trong giai đoạn đầu phát triển, nhưng số lượng này không nhiều và thường những “cá mập” tìm kiếm đầu tư vốn cổ phần là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Cũng có một nhóm khác huy động vốn với mô hình cho vay ngang hàng.
Trong mô hình này, người cho vay kiếm tiền lãi từ các khoản vay không có bảo đảm, còn các nhà trung gian thì lấy phí. Năm 2013, Google đầu tư 125 triệu USD vào mô hình Lending Club (Mỹ). Mặc dù mô hình này khá thịnh hành, nhưng cũng giống như những quỹ đầu tư cá mập, việc đầu tư này không dành cho số đông vì rủi ro của nó quá lớn và nhà đầu tư cá nhân không đủ thông tin để thẩm định các khoản vay, niềm tin được đặt vào các nền tảng trung gian, vốn thu thập dữ liệu quá khứ từ nhiều nguồn để đánh giá mức độ an toàn của khoản vay.
Hãy trở lại với phần đông người không có nhiều kiến thức về tài chính đầu tư, điều họ thấy là họ yêu thích sản phẩm đó, muốn sử dụng đầu tiên, hoặc trả bằng thứ gì đó, thế là đủ để “xuống tiền”. Ðây cũng chính là điểm mà ICO đang thu hút nhiều người tham gia, đó là mức độ sinh lời của nó. Năm 2016, chỉ có 64 thương vụ ICO với số vốn103 triệu USD thì đến năm 2017, số vốn huy động được là gần 6,4 tỉ USD. Vài dự án có thể điểm tên là Filecoin (257 triệu USD), Tezos (236 triệu USD), EOS (200 triệu USD), Bancor (153 triệu USD) hay Paragon (120 triệu USD). ICO đã vượt trội so với hình thức gọi vốn cộng đồng khác.
Hoạt động gọi vốn cộng đồng cho phép mọi người trên khắp thế giới tự mình trở thành “nhà đầu tư”. Và việc gây quỹ phụ thuộc lớn vào cách thức tiếp thị. Một số chiến dịch tiếp thị tốt dễ làm tăng số tiền gây quỹ, hẳn nhiên, vì nhà đầu tư cho rằng họ có tiềm năng, tin vào con người, đội ngũ phát triển sản phẩm. Ðiều mà nhà đầu tư cần là niềm tin và những gì hào nhoáng bên ngoài dễ tạo ra niềm tin ban đầu