Diễn biến mới xung quanh cuộc xung đột Ukraine liên tiếp xuất hiện. Đó không chỉ là tình hình chiến sự trên thực địa mà còn cả các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại giao của các bên liên quan nhằm vào nhau. Đặc biệt, đây đều là những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Rystad Energy, một công ty kinh doanh và nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng, cảnh báo rằng nếu các nước phương Tây thực hiện các bước khác nhằm cấm vận dầu của Nga, giá có thể vọt lên 240 USD/thùng vào mùa hè này. Động thái như vậy (cấm vận dầu mỏ Nga mạnh hơn), có thể gây ra thiếu hụt 4,3 triệu thùng dầu/ngày và khó có thể nhanh chóng bù đắp.
"Với vai trò quan trọng của nền kinh tế Nga trong việc cung cấp năng lượng toàn cầu, nền kinh tế có thể sớm phải đối mặt với một trong những cú sốc năng lượng lớn nhất từ từ trước tới nay", Goldman Sachs nói và cảnh báo rằng hậu quả của cú sốc này cũng "có khả năng rất lớn".
Theo Goldman Sachs, cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể khiến 3 triệu thùng dầu xuất khẩu của Nga bị ảnh hưởng mỗi ngày. Nếu tình trạng này kéo dài, nó sẽ là một trong những cú sốc tồi tệ nhất kể từ Thế chiến 2, chỉ sau động thái cấm vận dầu mỏ ở Ả Rập năm 1973, Cách mạng Iran năm 1978, Chiến tranh Iran-Iraq năm 1980 và Chiến tranh Iraq-Kuwait vào năm 1990.
Vấn đề là sẽ không có cách nào để khắc phục dễ dàng lượng dầu sụt giảm từ Nga. Ngay cả khi các nước giải phóng kho dự trữ năng lượng khẩn cấp, OPEC nâng sản lượng và cả việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela, cuộc khủng hoảng này cũng khó mà được khắc phục. Có lẽ mọi sự sẽ chỉ trở lại bình thường khi giá dầu lên quá cao và người ta phải hạn chế sử dụng thứ nhiên liệu này.
Nói cách khác, thế giới sẽ buộc phải sử dụng ít dầu hơn. Nhưng điều này sẽ gây những thiệt hại nặng nề cho các nền kinh tế khi có ít phương tiện đi lại hơn, ít chuyến bay hơn và các sản phẩm như nhựa cũng thiếu hụt khi nguyên liệu làm ra chúng, dầu mỏ, ít đi.
Mỹ là quốc gia khai thác dầu nhiều nhất thế giới. Sản lượng dầu dự kiến của Mỹ sẽ tăng đáng kể để hạ nhiệt giá dầu. Tuy nhiên, điều này hiện đang bị chậm lại khi chính sách năng lượng sạch của Mỹ không khuyến khích các công ty khai thác dầu gia tăng hoạt động.
"Ban đầu, nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ cũng chỉ có thể đóng góp khiêm tốn vào việc gia tăng sản lượng. Các nhà sản xuất cần thời gian để mở các giếng dầu mới và khai thác thứ vàng đen này. Bên cạnh đó, bản thân họ cũng đang tỏ ra thận trọng trong lĩnh vực này", Goldman Sachs nói.
Kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã tuyên bố thúc đẩy năng lượng sạch đồng thời giảm sản lượng khai thác dầu mỏ của Mỹ, điều trái ngược hoàn toàn so với chính phủ tiền nhiệm. Động thái này đã khiến giá dầu gia tăng đồng thời khiến Mỹ trở nên phụ thuộc hơn vào dầu nhập khẩu từ nước ngoài. Việc Mỹ cấm vận dầu Nga đã nhanh chóng gây tác động lên thị trường.
Tuy nhiên, những thông tin mới về tình hình ở Ukraine, bao gồm hy vọng về những giải pháp hòa bình hoặc ngừng xung đột, đã khiến giá dầu Brent giảm xuống còn hơn 110 USD/thùng.