UBND quận 3 đang được chọn để thực hiện ý tưởng về việc gom dân từ các chung cư cũ nhỏ cần xây mới về một mối . Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Minh Long, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3, cho biết: “Tất cả còn trong quá trình chuẩn bị, có rất nhiều vấn đề phải giải quyết, đây mới chỉ là bước khởi đầu về mặt ý tưởng. Chúng tôi sẽ họp dân cư của các chung cư cũ nhỏ trên địa bàn để lấy ý kiến người dân về việc này”.
Từ thực tế khó xây lại chung cư cũ
Trên địa bàn quận 3 hiện có 49 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Phần lớn các chung cư có diện tích khu đất rất nhỏ (13 chung cư có diện tích dưới 500 m2, 15 chung cư diện tích dưới 1.000 m2…). Với cư dân tại các chung cư cũ nhỏ cần cải tạo, quận dự tính sẽ gom về một nơi có diện tích lớn hơn trên địa bàn, xây chung cư mới tại đó để tái định cư.
“Như ý tưởng thì sẽ gom chín chung cư cũ, nhỏ, thậm chí rất nhỏ (có chung cư chỉ 300 m2) về dự án xây dựng khu dân cư - trung tâm thương mại Lê Văn Sỹ. Các chung cư còn lại cũng sẽ chuyển người dân về ở khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật” - ông Long chia sẻ.
Việc hình thành ý tưởng này xuất phát từ thực tế địa bàn quận có nhiều chung cư cũ có diện tích quá nhỏ. Việc cải tạo hay xây dựng lại không khả thi vì một số vướng mắc, đơn cử như vướng về lộ giới.
Một số chung cư rất nhỏ trên địa bàn quận như chung cư ở hẻm số 16 đường Nguyễn Thiện Thuật hay số 72 Trương Quyền. Chung cư hẻm 16 đường Nguyễn Thiện Thuật chỉ khoảng 5-6 tầng, tổng diện tích quá nhỏ, nhìn ngoài không khác gì một ngôi nhà riêng cỡ lớn. Thêm nữa, việc nằm trong hẻm lộ giới hẹp nên nếu cải tạo hay xây dựng mới cũng rất khó triển khai.
UBND quận 3 hy vọng với cách làm này sẽ vừa đảm bảo yêu cầu tái định cư tại chỗ cho người dân quận 3, về phía Nhà nước thì đảm bảo nhu cầu chỉnh trang đô thị.
Cụm chung cư Nguyễn Thiện Thuật thích hợp để gom các chung cư nhỏ về vì quỹ đất ở đây còn rộng. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Phải được 100% người dân đồng ý
Dù đã được TP cho phép thí điểm triển khai nhưng chính quyền quận 3 cho rằng để từ ý tưởng thành hiện thực cần sự đồng thuận rất lớn của người dân.
“Theo Luật Nhà ở, muốn thực hiện được việc này phải họp hội nghị nhà chung cư và phải đạt được sự đồng thuận của 100% người dân tại đó thì mới có thể tháo dỡ chung cư cũ và chuyển đến chỗ mới được. Ngoài ra, việc liên kết với các dự án khác như khu dân cư Lê Văn Sỹ hay cụm chung cư Nguyễn Thiện Thuật thì cần xem lại quy hoạch nơi đó có cần điều chỉnh không” - ông Long phân tích.
Ở vị trí các chung cư cũ, nếu người dân đồng ý chuyển đi nơi khác thì cơ quan chức năng sẽ tính đến các phương án kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các mục đích khác trong phát triển đô thị. Cụ thể làm gì thì đến thời điểm triển khai mới có thể xem xét.
Đánh giá về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng đây là một ý tưởng rất hay và nên được triển khai vì đa phần người dân muốn có chỗ ở mới tốt hơn.
“Trong việc tái định cư thì ưu tiên nhất vẫn là tái định cư tại chỗ, tiếp theo là cùng khu vực (ví dụ cùng quận) rồi mới đến địa phương khác. Phương án thí điểm của quận 3 vẫn là tái định cư trong quận nên rất đáng để xem xét. Thêm nữa, việc điều chỉnh quy hoạch ở nơi mới như Lê Văn Sỹ hay cụm chung cư Nguyễn Thiện Thuật cũng thuận lợi vì quỹ đất ở những nơi này còn rộng” - ông Châu nhận định.
Liên quan đến ý tưởng này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết trong Hội nghị xúc tiến đầu tư TP.HCM (hồi tháng 5), vấn đề khó khăn khi xây lại các chung cư nhỏ trên địa bàn TP đã được đưa ra. Theo đó, nhà đầu tư không hứng thú và khó đảm bảo các chỉ tiêu quy hoạch.
“Vì vậy, TP giao quận 3 thí điểm gom các chung cư cũ về một mối và kêu gọi nhà đầu tư xây dựng chung cư tại khu mới đó. Các vị trí chung cư cũ sẽ có thể làm trung tâm thương mại, dịch vụ… Nếu quận 3 làm thành công thì sẽ nhân rộng mô hình cho các quận, huyện khác và sẽ giải quyết được bài toán cải tạo các chung cư cũ, nhỏ” - ông Tuyến nhận định.
TP.HCM hiện có 474 chung cư cũ với 574 lô được xây dựng trước năm 1975. Kết quả kiểm định do UBND quận, huyện thực hiện đã phân loại như sau: Chung cư cấp A: Không có; chung cư cấp B: Có 327 chung cư, chiếm 69%; chung cư cấp C: Có 115 chung cư, chiếm 24,3%; chung cư cấp D (chung cư xuống cấp nhất, nguy hiểm, cần phải di dời): Có 15 chung cư, chiếm 3,2%. Trong đó có năm chung cư thuộc diện nguy hiểm, phải di dời, phá dỡ khẩn cấp.
|