Vào cuối năm 2017, hơn 1 triệu mét vuông các cơ sở văn phòng Google đã đạt được chứng nhận LEED (dẫn đầu trong thiết kế năng lượng và môi trường). Cụ thể, 28% cảnh quan Google được xếp hạng Bạch kim và 56% xếp hạng Vàng.
Một trong những ưu tiên hàng đầu của Google khi xây dựng môi trường làm việc là giảm thiểu tác động đến môi trường từ việc sản xuất thực phẩm trong các quán cà phê cho nhân viên. Họ tập trung vào việc giảm các chất thải và tiết kiệm lương thực, bằng cách cắt giảm mua quá mức và chế biến các nguyên liệu còn thừa để làm món ăn mới.
Vào tháng 4 năm 2014, Google đã hợp thức hóa nỗ lực này bằng cách hợp tác với LeanPath, một công nghệ cung cấp thông tin chính xác cách thức và lý do thực phẩm bị lãng phí để cải thiện quy trình chế biến thực phẩm hiệu quả. Google thường xuyên trình chiếu trên màn hình treo tại cafe lượng đồ ăn bị lãng phí bởi chính nhân viên của họ, để mỗi người tự có ý thức tiết kiệm đồ ăn hơn.
Google tham gia một chương trình có tên Chấm dứt nạn đói (Chefs to End Hunger), gửi thực phẩm chưa qua sử dụng đến cho người vô gia cư. Thông qua chương trình này, họ đóng góp khoảng nửa tấn thực phẩm mỗi tuần từ hơn 40 quán cà phê Google đến với người vô gia cư.
Google hợp tác với Liên Hợp Quốc về mục tiêu giảm một nửa chất thải thực phẩm toàn cầu vào năm 2030, tạo ra các hệ thống thực phẩm bền vững và có khả năng phục hồi cho tất cả mọi người trên hành tinh.
Năm 2017, trụ sở Google đã tránh lãng phí được 1 nghìn tấn thức ăn, giảm thiểu tiêu thụ 15% lượng nước sạch, tương đương tiết kiệm được hơn 109 triệu lít nước uống, đạt 78% tỷ lệ phân loại rác ở các văn phòng trên toàn cầu, giảm 4% rác thải chôn lấp của mỗi nhân viên Google tại khu vực trụ sở chính.
Đưa đón nhân viên bằng xe bus công ty giúp Google cắt giảm được hơn 33.000 tấn khí thải CO2, tương đương với việc giảm được lượng khí thải do 6.500 xe hơi phát ra mỗi ngày trong một năm. Google đặt mục tiêu trong tương lai, nhân viên của họ sẽ chuyển sang di chuyển bằng xe con thoi, đi chung xe, phương tiện công cộng, đi xe đạp và đi bộ.
Tại trụ sở Hoa Kỳ, Google đã cài đặt hơn 2.000 cổng sạc xe điện tại các văn phòng để nhân viên Google có thể di chuyển bằng xe điện. Họ thậm chí còn tổ chức Ngày môi trường Google (Google Environment Day), mời các nhà lãnh đạo và diễn giả để cung cấp thông tin về xu hướng mới nhất, thành tựu và thách thức liên quan đến tính bền vững, để nhân viên hiểu được tầm quan trọng của phát triển bền vững.
Cơ sở hạ tầng của Google đòi hỏi một diện tích rất lớn, chương trình sinh thái Google (Google’s Ecology Program) tập trung vào việc mở rộng môi trường sống thân thiện với tự nhiên, tạo ra những cảnh quan đa dạng có thể chịu được áp lực của biến đổi khí hậu và khôi phục nhiều chức năng sinh thái bị mất khi phát triển các công viên văn phòng. Đồng thời, công ty cũng muốn cải thiện khả năng tiếp cận thiên nhiên cho nhân viên Google và cộng đồng xung quanh.
Năm 2013, Google bắt đầu thực hiện dự án sinh thái đô thị lớn đầu tiên với một hệ thống đường dành cho xe đạp và người đi bộ được lên kế hoạch trong khuôn viên Mountain View với cái tên Green Loop, kết hợp khoa học tiên tiến và dữ liệu để tạo ra một cảnh quan phong phú với tiềm năng sinh thái. Tổng cộng, Google đã trồng 1,4 mẫu thực vật bản địa, cải thiện môi trường sống cho chim và động vật hoang dã khác.