Tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, GS. TS Lê Minh Tâm - nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định một cách toàn diện, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa được đề cập đến.
Về vấn đề Nhà nước thu hồi đất, ông Tâm bày tỏ cơ bản nhất trí với quy định về những trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, cần có quy định rõ hơn về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ cho việc thu hồi và bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và kiểm tra giám sát của nhân dân.
Đối với những trường hợp Nhà nước thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại, GS.TS Lê Minh Tâm kiến nghị cần có sự phân biệt từng trường hợp cụ thể để có những quy định phù hợp, bởi đây là những trường hợp tương đối nhạy cảm, dễ bị lợi dụng, dễ gây ra sự bức xúc, bất bình, phản đối, khiếu kiện của người dân và cộng đồng dân cư có lợi ích liên quan.
GS. TS Lê Minh Tâm - nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ông Tâm cho rằng: "Cân nhắc thận trọng, bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và người quản lý, trên cơ sở bảo đảm đoàn kết, đồng thuận".
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng nêu ý kiến nên quy định theo hướng khuyến khích nhà đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Hạn chế tối đa việc thu hồi đất cho các mục đích trên bằng phương pháp hành chính.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai Đại học Luật cũng cho rằng, không thể thu hồi đất của tất cả người dân bằng mệnh lệnh hành chính mà cần có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất. Nếu dự án nào thực sự vì mục đích công cộng, vì quốc phòng an ninh thì Nhà nước phải thu hồi bằng cơ chế hành chính. Còn đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ về mặt tài chính thì cần thỏa thuận với đối tượng bị thu hồi đất theo cơ chế thị trường.
Bà Nga cũng nhấn mạnh việc đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư trong việc thu hồi đất. “Nhiều doanh nghiệp sau khi đã đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng trên đất nhưng sau đó địa phương thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất khiến doanh nghiệp bị thu hồi phần đất đang sử dụng và gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích đầu tư, kinh doanh”, bà Nga nêu.
Theo bà Nga, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quan tâm bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước cũng như của các nhà đầu tư.
Để khắc phục tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Thị Nga cho rằng trước hết cần làm tốt khâu quy hoạch ngay từ đầu trong đó nghiên cứu dành quỹ đất ổn định, lâu dài cho việc phát triển các hoạt động kinh doanh, đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng bị thu hồi đất do thay đổi quy hoạch.
“Đối với các doanh nghiệp mà bị thu hồi đất vì bị thay đổi quy hoạch, làm dự án phát triển, khu công nghiệp thì những đối tượng đó cần được ưu tiên tiếp tục sử dụng phần đất đó nếu doanh nghiệp có đủ năng lực, có nhu cầu và sẵn sàng chuyển đổi mục đích đầu tư thay vì mời gọi chủ thể khác vào sử dụng phần đất đó”, bà Nga đề xuất.