Vậy là 1 thập niên nữa của thế kỷ 21 đã trôi qua. 10 năm thăng trầm chìm nổi, các thuyền trưởng doanh nhân đã lèo lái con thuyền của mình ra sao trên thương trường đầy sóng gió - ai vững tay chèo, ai từng lạc lối?
Ôn cố tri tân, hãy cùng chúng tôi lần giở lại từng trang hồi ký về các doanh nghiệp đáng chú ý nhất trong 10 năm qua với series "THẬP KỶ THƯƠNG TRƯỜNG" - Câu chuyện kinh doanh nổi bật nhất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chúng tôi hi vọng series này sẽ là một món quà cuối năm ý nghĩa dành tặng đông đảo quý độc giả yêu mến CafeBiz, như slogan của chúng tôi: "Kinh doanh tốt hơn, Cuộc sống đẹp hơn" - "BETTER BUSINESS – BETTER LIFE".
"Anh em đi theo tôi vì họ biết rằng, tôi kiếm được 10 đồng thì họ cũng được 7 đồng!", trở thành câu tuyên ngôn gây sốt trên truyền thông cách đây hơn 3 năm của doanh nhân Nguyễn Bá Dương - Nhà sáng lập CTCP Xây dựng Coteccons. Năm 2017 cũng là năm đỉnh cao trong lịch sử kinh doanh của doanh nghiệp này, vốn được coi là "ông trùm" ngành xây lắp Việt Nam.
Coteccons vốn đã có một thập niên rực rỡ cho tới thời điểm đó, nhưng thế sự xoay vần quá nhanh - chỉ trong 3 năm cuối thập niên này, đã có rất nhiều biến cố diễn ra đối với cả Coteccons và cá nhân ông Dương, khiến nhiều người trong và ngoài cuộc đều bất ngờ.
NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐẦU TIÊN
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons có tiền thân là Bộ phận Khối Xây lắp thuộc Công ty Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng – Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 – thuộc Bộ Xây dựng.
Ngày 24/08/2004, doanh nghiệp này chính thức được thành lập, hoạt động theo mô hình cổ phần hoá với vốn điều lệ ban đầu là 15,2 tỷ đồng, được dẫn dắt bởi kiến trúc sư xây dựng Nguyễn Bá Dương.
Ông Dương sinh năm 1959. Những năm 1985-1988, ông bắt đầu làm việc tại viện Xây dựng Công Nghiệp trực thuộc Bộ Xây Dựng. Giai đoạn 1990-2002, ông làm việc tại công ty công nghiệp nhẹ số 2-DESCON là lên tới vị trí Phó Giám Đốc Công ty Xây dựng DESCON. Đây là những bước tiền đề đầu tiên để đến tháng 8/2004, ông Dương trở thành Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons.
Ngày 09/12/2009, cổ phiếu Coteccons chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với mã là CTD. Từ một công ty có vốn điều lệ hơn 15 tỷ đồng, Coteccons nâng vốn điều lệ lên 184,5 tỷ đồng. Cổ phiếu CTD có giá tham chiếu chào sàn là 95.000 đồng.
Sau khi chào sàn HSX, từ năm 2010 Coteccons bắt đầu nhận được những hợp đồng lớn trong nước như: Dự án The Ocean Villas (360 tỷ đồng), Tổ hợp khách sạn cao cấp 5 sao và văn phòng hạng A Le Meridien, Indochina Plaza Hanoi (417 tỷ đồng), Dự án khu căn hộ cao cấp City Garden (953 tỷ đồng), dự án Hồ Tràm Strip trị giá 3.200 tỷ đồng, dự án Khu căn hộ Thăng Long Number One trị giá gần 600 tỷ đồng,…
Bên cạnh các dự án trong nước, thời điểm này Coteccons cũng mở rộng ra thị trường nước ngoài với các công trình tại Lào và Campuchia, đánh dấu bước tiến của Coteccons trên thị trường các nước Đông Dương. Nhờ có trong tay nhiều hợp đồng với những doanh nghiệp lớn, Coteccons trở thành nhà thầu chính, ông lớn trong ngành xây dựng.
CÚ BẮT TAY DUYÊN NỢ
Năm 2011, thị trường bất động sản bắt đầu gặp khó kéo theo khó khăn của ngành xây dựng. Tháng 12/2011, tại một buổi hội nghị giữa một số công ty xây dựng lớn, ông Dương nhấn mạnh rằng: "Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cùng đồng hành với nhau, cùng đi với nhau lâu dài. Đây mới là thành công".
Theo ông, sự liên kết giữa các công ty với nhau trong giai đoạn này là quyết định sống còn. Bởi khi có liên kết thì các bên mới có thể khai thác thông tin nhanh chóng và biết được thực sự dự án có tiền hay không, chủ đầu tư có khả năng chi trả/ có khả năng bán được hàng. "Đi đòi tiền khổ lắm, không đơn giản", ông Dương chia sẻ về bối cảnh của nhà thầu chính giai đoạn này.
Một điều đáng chú ý với Coteccons dù doanh số ngày càng lớn qua các năm, nhưng nợ vay của CotecCons lại "bằng 0". Các khoản nợ ngắn hạn của CotecCons đến thời điểm đó chủ yếu là các khoản mua hàng trả chậm và khoản ứng trước của khách hàng. Quan điểm của ông Nguyễn Bá Dương là không dùng nợ vay vì "không muốn làm việc không công cho các ngân hàng". Coteccons một mực không dùng đòn bẩy tài chính.
Mặt khác trong giai đoạn 2009-2011, doanh thu Coteccons đã tăng nhanh từ khoảng 2.000 tỷ đồng (năm 2009) lên 3.300 tỷ đồng (năm 2010) và khoảng 4.500 tỷ đồng (năm 2011), nhưng lợi nhuận lại chưa đến 250 tỷ đồng trong suốt thời gian này. Trước sức ép thị trường thầu xây dựng từ các công ty nước ngoài áp đảo, Coteccons buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh.
Năm 2012, khi thị trường bất động sản nằm trong tâm xoáy khủng hoảng, Cotecons đã chấp nhận bán 24,7% cổ phần cho nhà đầu tư quốc tế Kusto Group với giá 50.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt 525 tỉ đồng (tương đương 25 triệu USD). Cùng với lợi nhuận tích lũy, Coteccons nắm trong tay hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt.
Sự xuất hiện của Kusto đã đánh dấu bước chuyển đổi mô hình mới của Coteccons. Theo ông Dương, sau thương vụ này, công ty hướng đến 2 mục tiêu: Mở rộng mô hình kinh doanh và Hợp nhất các công ty con.
Về chiến lược của công ty này đi theo 3 hướng:
Một là tiếp tục xây dựng công trình dân dụng với kinh nghiệm sẵn có, nhằm tạo dòng tiền ổn định.
Hai là trong 3-5 năm tới sẽ tham gia các dự án bất động sản mang lại lợi nhuận cao.
Cuối cùng là phát triển qua mảng xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà máy, đường sá, cầu cống, công trình cấp thoát nước, với doanh thu ổn định.
PHI NƯỚC KIỆU
Lịch sử đã chứng minh quyết định của Coteccons lúc bấy giờ là đúng đắn. Coteccons đã tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2012-2018 với tốc độ tăng doanh số bình quân vào khoảng 33%/năm, trong khi các đối thủ khác vì mãi loay hoay trong bài toán tài chính của mình.
Một sự khác biệt trong cách quản trị tài chính và tư duy chiến lược đã giúp Coteccons tạo lập một vị thế mới. Hiệu quả quản lý của CotecCons ở mức rất cao. Các chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) có thời điểm lên đến 12% và 22%.
Năm 2016 ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty từng dự đoán doanh số của Coteccons có thể sẽ chạm ngưỡng 20.000 tỷ đồng trong năm này và thực tế con số này đạt mức 20.782 tỷ đồng .
Đỉnh cao về doanh thu của CotecCons đã chạm mức 28.560 tỷ đồng vào năm 2018. Cũng năm này lợi nhuận sau thuế đạt 1510 tỷ đồng. Mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của Coteccons cực kỳ ấn tượng khi 2 năm liên tiếp ở mức 94-105% so với năm trước đó.
Đặc điểm nổi bật của trong hoạt động kinh doanh của CotecCons là dù doanh thu tăng mạnh nhưng các khoản phải thu và hàng tồn kho lại không tăng đáng kể. Số ngày phải thu tiền của CotecCons liên tục cải thiện từ mức 104,83 ngày từ năm 2012, xuống còn 63,55 ngày trong năm 2015 và tiếp tục giảm xuống mức 26,15 ngày trong 9 tháng đầu năm 2016. Điều này cho thấy tiến độ thi công dự án và thu hồi vốn rất nhanh, đồng thời thể hiện năng lực đấu thầu và giá trị uy tín của CotecCons.
Để làm được điều này, nhiều quan điểm cho rằng Coteccons rất khó tính và thậm chí có phần rất "chảnh" khi nhận dự án. Thế nhưng, theo ông Dương, "Đó thực ra chính là cái lưới, sàng lọc bớt những gì không mang lại hiệu quả hoặc có thể làm cho mình bị mất uy tín."
Cũng chính vì tiêu chuẩn cao này giúp Conteccons nhận được sự tín nhiệm của nhiều tập đoàn lớn, trong đó có Vingroup. Công ty này có được hợp đồng thi công của rất nhiều đại dự án đang được thi công như Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí Vân Đồn (1.100 tỷ đồng), The Sapphire Residence Hạ Long (1.200 tỷ đồng), Premier Village Hạ Long (1.100 tỷ đồng), Hilton Hạ Long (2.300 tỷ đồng), nhà máy sản xuất ô tô Vinfast (3.500 tỷ đồng), khách sạn Pullman Hải Phòng (1.600 tỷ đồng), Vinhomes Imperia (1.000 tỷ đồng), Vincom Bắc Ninh (1.200 tỷ đồng), D’Capitale (4.800 tỷ đồng), Vinhomes Metropolis (3.000 tỷ), The Manor Central Park (2.000 tỷ)…
Dự án ghi dấu nhất trong quãng thời gian này của Coteccons là tòa Landmark 81 . Tòa nhà này xác lập kỳ tích là tòa tháp có độ cao 461,2 m – cao nhất Việt Nam, vượt tòa tháp đôi ở Malaysia và đứng top 17 thế giới. Phần kiến trúc của dự án do Tập đoàn Atkins thiết kế, kết cấu tòa nhà do Arup phát triển, phần thiết kế cơ điện được thực hiện bởi Aurecon và nhà thầu xây dựng trong nước là Coteccons.
Đúng như chiến lược khi có Kusto gia nhập, tháng 8/2017 Coteccons đã quyết định nâng vốn điều lệ của Công ty TNHH Covestcons lên 1.872 tỷ đồng để tham gia thị trường bất động sản. Mục đích tăng vốn là nhằm đầu tư vào các dự án tiềm năng. Coteccons đang từng bước thực hiện kế hoạch "chơi lớn" ở mảng đầu tư kinh doanh BĐS, chứ không còn đi làm thuê cho các ông chủ dự án.
CÚ NGÃ VÌ "GÓT CHÂN A-SIN"
Sự thăng hoa trong kết quả kinh doanh của Coteccons thúc đẩy giá cổ phiếu CTD tỏa sáng ấn tượng. Nếu như giai đoạn 2011 giá cổ phiếu có thời điểm 28.000 đồng thì đến năm 2017 có lúc giá cổ phiếu đạt đỉnh hơn 245.000 đồng, tăng gần 9 lần. Coteccons là một trong những doanh nghiệp thường xuyên lọt top những doanh nghiệp đạt EPS cao nhất thị trường.
Thế nhưng cũng từ năm 2018, mối quan hệ giữa Coteccons và Kusto chuyển từ đối tác chuyển sang đối đầu trực diện và xung đột được đẩy lên cao trào trước mỗi kỳ đại hội cổ đông. Kể từ đó, giá cổ phiếu CTD cũng lao dốc, có thời điểm chỉ còn 1/5 so với thời kỳ đỉnh cao.
Là cổ đông lớn, phía Kusto muốn yêu cầu tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường liên quan đến việc "tố" Ban lãnh đạo Coteccons vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp.
Sau Kusto, một cổ đông tổ chức khác là The 8th Pte cũng yêu cầu bổ sung nội dung bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT Coteccons trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên. The 8th cho rằng kết quả hoạt động của Coteccons thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng thực sự của Coteccons và giá cổ phiếu thể hiện cơ hội đầu tư giá trị rất tốt cho các nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn.
"Vấn đề lớn nhất hiện đang làm xói mòn Coteccons là vấn đề về quản trị doanh nghiệp. Một số công ty chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam đã nêu rõ vấn đề xung đột lợi ích và các giao dịch của các bên có liên quan tại Coteccons là cơ sở cho khuyến nghị "Bán" cổ phiếu Coteccons trong năm 2019", The8th cho biết.
Các cổ đông lớn này cho rằng nhiều lợi ích đáng ra thuộc về Coteccons đang bị mất vào tay các công ty khác trong cái được gọi là "Coteccons Group" là những công ty có cổ phần của một số người trong ban lãnh đạo hiện nay của Coteccons. Vấn đề này có thể được giải quyết khi Coteccons có một đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, không có bất kỳ xung đột lợi ích nào và hoạt động minh bạch.
Ở chiều ngược lại, ban lãnh đạo Coteccons cũng có những đáp trả cứng rắn trên truyền thông khi cho rằng những cáo buộc của Kusto là vô căn cứ và đặt ra nghi vấn nhóm này đang cấu kết với các cổ đông ngoại khác để tìm cách bãi nhiệm những người sáng lập Coteccons nhằm hoàn tất quá trình thâu tóm.
Thậm chí, ban điều hành Coteccons còn tuyên bố "Kusto đã và đang đi ngược những cam kết ban đầu trong việc phát triển Coteccons,… nhiều lần phủ quyết những nghị quyết của ĐHĐCĐ được thông qua trước đó, như chính sách ESOP cho CBNV năm 2017, 2019 cũng như kế hoạch sáp nhập công ty Ricons".
Ngày 1/10/2020 ông Nguyễn Bá Dương, đã có đơn từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Coteccons và đơn từ nhiệm này đã được Hội đồng quản trị Coteccons thông qua vào ngày 5/10. Như vậy, ông Nguyễn Bá Dương rời Coteccons sau 17 năm xây dựng công ty. Sau khi từ nhiệm, ông Nguyễn Bá Dương bán hơn 1 triệu cổ phiếu Coteccons, giảm tỉ lệ sở hữu xuống dưới 5%, chính thức không còn là cổ đông lớn của công ty này.
Sau khi ông Dương ra đi, hồi giữa tháng 10 đến lượt ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam là người tiếp theo rút khỏi HĐQT Coteccons .
Chuyện lùm xùm nội bộ Coteccons còn gay cấn hơn khi Ban kiểm soát Coteccons cho rằng Ban điều hành đã không thực hiện đúng nghĩa vụ công bố thông tin đối với phần báo cáo của BKS một cách trung thực chính xác đến cổ đông.
Cụ thể BKS cho biết Tổng giám đốc Coteccons đã ký công bố thông tin về Báo cáo thường niên năm 2019, trong đó phần báo cáo của BKS đã bị thay đổi. Vị Trưởng BKS cũng tuyên bố Ban điều hành đã không công bố thông tin một cách trung thực, chính xác như quy định tại Thông tư 155 của Bộ Tài chính. Thậm chí, còn mạo danh BKS để soạn thảo toàn bộ phần báo cáo trong Báo cáo thường niên 2019.
Sự việc hiện chưa ngã ngũ, tuy nhiên tương lai của một doanh nghiệp lớn hàng đầu ngành xây dựng như Coteccons sẽ đi về đâu là điều nhiều người đặt dấu hỏi chờ đợi.