Ông Lim Yen Hock, Giám đốc Công ty TNHH Grab Taxi vừa ký văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber khu vực Đông Nam Á.
Nội dung văn bản này cho biết, ngày 26/3, sau khi Uber công bố quyết định rút khỏi Đông Nam Á, Grab đã đạt được thỏa thuận mua lại hoạt động kinh doanh của Uber trong lĩnh vực đặt xe công nghệ (kể cả xe mô tô 2 bánh), giao hàng, logictics và các hoạt động liên quan.
Tại Việt Nam, Grab sẽ tiếp nhận các mặt bằng thuê, hợp đồng và các đối tác lái xe sử dụng ứng dụng Uber. Tuy nhiên, chỉ sau khi được sự đồng ý của lái xe, Grab mới liên hệ để hướng dẫn họ đăng ký sử dụng ứng dụng.
"Grab đã có buổi làm việc với đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trên tinh thần sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Grab đã có báo cáo sơ bộ đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng", văn bản của Grab nêu.
Về số lượng xe, báo cáo của Grab cho biết, sau khi mua lại Uber, Grab đang tiếp nhận những tài xế Uber có nhu cầu chuyển sang sử dụng ứng dụng của Grab và quá trình này chưa kết thúc.
Về chế độ đối với tài xế Uber, Grab khẳng định không hỗ trợ tài chính thêm cho hợp tác xã, doanh nghiệp hay tài xế Uber chuyển qua ngoài chương trình hiện tại đang áp dụng cho các đối tác khác.
Hiện tại, Grab đã mở thêm các điểm tiếp nhận tài xế, bố trí thêm nhân sự để hướng dẫn cho tài xế nhanh nhất có thể. Công tác chuẩn bị cho đối tác về mặt giấy tờ cần thiết cũng có sự phối hợp của doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải để cùng hỗ trợ tài xế mới gia nhập.
Liên quan đến công tác đào tạo, Grab báo cáo, các nội dung đào tạo đối với tài xế chuyển qua từ Uber sẽ được giữ nguyên như tài xế mới tham gia Grab Việt Nam để đảm bảo chất lượng cho tài xế cũng như tuân thủ Quyết định 24 và Nghị định 86.
Trả lời câu hỏi liên quan đến tính pháp lý về việc mua bán - sáp nhập khi Grab thâu tóm toàn bộ khu vực Đông Nam Á, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, lo ngại về độc quyền là chính đáng.
Tuy nhiên, hiện tại không chỉ có Uber, Grab cung cấp những giải pháp công nghệ kết nối vận tải mà đang có đến cả chục doanh nghiệp, trong đó cả những hãng taxi truyền thống cũng đã bắt đầu sử dụng công nghệ để điều hành, quản lý cũng như kinh doanh vận tải khách nên không còn cạnh tranh giữa Uber và Grab thì sẽ có cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khác, không thể là độc quyền
Về quyền lợi của người lái xe Uber, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, bộ sẽ hỗ trợ tối đa người lao động trong phạm vi chức trách, "Tuy nhiên, Bộ không thể can thiệp vào hợp đồng, thỏa thuận dân sự của người lái xe với Grab và Uber", ông Đông nói.
Cũng liên quan đến vụ việc Grab thâu tóm Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh trong thời gian 30 ngày. Tại Singapore và Philippines, Grab và Uber đang được yêu cầu chưa sáp nhập để tiến hành điều tra.
Hôm 26/3, Grab Việt Nam thông báo đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á. Đổi lại, Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab.