Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết hãng vừa triển khai chương trình "90 ngày nỗ lực hoàn thiện" nhằm giải quyết những khó khăn mà cả khách hàng và tài xế gặp phải khi sử dụng ứng dụng.
Một trong những giải pháp được Grab đưa ra đó là cho phép tài xế có thể hủy chuyến trong trường hợp đã tới điểm đón mà sau 5 phút khách hàng không xuất hiện.
Việc áp dụng chính sách này của Grab khiến nhiều khách hàng lo ngại sẽ bất tiện trong một vài trường hợp.
Chị Nguyễn Thị Mai, khách hàng thường xuyên sử dụng Grab chia sẻ: "Có những lúc tôi phải chờ tài xế Grab đến cả 15-20 phút, thậm chí tài xế Grab đến muộn, tự động huỷ chuyến làm lỡ công việc của tôi, tại sao vẫn muốn tôi phải thông cảm cho tài xế? Trong khi khách hàng chậm 5 phút tài xế Grab tự động huỷ, khiến chúng tôi lúc nào cũng trong tình trạng mất chủ động. Grab đối xử như vậy không công bằng với khách hàng. Chẳng thà gọi taxi truyền thống đi luôn, vừa nhanh vừa thuận tiện, chủ động trong mọi tình huống".
Băn khoăn của chị Mai không phải không có lý khi mà mới đây, Grab cũng đề cập đến việc khách hàng huỷ 7 chuyến trong vòng 7 ngày sẽ bị phạt, trừ 10.000 đồng.
Tuy nhiên, sau đó thông tin về việc áp dụng chính sách trừ tiền khi khách hàng hủy chuyến bất ngờ "biến mất" trên website của Grab. Nếu chính sách này được áp dụng sẽ là một bất lợi cho khách hàng khi bị "o ép" đủ phía.
Trước đó, cuối tháng 3, Grab công bố mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trước thương vụ này, nhiều người dùng nghi ngại việc Grab sẽ độc chiếm thị trường "xe ôm, taxi công nghệ" trong nước bởi các hãng taxi truyền thống, ứng dụng bắt xe còn quá mới, không thể cạnh tranh.
Grab càng được hậu thuẫn hơn khi Toyota Motor Corp vừa công bố rót 1 tỷ USD vào Grab với mục đích mở rộng hợp tác ứng dụng gọi xe tại Đông Nam Á.