Chính phủ hiện đang xem xét thông qua Dự thảo Nghị định về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô để thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP. Theo Grab, doanh nghiệp cảm thấy hết sức bất ngờ và quan ngại với những nội dung và quy định trong Dự thảo mới nhất mà Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) vừa trình lên Chính phủ.
Theo Grab, Grab đóng vai trò là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng công nghệ thông tin, góp phần đưa ngành vận tải Việt Nam hòa nhập, bắt kịp với làn sóng Công nghiệp 4.0, Grab cảm thấy hết sức bất ngờ và quan ngại với những nội dung và quy định trong Dự thảo mới nhất mà Bộ GTVT vừa trình lên Chính phủ.
Grab nhận định, nổi bật nhất trong bản dự thảo là Điều 3.7 quy định: "Hợp đồng vận tải điện tử chỉ áp dụng đối với xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên."; Điều 3.2 quy định: "Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải." Điều đó có nghĩa là xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở xuống sẽ không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử, và tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải. Theo Grab, những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chính, mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Từ những kết quả khách quan không thể phủ nhận của Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử - như đã được các cấp, các ngành minh chứng và công nhận khi tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm, Grab trình bày ngọn ngành vấn đề và kiến nghị như sau:
Tháng 01/2016, Bộ GTVT ra Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ban hành Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đối với xe ô tô dưới 09 chỗ, trên cơ sở Đề án thí điểm do chính Grab đề xuất và với sự chấp thuận đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015. Grab đã hết sức vui mừng khi Ngài Thủ tướng và Bộ GTVT đều tin tưởng rằng việc ứng dụng công nghệ trong ngành vận tải là xu thế tất yếu mang tính tích cực theo hướng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân với chi phí phù hợp, đảm bảo thuận tiện, an toàn, minh bạch, chất lượng dịch vụ được nâng cao.
Thật vậy, sự ra đời và triển khai Đề án thí điểm đã mở ra một giai đoạn chưa từng có đối với ngành vận tải Việt Nam, mang lại rất nhiều lợi ích và ưu việt cho người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối, và cả cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh những kết quả hữu hình đã được Bộ GTVT thống kê và tổng kết trong các Báo cáo, Đề án thí điểm còn mang nhiều ý nghĩa lớn lao đối với ngành vận tải nói riêng và kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung, cụ thể như:
Thúc đẩy phát triển thị trường vận tải: Việc ứng dụng KHCN đã giúp tăng sức cạnh tranh cho các đơn vị vận tải vừa và nhỏ trên thị trường, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành vận tải hành khách. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khối lượng vận chuyển hành khách đạt năm 2014 và năm 2017 lần lượt là 3.000 triệu lượt hành khách (tăng 7,6% so với năm trước) và 4.000 triệu lượt hành khách (tăng 11.1%). Các đơn vị vận tải lớn trong ngành cũng buộc phải chuyển mình, hạ giá thành và nâng cao chất lượng dịch vụ, mà người tiêu dùng là bên có lợi nhất.
Hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước tìm ra những phương án quản lý hữu hiệu trong kỷ nguyên 4.0: Nhờ vào hệ thống tự động, Grab có thể cung cấp nhanh chóng và chính xác về từng giao dịch của mỗi phương tiện thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải cho các cơ quan chức năng chuyên ngành, giúp họ nắm bắt tình hình và có các biện pháp quản lý phù hợp. Sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và Chính phủ chính là một mô hình đáng nhân rộng trong quản lý Nhà nước trong thời kỳ mới.
Tạo nguồn cảm hứng cho phát triển và ứng dụng KHCN tại Việt Nam, có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam 4.0: Đề án thí điểm này đã từ lâu được coi là tiền đề, phép thử của Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với định hướng ứng dụng công nghệ cũng như tư duy quản lý và hoạch định chính sách của Việt Nam. Trên thực tế, Đề án thí điểm và sự thành công của Grab với tư cách là một doanh nghiệp khởi nghiệp đã khuyến khích các đơn vị trong nước tự phát triển và đưa vào triển khai các ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử. Đến nay, bên cạnh Grab, đã có gần 10 ứng dụng khác của Việt Nam tham gia Đề án thí điểm và nhiều ứng dụng mới ra đời sau này. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam rất nhanh nhạy, chủ động nghiên cứu tiếp cận và làm chủ các thành tựu khoa học kỹ thuật và không ngại cạnh tranh song phẳng trên thị trường. Phép thử này chỉ còn chờ câu trả lời chính thức từ phía Chính phủ.
Về phía Grab, Công ty đã có cơ hội cung cấp kết nối các dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho 20% người dân Việt Nam mỗi tháng, và cung cấp các cơ hội nâng cao thu nhập trực tiếp cho 175.000 đối tác tài xế. Dù là một doanh nghiệp còn non trẻ, Grab luôn nỗ lực hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đặc biệt là nghĩa vụ thuế. Số thuế đóng góp của chúng tôi luôn tăng trưởng gấp 3 lần mỗi năm. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, Grab đã đóng góp 270 tỷ đồng và ước tính sẽ đóng hơn 500 tỷ đồng trong cả năm 2018. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động hỗ trợ các đối tác trong việc kê khai và hoàn thành nghĩa vụ thuế của họ, cũng như hợp tác chặt chẽ với cơ quan thuế địa phương.
Những thành tựu này đã nhiều lần được khẳng định trong các Báo cáo sơ kết và tổng kết kết quả triển khai thí điểm của Bộ GTVT. Theo đó, sau 2 năm thực hiện, Bộ GTVT đã kiến nghị kéo dài thời gian triển khai thí điểm và một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 1755/VPCP-CN.
Cũng trên cơ sở những kết quả tích cực của Đề án thí điểm, trong Văn bản số 1066/TTg-CN ngày 20/7/2017 trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử, Ngài Thủ tướng đã chỉ đạo và nhấn mạnh rằng: "Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, trong đó bổ sung quy định quản lý phù hợp đối với xe hợp đồng và xe taxi, quản lý và áp dụng hợp đồng điện tử, kết nối quản lý thuế…". Thế nhưng Dự thảo Nghị định mới nhất lại hoàn toàn đi ngược lại chỉ đạo trên của Ngài Thủ tướng.
Grab cũng bày tỏ, trong thời gian qua có rất nhiều nguồn thông tin cho rằng Grab và các ứng dụng kết nối khác đang cạnh tranh không lành mạnh với taxi truyền thống. Trên thực tế, khi nhận thấy lợi ích của việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, rất nhiều doanh nghiệp taxi đã thức thời và hiện đang hợp tác rất tốt với Grab cũng như nhiều đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối khác trên thị trường. Vào một vài thời điểm, doanh thu của các lái xe, đơn vị taxi kết nối ứng dụng Grab tăng đến 300% so với thời điểm chưa sử dụng ứng dụng kết nối.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là vẫn còn những doanh nghiệp taxi truyền thống lo sợ sự đổi mới, sợ mất vị thế thống lĩnh, sợ cạnh tranh. Từ việc gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi, tuyên truyền thông tin sai lệch, dèm pha về Grab và các đối tác (mặc cho chúng tôi đã ra sức cải chính), dán băng rôn khẩu hiệu trên xe, kiện tụng đòi bồi thường với lý do mất thị phần, cho đến việc yêu cầu Chính phủ dừng Đề án thí điểm, thậm chí đe dọa Ban soạn thảo Nghị định phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại cho ngành taxi, các doanh nghiệp này đã bằng mọi cách cản bước xâm nhập của công nghệ và việc những doanh nghiệp nhỏ hơn nhưng linh động hơn áp dụng công nghệ để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong thư gửi Thủ tướng, Grab cũng nói rằng, để tiến tới Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, không chỉ cần sự chuyển mình của doanh nghiệp, người dân, mà còn cần cả sự mạnh dạn, dũng cảm cải cách của Chính phủ. Grab rất hoan nghênh và ghi nhận sự cấp tiến của Ngài Thủ tướng và Chính phủ khi sớm triển khai thí điểm cũng như dự định chính thức công nhận ứng dụng hợp đồng điện tử cho xe hợp đồng trong các dự thảo Nghị định trước đây. Tuy nhiên, với Dự thảo lần này, Grab được biết rằng quan điểm định danh xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử là xe taxi, và định danh đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử là công ty taxi chính là đề xuất của một số đơn vị kinh doanh taxi truyền thống để đồng hóa, hạn chế sự cải tiến kinh doanh của loại hình khác, doanh nghiệp khác.
Do đó, Grab nhấn mạnh rằng việc thông qua Dự thảo lần này, chiều theo ý muốn chủ quan của một số đơn vị taxi truyền thống mà bỏ qua những ích lợi và sự tiến bộ quan trọng đối với xã hội và nền kinh tế, sẽ thực sự là bước lùi...Grab cho rằng, dự thảo nghị định nếu được thông qua sẽ trở thành một tiền lệ xấu đối với toàn bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam, cũng như là dấu hiệu tiêu cực về môi trường khởi nghiệp, môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam.
Grab tha thiết mong muốn Ngài Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam hãy công tâm xem xét, đánh giá, đặt nguyện vọng và lợi ích của người dân và của nền kinh tế Việt Nam lên hàng đầu, để đưa ra những quyết sách đúng đắn và phù hợp với thời đại. Grab cam kết sẽ luôn sát cánh và hỗ trợ Chính phủ trong việc xây dựng một môi trường pháp lý cởi mở, thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên và với mục đích cuối cùng là phục vụ người dân và xã hội ngày một tốt hơn.