Grab vừa phát đi thông cáo cho biết, doanh nghiệp này vừa nhận được một khoản đầu tư 200 USD từ Booking Holdings - doanh nghiệp hoạt động về du lịch và đặt phòng trực tuyến.
Với mối quan hệ hợp tác này, khách hàng của Grab có thể đặt phòng khách sạn trên toàn thế giới thông qua Booking Holdings và Agoda. Ngược lại, Booking sẽ có thể cung cấp các dịch vụ đặt xe theo yêu cầu ngay trên ứng dụng Booking, được cung cấp bởi Grab.
Ông Ming Maa, Chủ tịch Grab, cho biết thị trường du lịch trực tuyến tại Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần trước năm 2025 và sự liên kết mạnh mẽ giữa du lịch và di chuyển sẽ giúp Grab có thể nắm bắt cơ hội to lớn này. Sự đầu tư của Booking vào Grab sẽ giúp chúng tôi thêm tự tin để tiếp tục triển khai và mở rộng thêm các mảng dịch vụ O2O khắp 235 thành phố mà Grab đang có mặt.
Mới đây, bà Hooi Ling Tan, nhà đồng sáng lập Grab đã công bố kế hoạch doanh thu sẽ tăng gấp đôi lên mức 2 tỷ USD vào năm 2019, nhờ thương vụ mua lại hoạt động ở Đông Nam Á của đối thủ Uber và tiến sâu hơn vào những lĩnh vực kinh doanh mới, từ chia sẻ xe đạp tới thanh toán trực tuyến, giao hàng thực phẩm và chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, Grab dự kiến huy được số vốn tổng cộng 3 tỷ USD trong năm 2018.
Từ đầu năm đến nay, Grab đã được rót 2 tỷ USD, trong đó bao gồm 1 tỷ USD từ hãng xe Nhật Bản Toyota. Như vậy, với việc huy động được 200 triệu USD từ Booking, startup này sắp hoàn thành mục tiêu huy động 1 tỷ USD nữa trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Nhằm trở thành một "siêu ứng dụng" tại Đông Nam Á, gần đây, Grab liên tục công bố tham gia vào các dịch vụ như giao thuốc, đặt lịch khám bệnh, tài chính...
Trong khi đó, đối thủ Go-Jek cũng đang nỗ lực trở thành "siêu ứng dụng" tại Indonesia và bắt đầu mở rộng dịch vụ sang các quốc gia Đông Nam Á. Startup này mới đây ra mắt dịch vụ gọi xe ôm tại Việt Nam và có kế hoạch tiến chân vào Singapore, Thái Lan và Philippines.