Theo giám đốc điều hành Grab Holdings, công ty đang tích cực thảo luận với các cơ quan quản lý và đối tác tiềm năng nhằm đẩy nhanh kế hoạch ứng dụng xe tự hành. Động thái được đưa ra, trong bối cảnh ứng dụng gọi xe hàng đầu Đông Nam Á tìm cách bổ sung thêm đội ngũ tài xế trên khắp các thị trường đang phát triển nhanh chóng.
CEO Anthony Tan cho biết ngay cả ở những thị trường nhỏ hơn như Singapore, vẫn có những khu vực chưa được phục vụ chu đáo, đặc biệt nơi xa trung tâm và trong giờ cao điểm.
“Đây là nơi mà taxi robot sẽ tiếp tục cải thiện tỷ lệ hoàn thành chuyến đi và sự hài lòng của khách hàng”, Tan cho biết. “Vì vậy, đó là những nơi đã chín muồi để giới thiệu và thí điểm chương trình trong tương lai”.
Phát ngôn của Tan được đưa ra khi Singapore tìm cách áp dụng công nghệ xe tự hành vào hệ thống giao thông công cộng nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt tài xế. Vào tháng 1, các cơ quan quản lý đã công bố chương trình thí điểm cho các tuyến xe buýt không người lái ở một số khu vực. Một thử nghiệm khác cũng đã bắt đầu vào năm ngoái để đưa đón công nhân quanh Sân bay Changi.
Thử nghiệm xe tự hành cho dịch vụ giao đồ ăn tại Singapore trong những năm gần đây, Grab kỳ vọng taxi robot sớm được đưa vào hoạt động kinh doanh gọi xe, khi mà quy định và thương mại hóa bắt đầu có hiệu lực trên thị trường, đặc biệt là ở Mỹ và Trung Quốc.
“Chúng tôi dự đoán sẽ còn một chặng đường dài để đưa xe tự hành vào sử dụng rộng rãi ở các khu vực khác của Đông Nam Á”, Tan nói thêm, do cơ sở hạ tầng đường bộ và các quy định khác nhau. “Chúng tôi rất hào hứng với kế hoạch này. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi sẽ tích cực theo đuổi một số quan hệ đối tác và sẽ chia sẻ thêm thông tin cập nhật trong những tuần tới”.
Grab, hoạt động tại 8 thị trường Đông Nam Á, đang cố gắng mở rộng nhóm tài xế của mình thông qua quan hệ đối tác. Tháng trước, công ty và nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD đã công bố triển khai tới 50.000 xe điện trên khắp khu vực. Quan hệ đối tác sẽ trải dài tại các quốc gia như: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Các mẫu xe được hỗ trợ, bao gồm: Denza D9, BYD Atto 3, BYD Seal và BYD M6.
“Sự hợp tác này cho phép chúng tôi thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện bằng cách giảm bớt các rào cản tài chính liên quan đến xe điện và về lâu dài mang lại lợi ích kinh tế cho các đối tác tài xế, chẳng hạn như tiết kiệm chi phí nhiên liệu”, Chuck Kim, giám đốc điều hành phát triển kinh doanh tại Grab, cho biết.
Trước đó, vào tháng 8 năm ngoái, Grab đã công bố kế hoạch mở rộng quy mô đội xe tại Indonesia lên hơn 1.000 xe điện vào cuối năm 2024, chủ yếu là xe BYD. Uber của Mỹ cũng từng công bố quan hệ đối tác chiến lược nhiều năm với BYD nhằm mục đích đưa 100.000 xe điện BYD mới lên nền tảng tại các thị trường trọng điểm.
Được biết, Grab báo cáo mức lỗ ròng là 158 triệu USD trong năm 2024, cải thiện so với mức lỗ 485 triệu USD ghi nhận một năm trước đó. Động lực đến từ mức tăng doanh thu 19% lên 2,79 tỷ USD do nhu cầu gọi xe và giao đồ ăn tăng cao.
Nhìn về phía trước, Grab dự báo doanh thu năm nay đạt 3,33 đến 3,4 tỷ USD, tăng từ 19% đến 22% so với năm 2024. Theo dữ liệu QUICK FactSet, con số này phù hợp với ước tính trung bình của các nhà phân tích là 3,38 tỷ USD.
Theo Nikkei, các dịch vụ gọi xe ở Đông Nam Á đang chuyển sang loại hình phương tiện xanh thân thiện với môi trường hơn như xe điện. Grab cam kết chuyển sang dùng xe có lượng phát thải thấp để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2040.
Đối thủ của Grab tại Indonesia là Gojek đang có kế hoạch thay thế tất cả xe máy của mình bằng loại xe máy điện từ nay đến năm 2030. Công ty này đã thành lập liên doanh Electrum để sản xuất xe máy điện và xây dựng một nhà máy tại tỉnh Tây Java vào năm 2023.
Liên quan đến thông tin cho rằng Grab và đối thủ GoTo của Indonesia đã khởi động lại các cuộc đàm phán sáp nhập, Giám đốc tài chính của Grab Peter Oey cho biết công ty sẽ không bình luận về tin đồn. Trọng tâm chính của Indonesia là “tạo ra sự tăng trưởng” để giành thêm thị phần, Oey nói với Nikkei Asia.
Theo: Nikkei Asia