Grab và Gojek - 2 startup ứng dụng di động lớn nhất Đông Nam Á đang đối mặt với những khó khăn tài chính do sự bùng phát của dịch Covid-19. Hiện tại cả 2 đều đang phải chi hàng triệu USD để hỗ trợ các tài xế của hãng hướng tới sự phục hồi sau đại dịch.
Nhu cầu cho các chuyến xe đã giảm mạnh với tỷ lệ 2 chữ số khiến hàng loạt tài xế của cả Grab và Gojek chật vật kiếm sống.
Amir - một tài xế xe ôm cho Gojek ở Indonesia đang gặp khó khăn khi phải trả tiền thuê nhà và anh đang cân nhắc chuyển sang nơi khác hay ăn uống thật tằn tiện.
"Giờ chi phí hàng ngày của tôi chỉ còn ở mức 30.000 rupiah (1,91 USD) - tức là chỉ bằng 1/3 so với trước khi dịch bệnh xảy ra".
Hiện tại cả SIngapore và Malaysia đều đã yêu cầu người dân ở trong nhà. Còn tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo cũng đã thúc giục công dân không nên ra ngoài trừ những nhu cầu thiết yếu. Thủ đô Jakarta cũng đã thắt chặt những lệnh giãn cách xã hội vào tuần trước gồm cả lệnh cấm xe ôm.
Số người gọi xe Grab cũng giảm 24% trong những tuần cuối 26/3 so với tuần từ 22-28/2. Gojek giảm 11% so với cùng giai đoạn.
Tuy nhiên thay vì giảm chi phí và sa thải nhân viên, 2 công ty này đang nỗ lực tìm mọi cách hỗ trợ tài xế.
Grab hiện đang hỗ trợ các lái xe ở Singapore bằng cách giảm giá 30% phí thuê xe cho tới 4/5. Trên khắp Đông Nam Á, công ty này đang trả lương cho những tài xế bị nhiễm Covid-19 hoặc buộc phải cách ly. Họ dự định dành 40 triệu USD cho những hỗ trợ tài chính này.
Gojek vào cuối tháng 3 đã công bố quỹ trị giá 100 tỷ rupiah, tương đương 6,38 triệu USD (phần lớn là tiền các lãnh đạo công ty đóng góp 1/4 lương hàng năm). Quỹ này sẽ hỗ trợ các tài xế trong khu vực với những vấn đề như chăm sóc y tế và hàng hoá.
Công ty có trụ sở tại Indonesia nói vào ngày 7/4 rằng họ sẽ tung ra 1 triệu voucher mỗi tuần, mỗi voucher trị giá 5000 rupiah cho các tài xế ở Jakarta để sử dụng tại các nhà hàng mà công ty đang hợp tác.
Grab và Gojek đang nỗ lực hỗ trợ tài xế bởi đây là lực lượng nòng cốt của họ.
Gojek và Grab đang gặp rủi ro có thể mất các tài xế nếu như những người này không nhận được hỗ trợ cần thiết để vượt qua khó khăn vì dịch bệnh. Trên thực tế, nếu không có tài xế, công ty sẽ không đạt được tốc độ tăng trưởng như mong đợi.
Tại Singapore và một vài nơi khác, Grab đã cho các tài xế của họ thuê xe. Nếu những tài xế này không làm nữa, công ty có thể phải gánh đội xe là tài sản không hề tạo ra thu nhập.
Một yếu tố khác đóng vai trò quan trọng là áp lực xã hội. Gojek hiện tuyển dụng 2 triệu tài xế trong khu vực trong khi con số của Grab cũng lên tới vài triệu người.
Cả 2 công ty đều đã xây dựng được tên tuổi như là những nhà tuyển dụng lớn bậc nhất, tạo ra việc làm cho nhiều người. Những lao động trong ngành này vốn đã bấp bênh từ trước kh dịch bệnh bùng phát. Cả Grab và Gojek đều không thể quay lưng lại với tài xế thời điểm này.
Cả Grab và Gojek đều không tiết lộ tình hình tài chính nhưng do vẫn đang trong giai đoạn "đốt tiền" nên việc đạt lợi nhuận là vô cùng khó khăn. Ngoài ra những chi phí bổ sung như với đại dịch lần này lại càng làm ngân sách cạn kiệt.
2 startup này đều được xem là những "siêu kỳ lân" trị giá hơn 10 tỷ USD. Năm ngoái, Grab huy động 2,1 tỷ USD từ các nhà đầu tư như Softbank của Nhật Bản. Gojek đã mang về 1,6 tỷ USD từ các nhà đầu tư gồm cả công ty mẹ Google là Alphabet.
Tất cả những điều đó khiến cả Grab và Gojek thành những startup hàng đầu Đông Nam Á về phương diện gọi vốn. Tuy nhiên, khủng hoảng lần này đã làm xáo trộn mọi thứ. Sau một vài bế bối mà điển hình là WeWork, Softbank đã quyết định đóng băng các khoản đầu tư.
Với những hoài nghi về triển vọng tăng trưởng của Grab và Gojek, các cơ hội để huy động vốn mới có thể sẽ khó khăn hơn nữa.