Tỉnh có mức tăng trưởng ấn tượng
Năm 2021, Nghệ An có GRDP tăng 6,2% (cao hơn 2,4 lần bình quân cả nước); thu ngân sách Nhà nước thực hiện gần 19.000 tỷ đồng, đạt 144% dự toán Trung ương giao; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 59,7% so với năm 2020; thu hút đầu tư tăng gấp 3,7 lần số vốn đầu tư đăng ký mới so với năm 2020...
Trong 6 tháng đầu năm 2022, GRDP của tỉnh ước tăng 8,44% (đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); xây dựng nông thôn mới có nhiều mô hình, cách làm hay, với số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt gần 73%; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 7 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành tựu mà Nghệ An đã đạt được trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. Thủ tướng cho rằng đây cũng là những đóng góp thiết thực, quan trọng vào kết quả chung của cả nước; là tiền đề quan trọng để Nghệ An phấn đấu đưa tỉnh có nhiều bước phát triển đột phá, mạnh mẽ trong thời gian tới.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ một số tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Nghệ An. Theo đó, tỉnh được ví như một Việt Nam thu nhỏ có vị trí chiến lược, nhiều tiềm năng, lợi thế với biển, rừng, biên giới, hệ thống giao thông đầy đủ, kết nối quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Những hạn chế và nhiệm vụ cụ thể cho Nghệ An
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Nghệ An cũng còn gặp một số tồn tại, hạn chế cần lưu ý khắc phục như phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế; cơ sở hạ tầng tuy phát triển nhanh nhưng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn.
Cùng với đó, việc thu hút đầu tư chưa có đột phá; đầu tư còn dàn trải; du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao hơn bình quân chung cả nước; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông tiềm ẩn yếu tố phức tạp...
Thủ tướng Chính phủ cho biết, trước mắt, Nghệ An cùng cả nước phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chống suy thoái, đảm bảo 5 cân đối lớn; phòng, chống dịch COVID-19, nhất là tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân và các nhiệm vụ tại Nghị quyết 38 của Chính phủ về phòng, chống dịch.
Nghệ An phải hành động mạnh mẽ, tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 một cách căn cơ, bài bản, có mũi đột phá chiến lược, khơi thông các điểm nghẽn phát triển.
Theo đó, ngay trong quý III/2022, Nghệ An phải hoàn thành Quy hoạch tỉnh, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, để thông qua đó phát huy những tiềm năng, lợi thế và hóa giải những khó khăn, bất cập; theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.
Tỉnh phải tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công; triển khai mạnh thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư; kiêu gọi các nhà đầu tư; phát huy, khai thác, đầu tư phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị; phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Ngoài ra, Nghệ An cũng cần lưu ý vấn đề tôn giáo, dân tộc, an ninh biên giới, phòng chống ma túy; đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, nhất là các gia đình chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Tỉnh phải xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế, vì vậy phải thực hiện phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo các Nghị quyết Trung ương 5 mới được ban hành về đất đai, kinh tế tập thể, nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Tỉnh cần tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông.