Tại tọa đàm Không gian sống trong lòng đô thị hiện đại với chủ đề Bất động sản hạng sang và không gian sống thượng lưu trong đô thị, GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường, cho rằng quan niệm về bất động sản hạng có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ song nhà đầu tư vẫn luôn thích đầu tư vào phân khúc này.
Tại Việt Nam, khái niệm các bất động sản hạng sang được hình thành từ giai đoạn Pháp thuộc với các phố Pháp ở Hà Nội như Tràng Tiền, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Phan Đình Phùng... và ở Sài Gòn với Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi... Giá trị các bất động sản tại các khu phố Pháp này chủ yếu được tạo nên từ vị trí đất "vàng", có vườn cây tạo khoảng xanh yên tĩnh. Khi kinh tế phát triển, nhiều phố cũ đã chuyển từ hình thức biệt thự để ở là chính sang các cơ sở kinh doanh mang lại lợi nhuận cao.
GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường. Ảnh: Reatimes.
Kể từ khi đầu tư vào thị trường bất động sản bắt đầu phát triển (sau 1998), các nhà đầu tư dự án chủ yếu quan tâm tới phân khúc bất động sản giá cao. Đến thời điểm 2008, nhìn lại 10 năm phát triển của thị trường bất động sản, có thể thấy các nhà đầu tư dự án bất động sản nước ta thích đầu tư vào phân khúc giá cao và giá trung bình, không mấy người muốn đầu tư vào phân khúc giá thấp.
Tại thời điểm này, bất động sản nhà ở rơi vào nghịch lý cung - cầu. Cung cao - cầu thấp trong phân khúc giá cao và cung thấp - cầu cao trong phân khúc giá thấp. Từ đó, nhiều bất động sản giá cao rơi vào kho tồn đọng gắn với nợ xấu. Ở đây, các nhà đầu tư dự án chỉ quan tâm tới phân khúc giá cao so với toàn thị trường nhưng chưa hẳn giá cao đã là các bất động sản hạng sang.
"Nhìn lại như vậy để thấy rằng các nhà đầu tư dự án ở Việt Nam thích đầu tư vào phân khúc hạng sang", GS Đặng Hùng Võ nói.
Từ sau 2014, khi thị trường bất động sản phục hồi, một số nhà đầu tư tập trung vào phân khúc bất động sản hạng sang nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau. Tân Hoàng Minh muốn tạo lập các bất động sản nhà ở hạng sang lấy trọng tâm là sự khác biệt về vật liệu và các vị trí đất "vàng" trên các phố trung tâm. Tập đoàn Vingroup lại quan tâm tới dạng các villa đầy đủ tiện nghi cho cuộc sống gắn với môi trường nước, cây xanh hấp dẫn, hạ tầng kỹ thuật thông minh và hạ tầng xã hội đầy đủ. Tập đoàn Văn Phú - Invest quan tâm đến việc phát triển dự án dành riêng cho giới thượng lưu thông qua sự tỉ mỉ từng chi tiết thiết kế dinh thự mang phong cách tân cổ điển châu u cùng tòa tháp cao tầng phủ kính mang hơi thở đương đại. Tập đoàn Sun Group lại quan tâm tới các loại bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hạng sang hòa vào thiên nhiên nguyên thủy. Xu hướng này đang kích thích sự sáng tạo ra các dạng thức bất động sản hạng sang mới, tính hấp dẫn cao hơn.
Vì sao nhà đầu tư thích bất động sản hạng sang?
Theo GS Đặng Hùng Võ, các nhà đầu tư dự án bất động sản Việt Nam thích đầu tư vào phân khúc hạng sang vì nhiều lý do.
Thứ nhất, khả năng tiếp cận đất đai ngày càng khó, các nhà đầu tư sẽ tính toán việc đầu tư sao cho mật độ vốn trên một mét vuông đất càng cao càng có lợi.
Thứ hai, một dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn luôn có lợi nhuận kỳ vọng cao hơn. Thứ ba là cầu hiện nay có thể còn thấp nhưng sẽ tăng mạnh trong tương lai cùng với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Về cơ hội với bất động sản hạng sang, theo GS Võ, chúng ta có nhiều. Cơ hội thứ nhất là cầu của phân khúc hạng sang ngày càng cao hơn. Nếu như cách đây 10 năm, người có thu nhập đủ để tiếp cận phân khúc bất động sản hạng sang chỉ chiếm khoảng 2% nhưng hiện nay, con số này có thể đã tăng lên khoảng trên 5%.
"Chúng ta nhớ lại trong thời kỳ bao cấp, do mức thu nhập còn thấp nên khi đi nghỉ ở đâu đó cũng chỉ cần tìm được một nhà khách cỡ 2 sao là rất vui lòng rồi. Khi bắt đầu vận hành cơ chế thị trường, thu nhập của dân cao hơn, lúc đó yêu cầu lại phải khách sạn 3 sao mới cảm thấy hài lòng. Cho đến nay, yêu cầu của đa số cũng là khách sạn từ 4 sao tới 5 sao. Chỗ ở cũng tương tự như vậy, số người có thu nhập trung bình và cao ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng về các nhà ở hạng sang", nguyên Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường phân tích.
Cơ hội thứ hai là lượng người nước ngoài có thu nhập cao tới làm việc ở Việt Nam ngày càng nhiều khi các hiệp định thương mại tự do kiểu mới được ký kết. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn và Nhật đã rút khỏi Trung Quốc và lựa chọn bến đỗ mới là Việt Nam. Trong tương lai gần, 2 hiệp định thương mại tự do CPTPP và EVFTA sẽ đưa nhiều doanh nghiệp lớn từ châu Âu và châu Mỹ tới Việt Nam. Hầu hết lao động nước ngoài có thu nhập cao nên họ có yêu cầu về các bất động sản nhà ở hạng sang theo chuẩn quốc tế.