GS Hà Tôn Vinh: Xoá bỏ hận thù sau chiến tranh cả Việt Nam và Mỹ đều có lợi

30/04/2024 08:00
Trao đổi với Dân Việt, GS Hà Tôn Vinh nhấn mạnh việc xoá bỏ định kiến, hận thù sau chiến tranh có lợi cho cả Việt Nam và nước Mỹ. Sau gần nửa thế kỷ, giờ đây Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ và Mỹ trở thành nhà đầu tư thứ 11 vào Việt Nam với số vốn hơn 11,8 tỷ USD.

Trao đổi với PV Dân Việt, GS Hà Tôn Vinh, Giám đốc Chương trình Đào tạo lãnh đạo Đại học California Miramar University (Hoa Kỳ) bày tỏ sự vui mừng khi quan hệ Việt - Mỹ ngày càng lớn mạnh, thực chất. Đi từ nền tảng hợp tác kinh tế, sang mối quan hệ hợp tác lớn mạnh về chính trị, văn hoá, ngoại giao.

Nhân kỷ niệm 49 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), Báo Điện tử Dân Việt xin gửi đến bạn đọc bài phỏng vấn với GS Hà Tôn Vinh về những thay đổi lớn trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, những cơ hội và thách thức trong quan hệ giữa hai đất nước từ cựu thù, thành bạn bè, đối tác, hợp tác chiến lược, toàn diện.

Kim ngạch thương mại Việt - Mỹ có thể lên đến 200 tỷ USD

Sau 49 năm, quan hệ kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ có những phát triển to lớn, hai nước đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau. Theo góc độ của mình, GS có thể lý giải vì sao có sự gặp gỡ và thiết lập mối quan hệ ấy?

- Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt 30/4/1975, Mỹ chính thức cấm vận Việt Nam, không cho doanh nghiệp Mỹ hoặc các doanh nghiệp của các nước thân Mỹ đầu tư vào Việt Nam nhằm kiềm chế đất nước thù địch với Mỹ. Tôi nhớ, trước đó năm 1964, Mỹ cũng tiến hành cấm vận miền Bắc Việt Nam. Đó là chương đau thương trong quan hệ giữa hai cựu thù.

Tháng 2/1994, Mỹ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, một năm sau đó (năm 1995) Mỹ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam sau nỗ lực không mệt mỏi hàn gắn vết thương chiến tranh và khép lại quá khứ của cả hai bên sau suốt 2 thập kỷ.

Những mốc thời gian này rất quan trọng đối với sự phát triển quan hệ song phương giữa hai nước và sự tăng trưởng quan hệ thương mại, mua bán trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam với Mỹ và ngược lại.

Gần 20 năm, sau chiến tranh, gần như mọi kênh liên lạc làm ăn kinh tế, giao thương của Việt Nam với Mỹ là không có. Chúng ta gánh chịu nhiều tổn thất nhất trong các quốc gia bị tàn phá thời hậu chiến. Trong khi đó nhiều nước trên thế giới trong quãng thời gian này đã tận dụng các mối quan hệ để khôi phục sản xuất, phát triển như Cộng hoà Dân chủ Đức, sau này là Liên bang Đức, Nhật Bản (sau chiến tranh thế giới thứ 2), rồi đến Hàn Quốc, Trung Quốc… Họ được Mỹ hậu thuẫn, hỗ trợ để tái thiết sau chiến tranh, để rồi phát triển đất nước lớn mạnh. 

Chúng ta không có được điều đó, đó là sự thiệt thòi cho dân tộc ta bởi sau chiến tranh với Mỹ, đất nước vẫn phải gồng mình vừa tái thiết vừa phải đương đầu với 2 cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Sau khi bình thường hoá quan hệ, Mỹ mở lại đại sứ quán tại Hà Nội. 5 năm sau, với nỗ lực từ hai phía, Việt Nam và Mỹ đã ký kết bản hiệp định thương mại giữa hai nước (BTA). Bản hiệp định này đã mở đường cho thương mại giữa hai nước, được coi như chương mới mở ra cho quan hệ kinh tế vô cùng tốt đẹp về sau. Bản Hiệp định BTA cũng là tiền đề để Việt Nam tiến tới ký kết các hiệp định hợp tác với Mỹ khi gia nhập WTO, khi Mỹ là nước cuối cùng, khó khăn nhất mà Việt Nam đàm phán để gia nhập sân chơi WTO năm 2006-2007.

Thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam với Mỹ tăng theo cấp số nhân sau mỗi thập kỷ, điều này cho thấy Mỹ quan trọng đối với Việt Nam. Ngoài yếu tố do thuế quan bãi bỏ và hạn ngạch tháo gỡ, theo GS, đâu là nguyên nhân khiến thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tăng mạnh?

- Trong vòng vài năm tới, tôi tin chắc rằng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước có thể lên đến 150 tỷ USD, thậm chí có thể gia tăng lên 200 tỷ USD nếu khai thác đúng tiềm năng, lợi thế.

Xoá định kiến, bỏ hận thù có lợi cho cả Mỹ và Việt Nam. Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất siêu số 1 với hàng chục tỷ USD trong 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ và là đối tác thương mại lớn hàng đầu của khu vực châu Á, Đông Nam Á.

Bối cảnh hiện Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh địa chính trị với nhau, và ới sức ảnh hưởng về kinh tế với khu vực và toàn cầu, Mỹ ngày càng muốn gia tăng hợp tác phát triển đối với các nước bên cạnh Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ, đồng thời dịch chuyển chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc, nhằm tránh những rủi ro xung đột thương mại khi Mỹ không muốn Trung Quốc cạnh tranh vị thế siêu cường của mình.

Mỹ rất quan trọng với Việt Nam và Việt Nam rất quan trọng với Mỹ trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng hướng Đông, xoay trục sang châu Á Thái Bình Dương của mình, Việt Nam có vị trí quan trọng với Mỹ. Đồng thời với Việt Nam, chúng ta hơn ai hết mong muốn nhận nhiều hơn nữa luồng vốn lớn, công nghệ từ Mỹ để tái thiết đất nước, bù đắp sự phát triển và hướng đến sụ thịnh vượng dựa trên các tiềm năng, lợi thế của chính mình.

Năm 2023, Việt Nam và Mỹ chính thức thiết lập chương mới trong quan hệ hợp tác của mình: Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, đây là nỗ lực sau nhiều năm đi từ hàn gắn đau thương, tin tưởng và cùng kết nối hai đất nước, hai nền kinh tế, hai dân tộc vốn đã chịu tổn thương ít nhiều sau cuộc chiến đau thương kéo dài hơn 2 thập kỷ.

Nơi đâu có đầu tư Mỹ, nơi đó có thịnh vượng? Ông nghĩ sao về quan điểm này và việc Việt Nam nên thức đẩy dòng đầu tư lớn của Mỹ ngày một lớn hơn?

- Ta thấy, cực bắc của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có hai đối tác chiến lược của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, sau chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, hai quốc gia thân Mỹ đã có cách thức phát triển khéo léo và dựa vào mối quan hệ với Mỹ, họ đã khôi phục lại đất nước và tập trung vào phát triển quốc gia cực thịnh.

Trung Quốc cũng vậy, Trung Quốc mở cửa và với lượng vốn khổng lồ của các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu, họ đã phát triển trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới và là công xưởng của thế giới. Các tập đoàn Mỹ đóng góp rất lớn lượng vốn vào Trung Quốc như Apple, Tesla, Ford…

Đối với các quốc gia khác như Úc, Newzealand hay Singapore, Thái Lan, Malaysia… Bên cạnh định hướng chiến lược quốc gia và cách "lèo lái" đất nước hướng đến sự thịnh vượng, họ cũng đều có mối quan hệ thương mại, kinh tế đặc biệt với Mỹ, nằm trong phạm vi ảnh hưởng và chuỗi giá trị toàn cầu của Mỹ và các nước phương Tây. Rõ ràng, vốn Mỹ và làm ăn với Mỹ có lợi cho các nước và Việt Nam không phải không nhận thức được điều đó.

Với Việt Nam thì sao? Chúng ta đang nằm trong sự lựa chọn Trung Quốc +1, tức là dòng dịch chuyển vốn từ Trung Quốc sang các quốc gia có lợi thế tương đồng và điều kiện tối ưu để đa dạng hoá chuỗi sản xuất, tránh cuộc xung đột thương mại trong tương lai. Do đó chúng ta nên tự làm mới mình, thay đổi và để chọn lựa.

Thứ 2 là chiến lược, với Mỹ hay bất cứ nhà đầu tư khác nào, có lợi là họ làm. Mối quan hệ thế giới hiện nay là cuộc trao đổi, không ai cho không ai. Việt Nam có lợi thế lớn về tài nguyên, về nhân lực và về chính trị kinh tế ổn định. Chúng ta chỉ thiếu là lao động chưa qua đào tạo, chưa đào tạo sâu còn nhiều; cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ còn non trẻ, yếu kém… Cái đó phải nhận thức và chuyển sang hành động mau lẹ.

Với Mỹ, Việt Nam là đối tượng và mục tiêu để thu hút vào chuỗi sản xuất, mong muốn Việt Nam nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình để tuyến hàng hải biển Đông ổn định. Vì thế, Mỹ cần một đối tác ổn định và phát triển và muốn họ ổn định thì phải làm sao cho Việt Nam có nền kinh tế vững mạnh.

Tôi hy vọng, mối quan hệ kinh tế, chính trị giữa Việt Nam và Mỹ là mối quan hệ tương hỗ, có lợi cho nhau, không phải mối quan hệ lệ thuộc. Đây cũng là nguyên tắc của ngoại giao mà Việt Nam đã, đang và sẽ hướng đến.

Kỳ vọng lớn với dòng vốn Mỹ

Chẳng nói đâu xa, chúng ta là nước có nền kinh tế nhỏ trong châu Á Thái Bình Dương nhưng vận mệnh cho chúng ta một vị trí địa lý quan trọng hàng đầu trên ở khu vực. Chúng ta có đường bờ biển kéo dài, án ngữ tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất từ Đông sang Tây. Chúng ta nằm ở vị trí chiến lược cửa ngõ Á - Âu, Bắc - Nam, Đông - Tây. Chúng ta nằm bên cạnh đối thủ cạnh tranh lớn của Mỹ ở châu Á là Trung Quốc. Chúng ta án ngữ bán đảo Đông Dương và hướng xuống phía Nam…. Lợi thế lớn về vị trí địa lý cũng như tài nguyên, con người nên chúng ta luôn phải nằm trong các cuộc tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc cả về kinh tế, chính trị thế giới.

Mỹ là quốc gia đầu tư số 1 thế giới với hàng loạt các tập đoàn lớn, song sự hiện diện tại Việt Nam chưa nhiều. Hàng năm, Mỹ có khoảng 120 tỷ USD đầu tư đi khắp thế giới, nhưng tổng số tiền Mỹ đầu tư hiện tại vao Việt Nam chỉ khoảng 12 tỷ USD. Một số nguyên nhân được chỉ ra như hạ tầng yếu, chuỗi giá trị sản phẩm lỏng lẻo hoặc nhân lực kém. Bên cạnh đó, Việt Nam không nằm trong chuỗi giá trị của đại doanh nghiệp Mỹ…. theo quan điểm của GS là vì sao?

- Việt Nam và Hoa Kỳ gác lại vết thương chiến tranh để sẵn sàng kết nối hai nền kinh tế. Trước đây, chúng ta không có lợi thế và còn trở ngại niềm tin, nhưng nay mọi vấn đề này đã được giải quyết nên chúng ta cần hành động nhanh để kéo vốn Mỹ vào Việt Nam.

Toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ, chiến lược hoá quốc tế của các quốc gia diễn ra hàng ngày và các kế hoạch cần thực hiện nhanh chóng hơn. Do đó, Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, thay đổi kỹ năng quản trị để cụ thể hoá nhanh các quyết định đầu tư của nhà đầu tư Mỹ, cũng như các nhà đầu tư trên khắp thế giới.

Việt Nam có ưu thế là nền kinh tế dễ chuyển đổi, dân số trẻ và quy mô tiêu dùng hơn 100 triệu dân. Nếu so với Trung Quốc, chúng ta quá bé nhỏ, nhưng so với các quốc gia cùng chung lợi thế, chúng ta có lợi thế hơn. Việt Nam cần vốn lớn để phát triển hạ tầng, thay đổi công nghệ..

Hạn chế lớn hiện nay là Việt Nam là chúng ta còn khó khăn trong khi tiếp cận thị trường, xuất khẩu, bảo hộ đầu tư.

Trung Quốc là thị trường lớn hàng tỷ dân, lao động dồi dào, lực lượng đông đảo và là đất nước mở cửa… Đó là lý do thuyết phục các nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới đổ tiền vào để đất nước này thay đổi sau 30 năm qua. Với luồng vốn lớn, họ đã đào tạo nhân lực giúp Trung Quốc và hiện nay nước này hưởng quả ngọt để trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu.

Hay Hàn Quốc cũng vậy, nhưng năm 1950, Hàn Quốc cũng chỉ là nước bắt đầu vào công nghệ bán dẫn, chưa có gì cả. Sau hàng chục năm phát triển, họ mới có kết quả. Đài Loan cũng vậy, trước đây họ đâu có gì khi bắt tay vào phát triển ngành bán dẫn. Mỹ cùng Đài Loan đầu tư ngành bán dẫn và sau rất nhiều năm, có công nghệ, có tay nghề, giờ Đài Loan là một trong những đối tác cung ứng chip hàng đầu của Mỹ.

Việt Nam cũng phải đi theo con đường như thế. Chúng ta có tài nguyên, có chiến lược phát triển và cần kiên trì nếu đi vào con đường phát triển chip bán dẫn. Chúng ta sẽ phải mất thời gian để đào tạo nhân lực, con người nhưng có thể chúng ta sẽ nhanh hơn nếu biết kết hợp các yếu tố bên trong và bên ngoài để vận dụng phát triển. Chúng ta có những tập đoàn kinh tế lớn sẵn sàng đi sâu vào ngành chip bán dẫn như Viettel, FPT hay những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tỷ USD.

Năm 2023, Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, Mỹ trở thành 1 trong 7 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam cùng Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Theo ông, tầm quan trọng của mối quan hệ này đối với Việt Nam là gì và tương lai của sự phát triển mối quan hệ này xét về yếu tố kinh tế địa chính trị khu vực, toàn cầu?

- Sau hơn 4 thập kỷ kể từ khi khi Việt Nam thống nhất đất nước (30/4/1975) đến năm 2023, Việt Nam và Mỹ mới thiết lập quan hệ đối tác cao nhất: Đối tác chiến lược toàn diện. Chừng ấy thời gian, hai nước đã vượt qua muôn vàn thách thức, gây dựng niềm tin, trở thành đối tác lớn của nhau.

Quan điểm Việt Nam là mục tiêu vì quốc gia dân tộc là tối thượng, quan hệ song phương hài hoà với các nước; không quan hệ với nước này để làm xấu đi, thay thế quan hệ với nước kia.

Mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện từ ngoại giao, kinh tế, văn hoá xã hội đến chính trị, an ninh, quốc phòng. 

Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều thách thức lắm, từ quản trị lãnh đạo đất nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhập lực và thiết lập cơ chế nền kinh tế thị trường đầy đủ. Chỉ khi nào chúng ta giải quyết được các thách thức này, chúng ta mới sẵn sàng đi trên chính con đường của chúng ta chọn lựa.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, rất cần vốn Mỹ, công nghệ và quản trị kiểu Mỹ. Tuy nhiên, phía trước còn nhiều khó khăn do sự đáp ứng chưa cao của điều kiện từ Việt Nam. Bản thân Mỹ cũng có nhiều tập đoàn lớn Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam như Intel, Citigroup, Ford, AIA, Coca Cola, Pepsi Cola, KFC… Theo ông, làm gì để kêu gọi đầu tư lớn từ Mỹ vào Việt Nam trong thời gian tới? Chúng ta cần quyết tâm, đột phá gì về hạ tầng, về nguồn nhân lực và quản trị?

- Tôi không lo vấn đề vốn đầu tư của Mỹ có vào Việt Nam hay không mà chỉ lo là Việt Nam có đủ cơ sở để Mỹ bỏ tiền vào đầu tư hay không hoặc Việt Nam có đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của nhà tư bản Mỹ hay không?

Mỹ đã ký kết với Việt Nam mối quan hệ cao nhất và không có gì ràng buộc, thậm chí cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực. Vậy hà cớ gì mà các nhà tư bản Mỹ không đầu tư vào Việt Nam nếu lợi thế so sánh của Việt Nam lớn hơn các nước khác và nếu chúng ta có điều kiện đem lại lợi nhuận cho họ lớn hơn số tiền mà họ đầu tư ở nước khác.

Tôi cho rằng, chúng ta còn thiếu những điều kiện để trở thành đối tác lớn của nhà tư bản Mỹ là cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực, quy mô nguồn nhân lực.

Phải làm gì để cho doanh nghiệp Mỹ thấy phải đầu tư vào Việt Nam, trong đó phải làm về hệ thống pháp luật, quyền sở hữu trí tuệ… Ngay chuyện Việt Nam hay nói về phát triển bán dẫn, chủ trương đến năm 2025-2030 sẽ có hàng chục nghìn, đến hàng trăm nghìn lao động chất lượng cao cho ngành công nghệ cao, ngành bán dẫn. Liệu chúng ta có làm được không?

Muốn hiện thực hoá chiến lược đó phải quyết tâm chiến lược, phải mời gọi doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam tham gia vào các trường Đại học của Việt Nam để đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Chúng ta không thể phát triển ngành bán dẫn mà không có nguồn nhân lực được.

Không quan trọng chuyện nhà đầu tư có đến Việt Nam hay không mà phải quan trọng chuyện làm sao họ phải đến Việt Nam, ở lại và phát triển mạnh hơn ở Việt Nam.

Bán dẫn không phải là ngành có thể phát triển dễ dàng được, không phải nước nào cũng có thể làm được. Phải có vốn, công nghệ và nhân lực làm. Nhiều quốc gia trên thế giới đã phải đầu tư, hy sinh đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ USD để có được công nghệ bán dẫn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều quốc gia dù có thế mạnh nhưng không thể phát triển được ngành bán dẫn. Chúng ta nếu đã quyết tâm, phải bằng mọi cách để hiện thực hoá quyết tâm đó.

Việt Nam không phải là viển vông khi đạt mục tiêu phát triển ngành bán dẫn bởi vì chúng ta có tài nguyên và năng lực con người Việt Nam là có. Nhưng chúng ta phải giải quyết vấn đề là chúng ta có khát vọng và chúng ta hiện thực hoá khát vọng đó phải bằng quyết tâm, quyết đoán và quyết định. Phải làm bằng sức mạnh của dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại.

Chúng ta muốn làm được thì phải mất thời gian, cái ta nói và muốn thì sẽ cần thời gian, có thể mất vài năm hoặc vài chục năm mới có thể thực hiện mục tiêu đó. Phải kiên trì mới có thể thay đổi được vận mệnh của đất nước, của dân tộc còn tài nguyên và năng lực thôi không là chưa đủ.

Trân trọng cảm ơn ông vì cuộc trao đổi này!

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
7 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
7 giờ trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
6 giờ trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
6 giờ trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
6 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Trung Quốc tự đẩy mình vào 'thời khắc sinh tử': 300 startup xe điện chỉ còn 7 hãng lớn có thể tồn tại, chiến trường xe điện khốc liệt hơn bất kỳ lúc nào
6 giờ trước
Chỉ những công ty có thể duy trì hoạt động mà không cần đến nguồn tài trợ bên ngoài mới có thể tiếp tục cuộc đua, trong bối cảnh nỗi lo về tình trạng dư thừa công suất luôn rình rập.
SUV điện cỡ lớn Hyundai Ioniq 9 chính thức ra mắt: Tầm di chuyển 620 km, đấu trực tiếp với VinFast VF 9
16 giờ trước
Mẫu xe này sẽ được bán tại Mỹ, Hàn Quốc từ đầu năm 2025 trong khi các thị trường khác phải đợi đến cuối năm.
Báu vật tâm linh: Thế giới chỉ 2 nước có, Việt Nam sở hữu cá thể 700 tuổi, thuộc hàng Tứ Thiết quý hiếm
17 giờ trước
Cá thể cổ thụ này được xếp hạng là Cây Di sản Việt Nam.
HIIVE by fusion: Ưu đãi mùa lễ hội dành cho doanh nghiệp tại Bình Dương
17 giờ trước
Doanh nghiệp phát triển, việc giữ chân nhân tài và xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, tận tâm ngày càng trở nên thách thức. Lựa chọn địa điểm tổ chức sự kiện hay nơi nghỉ dưỡng cho nhân viên không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu cơ bản mà còn là chiến lược khẳng định vị thế và nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân sự.