Sáng 10/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã tổ chức lễ công bố "Báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2021:. Đây là báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do VAFIE biên soạn và công bố lần thứ nhất.
Giám sát đi đôi với hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư
Phát biểu tại buổi lễ, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, gấp 2-2,5 lần năm 2020.
Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đề ra mục tiêu thu hút và sử dụng FDI với một số chỉ tiêu cụ thể: Vốn đăng ký 2021-2025 đạt 150-200 tỷ USD; năm 2026-2030 đạt 200-300 tỷ USD. Vốn thực hiện năm 2021-2025 đạt 100-150 tỷ USD; năm 2026-2030 đạt 150-200 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ nội địa hoá lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
"Để thực hiện các mục tiêu trên cần những giải pháp mang tính tổng thể và cụ thể như hoàn thiện thể chế, pháp luật có liên quan tới FDI, gồm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về đầu tư và kinh doanh; nghiên cứu các mô hình như khu thương mại tự do, trung tâm tài chính; xây dựng chiến lược phát triển KCN, KKT giai đoạn 2021-2030; chủ trương về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam", GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Cũng theo ông, trong các giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hút sử dụng FDI, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, rà soát hoàn thiện đồng bộ chính sách về đầu tư với các luật pháp chuyên ngành, thì quan trọng nhất là cần đổi mới nhận thức và thống nhất hành động. Cùng với đó tăng cường kiểm tra, giám sát về đầu tư đi đôi với hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn. Đồng thời phải hoàn thiện quy định Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài.
Theo đó, Chủ tịch VAFIE kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quyết định về Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI với 26 chỉ tiêu cơ bản; chỉ đạo các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương thực hiện nghiêm chỉnh trong quá trình thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI. Cấp thiết thành lập một Tổ công tác nghiên cứu về thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nhiều FTA mới, Thoả thuận Thuế tối thiểu toàn cầu chuẩn bị có hiệu lực.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế (Văn phòng Chính phủ). Ảnh: Trọng Hiếu.
Phải giải đáp được quan ngại của nhà đầu tư lớn
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, vấn đề thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề lớn rất cần được quan tâm ở thời điểm hiện tại. Ông Hùng cho rằng nếu không được giải quyết thấu đáo, trong vòng từ nay tới cuối năm sẽ có tác động đa chiều và đa phần là bất lợi cho môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.
"Thực tế, từ đầu năm tới nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn đã có động thái rõ ràng, đề nghị Chính phủ đưa giải pháp để bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Cũng ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan có liên quan mà đứng đầu là Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có báo cáo cụ thể. Điều này cho thấy đây là vấn đề khó và tầm ảnh hưởng lớn", ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh, trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị có nêu rõ vai trò dẫn dắt của các tập đoàn đa quốc gia, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại nếu Việt Nam không có những phản ứng chính sách kịp thời, giải đáp được các quan ngại của nhà đầu tư lớn thì sẽ đưa mối quan hệ hai bên đi vào ngõ cụt.
Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế góp ý, báo cáo về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nên bổ sung nghiên cứu thực tế thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động ra sao tới tư tưởng của các nhà đầu tư lớn, tìm ra kinh nghiệm quốc tế trong việc ứng xử với thoả thuận nêu trên. Từ góc nhìn doanh nghiệp đưa ra các khuyến nghị chính sách cho Chính phủ để tìm được tiếng nói chung.
Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam với kinh nghiệm làm việc lâu năm với các nhà đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất mong có thể xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam và hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà đầu tư trong nước. Vấn đề của Việt Nam là làm sao khuyến khích, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, tạo điều kiện để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài lớn, phù hợp với mong muốn, chính sách phát triển trong nước.
Về thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu, nếu Chính phủ chỉ giao Bộ Tài chính làm thì rất khó khăn và mất thời gian, vì đây là vấn đề lớn, liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh, đánh giá tổng thể chính sách thu hút đầu tư. Bản thân KPMG cũng rất mong muốn được Tạp chí Nhà đầu tư mời tham dự Hội thảo sắp tới về "Thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu" (dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6/2022) để đưa ra các nghiên cứu về ảnh hưởng của thoả thuận này với các nước phát triển như Việt Nam và cách ứng xử của một số quốc gia khi đã tham gia thoả thuận.
Phó Tổng giám đốc KPMG đánh giá cao báo cáo thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam do VAFIE xuất bản và mong muốn tiếp tục được đồng hành cùng Hiệp hội trong các năm tiếp theo để có các Báo cáo ngày càng chất lượng và đáp ứng nhiều hơn nữa mong muốn của nhà đầu tư.