-Ông đánh giá như thế nào về xu hướng dịch chuyển dòng vốn ra khỏi Trung Quốc, sang một nước thứ 3, trong thời gian gần đây?
Trung Quốc là thị trường rất hấp dẫn với nhà đầu tư. Năm 2019, nước này dẫn đầu thế giới về thu hút FDI với 140 tỷ USD. Có thể nói không bao giờ người ta rút hết vốn ra khỏi Trung Quốc. Phải khẳng định như vậy. Dù Chính phủ Mỹ, Nhật, châu Âu đưa ra chính sách khuyến khích, thậm chí ép buộc doanh nghiệp của họ rút vốn về nước thì nhiều lắm cũng chỉ 10% trong số đó rời đi thôi.
Là thị trường 1,4 tỷ dân, GDP đứng thứ 2 thế giới, công nghệ hiện đại, nhân lực dồi dào... nên nói gì thì nói, rất nhiều doanh nghiệp sẽ tìm cách bám trụ ở Trung Quốc. Lợi ích của doanh nghiệp khác với lợi ích của Chính phủ. Doanh nghiệp thấy nơi nào có lợi hơn thì người ta đến đầu tư. Đó là vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm.
Rút khỏi Trung Quốc thì các doanh nghiệp đi đâu? Các nước thứ 3 đón được làn sóng này được kể đến như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam... Lượng vốn có thể đón nhận nhiều lắm khoảng 3 – 5% từ các doanh nghiệp đang đầu tư ở Trung Quốc. Nhưng chỉ với 5% đó cũng đủ rồi, bởi tổng vốn đầu tư đã thực hiện ở Trung Quốc là trên 2.000 tỷ USD, như vậy, 3 – 5% sẽ vào khoảng 100 tỷ USD.
-Theo ông, Việt Nam có lợi thế gì trong cuộc đua đón nhận dòng vốn thoát ra từ Trung Quốc?
Ngoài lợi thế cũ trước này người ta hay đề cập đến như ổn định chính trị, kinh tế, môi trường đầu tư rất thân thiện... thì thông qua khống chế thành công đại dịch Covid-19, Việt Nam đã phô bày ra 2 lợi thế mới.
Thứ nhất là năng lực xử lý của Chính phủ với sự cố khủng hoảng toàn cầu.
Thứ hai là khả năng chống chịu của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp khi khủng hoảng xảy ra. Quý I/2020 Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng 3,82% trong khi nhiều quốc gia tăng trưởng âm.
Nhờ vậy, Việt Nam hiện được xem là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Điều này đã được chứng thực khi Apple tuyên bố chọn Việt Nam để sản xuất 30% tai nghe không dây cho thị trường toàn cầu. Panasonic trong tháng 9 này sẽ chuyển nhà máy từ Thái Lan sang Việt Nam...
Con số mới nhất mà chúng tôi nhận được là có khoảng 22 tỷ USD đã được bàn thảo với các Bộ, địa phương để chuyển nhà máy từ các nước khác sang.
-Trong cuộc đua hút vốn FDI này, đâu là những đối thủ Việt Nam cần lưu ý?
Trong cuộc đua này đúng là chúng ta không phải một mình một chợ. Thay vào đó, sự cạnh tranh giữa các quốc gia là khốc liệt. Hiện nay có 2 đối thủ rất lớn cần lưu ý.
Một là Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi đã đề ra chiến lược phải thu hút được 1.000 tập đoàn lớn chuyển từ Trung Quốc sang. Họ đã sẵn sàng về đất, ưu đãi, và giao cụ thể cho các đơn vị phải làm bằng được.
Hai là Indonesia. Đất nước này có dân số gấp 3 lần Việt Nam, GDP gấp 4 lần, là nước lớn nhất trong ASEAN cũng đang gấp rút tìm cách thu hút FDI. Tổng thống Joko Widodo đã chuẩn bị sẵn sàng 4.000 ha đất cho các nhà máy di dời sang.
Do vậy, muốn cạnh tranh với các nước có tiềm lực đó, yếu tố quan trọng nhất của Việt Nam là phải tiếp tục cải cách hành chính, môi trường đầu tư để trở nên hấp dẫn hơn.
-Theo quan sát của ông, nút thắt lớn nhất của Việt Nam khi thu hút FDI là gì?
Có một nghịch lý là đầu tư châu Âu, Mỹ vào Việt Nam còn quá khiêm tốn. Vốn FDI đăng ký của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam hiện chỉ 11 tỷ USD (vốn thực hiện từ 6 – 7 tỷ USD), trong khi đó, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam là 65 tỷ USD, Nhật Bản là 56 tỷ USD.
Tính đến nay, Mỹ đã đầu tư ra nước ngoài 4.000 tỷ USD. Vậy con số tại Việt Nam là quá khiêm tốn. Với dòng vốn từ châu Âu cũng thế. 27 nước châu Âu đầu tư tại Việt Nam cũng chỉ mới được 26 tỷ USD.
Nguyên nhân là Việt Nam chưa thoả mãn yêu cầu của những nhà đầu tư này. Chúng ta vẫn chỉ phù hợp với dòng vốn đến từ châu Á, bởi có sự tương thích về văn hoá mà rõ rất là tư duy quan hệ. Nghĩa là quan hệ có thể giải quyết được nhiều thứ, bao gồm cả thủ tục hành chính.
Bởi vậy mới có những hệ quả như thông tin về vụ việc Nhật Bản điều tra một công ty Nhật nghi hối lộ cán bộ thuế ở Bắc Ninh.
Cách thức làm ăn của doanh nghiệp châu Âu, Mỹ lại khác. Họ cần sự rõ ràng, công khai, minh bạch, thể chế thực thi nghiêm minh. Họ cũng có những đòi hỏi cao về các vấn đề như an toàn lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ...
Để thu hút được dòng vốn châu Âu, Mỹ trong thời gian tới thì cần phải tính đến các phương án thoả mãn họ.
-Vậy các giải pháp thu hút FDI sắp tới cần như thế nào?
Muốn thu hút các nhà đầu tư lớn thì phải tạo ra những lợi thế thực sự hấp dẫn họ. Như tiền thuê đất tại các khu công nghiệp (KCN) phải hấp dẫn hơn Trung Quốc chẳng hạn. Hiện giá của Việt Nam bằng 40% so với giá tại Bắc Kinh, Thượng Hải. Trong tương lai nếu có tăng giá thì cũng cần tính toán tăng như thế nào để vẫn giữ được lợi thế này. Đây là vấn đề quan trọng.
Mặt khác, các doanh nghiệp khi chuyển dịch sang có yêu cầu rất lớn về nhân công. Việt Nam cần xử lý được bài toán đào tạo hàng trăm nghìn nhân công. Nguồn nhân lực này phải đảm bảo hai yếu tố: năng suất cao với mức lương vừa phải.
Phía Samsung đang phản hồi rằng năng suất lao động của người Việt tương đương với người Hàn nhưng mức lương chỉ bằng 40%. Do vậy họ có lợi thế là 60%. Nên lộ trình tăng lương trong tương lai làm thế nào phải đảm bảo được lợi ích của người lao động cũng như nhà đầu tư.
Có 3 biện pháp mà tôi nghĩ cũng cần đẩy mạnh:
Thứ nhất là phải nâng cao năng lực các đơn vị tham mưu ở cấp tỉnh bởi Chính phủ đã giao quyền UBND các cấp thẩm định cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài, trừ những lĩnh vực đặc biệt như dầu khí, bảo hiểm, ngân hàng...
Thứ hai là phải xúc tiến đầu tư cụ thể, có địa chỉ thay vì đại trà như trước đây. Ví dụ như với thành phố phía Đông trong tương lai của TP. Hồ Chí Minh, cần tìm kiếm những tập đoàn lớn của châu Âu, Mỹ có sự quan tâm rồi đàm phán với họ để đi đến kết quả. Phải chủ động tìm những người cần mình và mình cần người ta.
Cuối cùng là phải cải cách nhanh hơn, đồng bộ hơn, để tránh tình trạng trên ấm dưới lạnh, nơi ấm nhiều, nơi ấm ít...
-Còn những doanh nghiệp FDI đã đầu tư ở Việt Nam, họ có những phản hồi gì với VAFIE?
Tại VAFIE chúng tôi tiếp nhận thông tin không chỉ với doanh nghiệp FDI mà còn có các hiệp hội đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư tiềm năng.
Về cơ bản họ rất tin vào quyết tâm của Chính phủ Việt Nam từ năm 2016 đến nay là bằng mọi cách sẽ cải cách nền hàn chính quốc gia. Dù Chính phủ và nhà đầu tư vẫn có nhứng điểm chưa hài lòng nhưng đánh giá cao là chắc chắn.
Mặt khác, như đã nói ở trên, nhờ vào việc sớm dập được dịch Covid-19, niềm tin của các nhà đầu tư đã được củng cố.
Phần lớn các hiệp hội cho biết hơn một nửa doanh nghiệp FDI đã đầu tư ở Việt Nam muốn mở rộng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp từ tháng 4 khi nền kinh tế vận hành trở lại đã tìm cách tiếp xúc với các bên nhằm bàn bạc về các dự án mới.
Ví dụ như đầu tháng 6, Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ đã bày tỏ ý định đầu tư loạt dự án điện khí LNG tại Hải Phòng và Long An.
-Với những doanh nghiệp FDI lớn như Samsung chẳng hạn, làm thế nào để họ có thể bám rễ chặt, không rời đi khi những lợi thế ban đầu của Việt Nam không còn?
Samsung hiện nay sẽ không muốn chuyển đi. Cái người ta sợ là Việt Nam không cho Samsung ở lại. Nhiều người cho rằng các doanh nghiệp FDI đang chèn ép doanh nghiệp trong nước từ xuất khẩu đến công nghiệp. Do vây, có tâm lý lo ngại là khi doanh nghiệp trong nước lớn lên thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải đi.
Samsung luôn nói rằng họ muốn trở thành doanh nghiệp Việt Nam, làm ăn lâu dài ở đây. Họ cũng đề nghị luôn coi Samsung là doanh nghiệp Việt Nam.
Thật ra người ta nói lo là lo mất người. Ví dụ như Trung tâm nghiên cứu phát triển của Samsung 1.650 người, khá nhiều nhân sự từ trung tâm này chuyển sang làm cho Viettel, Vingroup... vì chế độ đãi ngộ, lương tốt gấp đôi.
-Có vẻ doanh nghiệp FDI đang sẽ gặp sự cạnh tranh mạnh với làn sóng lớn lên của các doanh nghiệp trong nước?
Cái đó là đương nhiên.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng vẫn cần thu hút FDI mạnh mẽ, đặc biệt chúng ta cần đến những doanh nghiệp nằm trong top 500 của Forbes đến Việt Nam. Chúng ta không chỉ cần họ đầu tư mà đặt kỳ vọng họ sẽ chuyển cả đại bản doanh đang nằm ở các quốc gia khác về đây. Khi nào có những đại bản doanh như thế ở Việt Nam, chúng ta mới có thể nói là thành công được.
Cảm ơn ông!