Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo gói hỗ trợ an sinh lần thứ 2, dự kiến, gói hỗ trợ lần này khoảng 27.000 tỷ đồng. Trong khi đó, gói an sinh lần 1 hơn 62.000 tỷ đồng đến nay chỉ giải ngân được hơn 22%. GS Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đã có những chia sẻ liên quan đến gói an sinh xã hội lần 2 này.
PV: Xin ông cho biết tại sao lại có gói an sinh xã hội lần 2, trong bối cảnh gói an sinh xã hội lần 1 mới chỉ giải ngân được 22%?
GS Trần Thọ Đạt: Hơn một năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đợt mới bùng phát với chủng mới lây lan nhanh, đặc biệt là đợt dịch lần 4 đã lan rộng tại một số địa phương, thành phố lớn, trong các khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và lao động. Nhiều nơi đã phải thực hiện dãn cách xã hội ở những quy mô khác nhau. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải dừng hoạt động, một số ngành nghề tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh như: hàng không, vận tải hành khách, du lịch, khách sạn, nhà hàng, giải trí, văn hóa, thể thao.... Thị trường lao động tiếp tục chịu tác động rất lớn khi hàng triệu lao động bị ngừng, hoãn, giãn việc. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản nếu không có cứu trợ kịp thời, một số bộ phận người dân, người lao động bị giảm sâu thu nhập cần có sự hỗ trợ sớm để duy trì đời sống mưu sinh.
Gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 1 đã được thực hiện trong thời gian qua, mặc dù mới giải ngân được 22%, nhưng khó có thể tiếp tục duy trì và kéo dài hơn nữa do bối cảnh và điều kiện hiện tại đã thay đổi. Những doanh nghiệp nào tiếp cận được, những đối tượng nào được thụ hưởng thì đã được thực hiện, những cấu phần nào chưa giải ngân được là do điều kiện đã không còn phù hợp nữa, cần phải thay đổi cả về đối tượng và điều kiện nhận hỗ trợ cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Do vậy, gói hỗ trợ lần 2 được đề xuất là cần thiết nhằm hướng đến những đối tượng mới cần hỗ trợ để nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, giúp khắc phục khó khăn trong các đợt dịch vừa qua, sớm ổn định cuộc sống và công việc. Theo dự kiến đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, gói hỗ trợ an sinh xã hội lần này có tổng trị giá trên 27.000 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ lần 1 có những vướng mắc gì trong khi triển khai được và nguyên nhân vì đâu, thưa ông?
Gói hỗ trợ an sinh xã hội vừa qua với tổng số tiền 62 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 36 nghìn tỷ, dành để hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được xác định theo các nghị quyết của Chính phủ. Sau hơn 1 năm triển khai gói hỗ trợ này, thực tế chỉ giải ngân được gần 14 nghìn tỷ đồng. Một số cấu phần của gói hỗ trợ không đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt là khoản cho chủ sử dụng lao động vay để trả lương cho người lao động nghỉ việc, chi từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ chủ sử dụng đào tạo lại lao động. Về các đối tượng được thụ hưởng chính sách, có thể thấy các nhóm đối tượng người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đang nhận trợ cấp xã hội hàng tháng, đối tượng là lao động có hợp đồng tương đối dễ rà soát và cơ bản đã nhận được đủ hỗ trợ. Tuy nhiên, nhóm lao động tự do bị mất việc làm là con số khá lớn, nhưng lại khó xác định các điều kiện, do vậy việc giải ngân là rất khó khăn.
Những điều gì cần rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai gói hỗ trợ lần 1 vừa qua, thưa ông?
Trước hết, cần khẳng định đây là chính sách rất kịp thời để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, với mục tiêu là hỗ trợ những người lao động, người dân bị ảnh hưởng, giảm sâu thu nhập, mất-thiếu-giãn việc làm, tạo niềm tin đối với người dân cùng đồng hành với Chính phủ trong thực hiện mục tiêu "kép". Một khoản mục khá "đặc biệt" của gói hỗ trợ được coi là "chưa có tiền lệ" này là hỗ trợ cho cả người lao động tự do, không có hợp đồng lao động, thể hiện rõ tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Các nguyên tắc hỗ trợ được xác định là bảo đảm đúng đối tượng, hỗ trợ đủ và nhanh nhất, công khai, minh bạch. Như vậy, từ ý tưởng đến thiết kế và ban hành chính sách được cho là đúng và trúng.
Tuy nhiên, khâu thực thi còn nhiều điều vướng mắc, nhiều điều kiện không thực tế khiến việc giải ngân một số hạng mục bị chậm và đình trệ. Nhiều lao động tự do bị mất việc làm không nhận được hỗ trợ. Mặc dù ngay từ đầu, gói hỗ trợ đã dự kiến đây là nhóm rất khó xác định, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương nơi quản lý, theo dõi, gần gũi dân cư để thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng và kịp thời. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, không có hướng dẫn rõ ràng và thiếu cơ sở trong lập danh sách để hỗ trợ cho nhóm đối tượng tự do, hộ kinh doanh cá thể, do vậy cán bộ cấp cơ sở không dám chịu trách nhiệm. Ngoài ra, nhiều người lao động làm việc trong doanh nghiệp nhưng không có hợp đồng, nên cũng không đủ điều kiện xét hỗ trợ. Do vậy, cần phải thay đổi cơ bản cách tiếp cận trong việc hỗ trợ đối tượng lao động tự do, nhiều người trong số họ đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo mức sống tối thiểu.
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ thấp kèm theo điều kiện khá phức tạp nên nhiều hộ kinh doanh không đề nghị hỗ trợ. Việc cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động cũng không đạt kỳ vọng, do điều kiện cho vay chặt, phải minh chứng nhiều điều kiện phức tạp trong khi số tiền hỗ trợ thấp, nên ít doanh nghiệp quan tâm.
Với gói hỗ trợ lần 2, theo ông cần lưu ý những gì?
Theo dự thảo, gói hỗ trợ lần 2 gồm miễn tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiếp tục cho doanh nghiệp tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất trong 6 tháng, sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động, hỗ trợ trực tiếp lao động dừng hợp đồng, lao động nghỉ việc không lương, mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm đóng cửa để phòng dịch theo yêu cầu của cơ quan chức năng, tiền ăn cho trẻ em phải cách ly y tế. Gói hỗ trợ lần này cũng đề xuất Trung ương hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho Bắc Giang và Bắc Ninh để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng và lực lượng phòng chống dịch, Ngân hàng Chính sách xã hội được đề nghị cho vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc.
Tôi cho rằng nguyên tắc hỗ trợ về an sinh xã hội cần phải đúng đối tượng, đủ và nhanh, nguyên tắc này là không thay đổi và cần triển khai thật tích cực, kịp thời. Rõ ràng các cấu phần "miễn tiền đóng, tạm dừng đóng…" vào các quỹ sẽ được thực hiện ngay.
Đối với nội dung hỗ trợ trực tiếp người lao động, hỗ trợ hộ kinh doanh thì để hỗ trợ đúng đối tượng, cần rà soát xem những đối tượng nào đã được tính đến trong gói cứu trợ lần 1 nhưng chưa được hỗ trợ, đặc biệt là lao động tự do, một số đối tượng đặc thù như người bán hàng rong, lao động thu gom rác, làm nghề bốc vác, người bán vé số lưu động, người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú… mà gói cứu trợ vừa qua chưa xác định được.
Các địa phương cần vào cuộc tích cực, phối hợp triển khai rà soát đối tượng lao động trên địa bàn, căn cứ vào đó tiến hành tổng hợp, thống kê, lên danh sách và công khai để toàn dân được biết, linh hoạt sử dụng phương thức tiếp cận "không chính thức" với khu vực "phi chính thức", chẳng hạn thông qua các tổ chức xã hội địa phương. Nên tham khảo kinh nghiệm một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện hỗ trợ các hộ gia đình và người lao động trong khu vực không chính thức ra sao? Các nghiên cứu về lao động phi chính thức ở Việt Nam đã chỉ ra rằng lực lượng lao động phi chính thức có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần lấp đầy khoảng trống thiếu hụt việc làm và thu nhập. Tuy vậy, các chính sách an sinh xã hội hiện nay vẫn chưa bao phủ lên số đông người lao động làm việc tại khu vực kinh tế này, đặc biệt là khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ an sinh xã hội trong thời gian qua.
Ngoài ra, cần bổ sung thêm một số đối tượng, như người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp đã chuyển đổi thành đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, những cơ sở giáo dục ngoài công lập, đời sống của những đối tượng này đang gặp nhiều khó khăn do học sinh không đến trường trong thời gian qua. Thêm nữa, các đợt dịch gần đây cũng cho thấy một bộ phận lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn bị tác động mạnh, lao động trong các khu công nghiệp vừa qua cũng bị tác động rất lớn do ngừng việc. Các đối tượng bị ảnh hưởng nặng tập trung ở một số địa phương nhất định nên việc triển khai gói an sinh xã hội cần linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng địa phương. Về tổng thể, cần xây dựng rõ tiêu chí để xác định, khoanh vùng các nhóm đối tượng, không bỏ sót hoặc trùng lặp, tiêu chí phải rõ ràng trong thực hiện, tính đến điều kiện cụ thể của từng lĩnh vực, ngành, nghề, và địa phương.
Riêng các gói hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động, cho vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc, cần rút kinh nghiệm sâu sắc theo hướng giảm thiểu tối đa điều kiện và thủ tục. Đây chính là hai gói có tỷ lệ giải ngân rất thấp trong thời gian vừa qua.
Cuối cùng, hỗ trợ phải được thực hiện kịp thời để nhóm người lao động bị ảnh hưởng nặng nề sẽ vượt qua được thời khắc khó khăn nhất, vào lúc cần thiết nhất, duy trì được đời sống dân sinh, không bị "bỏ lại phía sau", tăng thêm động lực và niềm tin cùng đồng hành trong cuộc chiến chống dịch, đồng thời tránh được nguy cơ phá sản của nhiều doanh nghiệp.
Bộ Chính trị đồng ý chủ trương hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động
Chiều 25/6 vừa qua, tại Trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Sau khi nghe đại diện Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo và ý kiến của các cơ quan, Bộ Chính trị nhận định, các đợt dịch COVID-19 trong năm ngoái và năm nay có diễn biến rất phức tạp, đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân số cao, khiến việc làm, đời sống thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bộ Chính trị đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Nghị quyết 42 ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ngay từ khi dịch mới bắt đầu bùng phát trong năm ngoái có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó hạn chế những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống, an toàn cho người dân, tiếp tục nâng cao niềm tin trong nhân dân về các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước thể hiện tính ưu việt của chế độ ta…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 07 ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội.